Hiệu quả biện pháp can thiệp bằng truyền thông

Một phần của tài liệu Thực trạng nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng nguồn nước sinh hoạt ở 2 xã huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình và hiệu quả biện pháp can thiệp (2011 2012) (Trang 123)

Truyền thông giáo dục sức khỏe là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch lên lý trí và tình cảm của con người, nhằm tăng cường sự hiểu biết về mặt kiến thức, chuyển biến về mặt thái độ để dẫn đến từ bỏ những hành vi có hại cho sức khỏe của chính bản thân, gia đình mình và của cả cộng đồng, đồng thời thực hành những hành vi có lợi [6].

Thực tế cho thấy, việc phát triển các kỹ thuật cải thiện tình trạng cung cấp nước và vệ sinh môi trường là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vai trò của truyền thông cũng quan trọng không kém bởi các kỹ thuật dù có tác dụng đến đâu cũng sẽ không có giá trị nếu không được người dân quan tâm và chấp nhận [101]. Và để đạt được mục tiêu của Chương trình Quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, một trong các giải pháp quan trọng được chính phủ đưa ra đó là đẩy mạnh công tác thông tin - giáo dục - truyền thông và huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư [9], [10].

Chúng tôi đã tiến hành truyền thông cho người dân xã Bình Nguyên huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình trong vòng 1 năm, sau thời điểm điều tra ban đầu. Đối tượng truyền thông của chúng tôi ngoài người dân ở lứa tuổi lao động còn có trẻ em lứa tuổi học đường. Khi truyền thông cho đối tượng học sinh, chúng tôi hy vọng có thể có hiệu quả lâu dài bởi đây là lứa tuổi bắt đầu có sự tích lũy kiến thức. Nếu có kiến thức, các em sẽ có sự nhìn nhận đúng đắn trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Kiến thức của các em có thể có tác động trực tiếp và mạnh mẽđến người thân trong gia đình và cộng đồng.

Sau 1 năm triển khai các hoạt động can thiệp bằng tuyên truyền - giáo dục sức khỏe, chúng tôi đã thu được những kết quả sau:

4.2.1.1. Hiệu quả của can thiệp truyền thông lên tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng nguồn nước

Kết quả bảng 3.19 cho thấy, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng trong các nguồn nước sinh hoạt tại xã Bình Nguyên giảm từ 69% trước can thiệp xuống còn 60,7% sau can thiệp. Sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng trong nước trước và sau can thiệp ở xã Bình Nguyên có ý nghĩa thống kê với p<0,05 và HQCT đạt được so với xã chứng là 11,7%.

Trong các nguồn nước sinh hoạt tại xã can thiệp, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng ở nguồn nước giếng khoan và giếng khơi giảm rõ rệt nhất với HQCT đạt được so với xã chứng tương ứng là 24,1 và 30,3%. Nguồn nước mưa có tỷ lệ nhiễm sau can thiệp giảm rất thấp và nguồn nước mặt như nước ao hồ hoặc sông ngòi hầu như không giảm so với trước can thiệp. Từ đó có thể thấy rằng, người dân mới chỉ quan tâm tới nguồn nước của gia đình mình mà chưa quan tâm tới vệ sinh môi trường chung. Ngoài ra, nước sông ngòi và nước ao hồ là nơi tập trung các nguồn ô nhiễm bao gồm cả trên mặt đất hay trong không khí nên sự thay đổi không thể xảy ra nhanh chóng, chỉ sau 1 năm can thiệp bằng truyền thông - giáo dục sức khỏe.

Tại xã Bình Nguyên, tỷ lệ nguồn nước nhiễm các mầm bệnh giun sán giảm rõ rệt. Trong khi đó, ở xã Vũ Hòa, tỷ lệ nhiễm các mầm bệnh trong nước sinh hoạt có sự thay đổi không đáng kể. HQCT ở xã Bình Nguyên đối với tỷ lệ nhiễm mầm bệnh sán cao hơn 56,8% và với tỷ lệ nhiễm giun là 12,4% so với xã chứng. Tỷ lệ nhiễm đơn bào giảm thấp so với trước can thiệp và đạt HQCT là 11,3% so với xã chứng. Theo chúng tôi, điều này hoàn toàn phù hợp bởi khi giảm ô nhiễm môi trường có thể giảm tình trạng nhiễm giun sán trong nước. Tuy nhiên, khi giảm sự ô nhiễm, tình trạng nhiễm đơn bào nguồn nước vẫn có thể xảy ra bởi với một số loại đơn bào, môi trường nước là môi trường thích hợp để chúng tồn tại và phát triển. Việc loại bỏ chúng ra khỏi môi trường nước hiện nay vẫn là một thách thức. Theo một số nghiên cứu trên thế giới, bào nang đơn bào sau khi được bất hoạt vẫn có thể hồi sinh trong các đường ống dẫn nước và vì thế mà đơn bào vẫn được tìm thấy trong các mẫu nước đã qua xử lý với clo, nước qua lọc, thậm chí là nước uống hoặc nước đóng chai [122], [71], [93], [136]. Và như vậy, sự xuất hiện các loại đơn bào trong nước, đặc biệt là trong nước uống đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và cũng đòi hỏi con người phải có chiến lược cụ thể và lâu dài trong việc loại bỏ các mầm bệnh này ra khỏi nước.

Mặc dù tỷ lệ nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng trong nước sinh hoạt tại địa bàn nghiên cứu giảm không nhiều nhưng cũng cho thấy công tác truyền thông cũng đã đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, theo chúng tôi, một năm truyền thông chưa đủ để đạt được hiệu quả rõ rệt trong việc làm giảm tình trạng ô nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng nguồn nước. Vì vậy, truyền thông phải có kế hoạch lâu dài. Khi người dân đã có nhận thức đúng đắn các nguy cơ sức khỏe, tự bản thân họ sẽ thay đổi. Tuy nhiên, để nâng cao sức khỏe cộng đồng và phòng chống bệnh lây truyền qua nước, ngoài truyền thông, chính quyền và các ban ngành cần phải có kế hoạch trong việc cung cấp nước sạch, hướng dẫn cách bảo quản, vệ sinh cũng như xử lý nước.

4.2.1.2. Hiệu quả biện pháp can thiệp truyền thông trong việc nâng cao kiến thức, thực hành của người dân

Sau khi truyền thông, kiến thức về các mầm bệnh ký sinh trùng lây truyền qua nước của người dân tại xã can thiệp đã được nâng lên. Những mầm bệnh như amip hay nấm, trước can thiệp có số người trả lời đúng thấp thì sau can thiệp lại tăng lên rõ rệt với HQCT so với xã chứng đạt 26,6% và 21,7%. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ người dân có kiến thức về mầm bệnh sán lá gan lớn có thể lây truyền qua nước trước can thiệp là 64%, cao hơn so với nghiên cứu năm 2011 của Nguyễn Văn Văn (52,2%) và năm 2010 của Đỗ Lê Huấn (23,4%) nhưng sau can thiệp, kết quả của chúng tôi lại thấp hơn (67,7% so 83,4% và 92,5%) [58], [24]. Có thể giải thích rằng trong nghiên cứu của mình, các tác giả chỉ tập trung vào tuyên truyền 1 loại mầm bệnh là sán lá gan lớn. Trong khi đó, mầm bệnh ký sinh trùng gây ô nhiễm nguồn nước trong nghiên cứu của chúng tôi lại có nhiều. Vì thế, với thời gian 1 năm truyền thông, người dân khó có thể nhớ được hết tất cả những mầm bệnh đó. Điều đó càng chứng tỏ, truyền thông cần phải được tiến hành lâu dài và thường xuyên mới có thể mang lại hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thực hành của người dân cũng như duy trì thành quảđã đạt được.

Số người có kiến thức đúng về các phương thức gây ô nhiễm nước sinh hoạt ở xã Bình Nguyên sau khi được truyền thông cũng tăng lên đáng kể. Trong đó, số người hiểu đúng sử dụng phân tươi trong canh tác gây ô nhiễm nước tăng cao với HQCT đạt tới 64,3% so với xã chứng. Ngoài ra, số người không biết một tác hại nào do mầm bệnh ký sinh trùng gây ra ở xã can thiệp giảm rõ rệt so với so với trước can thiệp và so với xã chứng, đạt HQCT là 32,9%. Không chỉ vậy, tại xã Bình Nguyên, kiến thức về các biện pháp bảo quản và vệ sinh nước như sử dụng dụng cụ chứa nước sạch và vệ sinh thường xuyên dụng cụ chứa nước là có tỷ lệ người trả lời đúng tăng cao nhất và cao

hơn so với xã chứng với HQCT đạt 35,5% và 38,8%. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm tác động của ozone, Aquatabs và nhiệt độ trên mầm bệnh ký sinh trùng. Sau khi đánh giá hiệu quả của các phương pháp này, chúng tôi sử dụng kết quả với mục đích truyền thông cho người dân tại địa bàn nghiên cứu. Kết quả là, số người trả lời đúng, đun sôi là biện pháp xử lý nước tăng lên rõ rệt, từ 69,2% lên 98,2% và đạt HQCT là 37,8% so với xã chứng. Rõ ràng, đây chính là kết quả mà chúng tôi, những người đã làm công tác truyền thông cho người dân mong muốn đạt được. Đây cũng là điều đáng mừng bởi khi tỷ lệ người dân có kiến thức đúng tăng lên đồng nghĩa với nguy cơ sử dụng nước ô nhiễm giảm đi giúp người dân phòng chống lây truyền các bệnh từ nước. Tuy nhiên, tỷ lệ người trả lời sử dụng hóa chất và ozone lại tăng lên mặc dù hiệu quả tiêu diệt mầm bệnh trong nước, đặc biệt là các mầm bệnh giun sán của những phương pháp này không cao. Kết quả nghiên cứu càng khẳng định, truyền thông cần phải thực hiện lâu dài. Việc giảm các thói quen ăn uống không khoa học không chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng từ nước mà còn phòng chống các bệnh lây truyền qua nước. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ người dân có thói quen uống nước lã cũng như ăn thực phẩm tái sống ở cả 2 xã sau can thiệp đều giảm so với trước can thiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân ăn thực phẩm tái sống ở xã can thiệp giảm rõ rệt so với trước can thiệp và so với xã chứng. Trong khi đó, tỷ lệ người dân uống nước lã ở xã chứng lại giảm nhiều hơn. Điều này theo chúng tôi thực ra là không có gì mâu thuẫn bởi người dân trên cả nước hiện nay đều có cơ hội tiếp cận với thông tin như nhau và bất cứ một người dân nào cũng có thể tự tìm hiểu kiến thức một cách dễ dàng qua sách báo, tờ rơi, phim ảnh… So sánh, chúng tôi nhận thấy, tại xã Bình Chánh huyện Thăng Bình, Quảng Nam, tỷ lệ người dân uống nước lã trước can thiệp (6,1%) và sau 1 năm can thiệp bằng truyền thông giáo dục sức khỏe (1,1%) đều thấp hơn rất nhiều so với kết quả nghiên cứu của chúng tôi [58].

Ở bảng 3.28, số người sử dụng nước giếng khoan và giếng khơi ở cả 2 xã đều giảm đi. Cụ thể, xã Bình Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng giếng khoan và giếng khơi trước can thiệp tại 46,7%; 14,3% và sau can thiệp là 24,5% và 11,2%. Tại xã Vũ Hòa, trước can thiệp có tỷ lệ người sử dụng lần lượt là 39,7%; 17,6% và sau can thiệp là 20,8% và 14,0%. Nguồn nước mà chúng tôi hy vọng sẽ không còn người sử dụng như nước ao hồ và sông ngòi lại không thay đổi và thậm chí còn tăng lên. Tuy nhiên, điều đáng mừng là số người sử dụng nước máy ở cả xã can thiệp và xã chứng đều tăng lên. Có được kết quả này là vì đúng vào thời điểm chúng tôi thực hiện truyền thông, ở cả 2 xã nghiên cứu đều đang triển khai chương trình cấp nước sạch nông thôn. Được sử dụng nước sạch, theo chúng tôi, là nhu cầu đối với tất cả mọi người, đặc biệt là người dân sống các khu vực nông thôn bởi vai trò của nó đối với sức khỏe. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch ở 2 xã nghiên cứu chưa cao. So sánh, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ người dân sử dụng nước máy ở 2 xã tại thời điểm chúng tôi điều tra cao hơn tỷ lệ 36,2% hộ gia đình sử dụng tại CHILILAB- Hải Dương nhưng thấp hơn tỷ lệ 78% hộ gia đình tại Nhật Tân- Hà Nam sử dụng vào năm 2010 [35],[26]. Kết quả của chúng tôi cũng cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch ở 2 xã tại thời điểm điều tra thấp hơn so với mục tiêu chương trình nước sạch quốc gia giai đoạn 2012- 2015 là phải đạt được 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh [10]. Không những thế, kết quả này cũng thấp hơn kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2005 với 62% hộ gia đình nông thôn trên toàn quốc được tiếp cận với nước sạch, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng là 66% [107]. Theo chúng tôi, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chưa cao có thể vì thời điểm chúng tôi điều tra ở vào giai đoạn đầu của chương trình cung cấp nước sạch tại 2 xã nghiên cứu hoặc có thể, người dân vẫn có thói quen sử dụng nước mà không

phải trả tiền. Ngoài ra, không phải người dân nào cũng có thể bỏ ra một số tiền nhất định chi phí cho việc lắp đặt cũng như sử dụng nước hàng tháng.

Mặc dù tỷ lệ người dân sử dụng nước máy trong sinh hoạt tăng lên nhưng tỷ lệ người dân sử dụng nước máy trong chế biến thực phẩm ăn tái/sống lại thấp hơn. Trong khi đó, nguồn nước mưa lại được người dân sử dụng nhiều hơn. Theo quan niệm của người dân, nước mưa là nguồn nước sạch và trên thực tế nước mưa là nước sạch. Nguồn nước mưa chỉ không sạch khi người dân không bảo quản và vệ sinh đúng cách. Ngoài quan niệm là nước sạch, một lý do nữa để người dân sử dụng nước mưa nhiều hơn là vì họ không phải trả tiền. Vì thế, người dân sử dụng nước mưa nhiều hơn trong chế biến thực phẩm tái/ sống theo chúng tôi là hoàn toàn phù hợp. Ngoài nước mưa, người dân còn sử dụng các nguồn nước khác như nước giếng khơi, giếng khoan để chế biến thực phẩm. Không những thế, vẫn còn có một tỷ lệ hộ gia đình ở 2 xã sử dụng nước ao hồ, sông ngòi. Theo chúng tôi, khi mà người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm chế biến thực phẩm tái/ sống có nghĩa họ không thể thay thế bởi nguồn nước khác. Vì vậy, chính quyền địa phương cần xem xét để có chính sách phù hợp khuyến khích mọi người dân đều có thể được tiếp cận với nước sạch.

Kết quả bảng 3.30 cho thấy tỷ lệ người dân xã Bình Nguyên sử dụng hố xí tự hoại sau can thiệp tăng lên rõ rệt so với trước can thiệp và so với xã chứng đạt HQCT là 26%. Việc người dân sử dụng hố tự hoại tăng lên theo chúng tôi một phần có thể là do họ đã có nhận thức đúng vai trò đối với sức khỏe và một phần nữa có thể là do khi có nước sạch, người dân cũng tự giác thay đổi. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hố xí hai ngăn tăng lên càng chứng tỏ nhận thức của người dân đã tăng lên. Vì nhận thức tăng lên nên thay vì dùng hố xí một ngăn, một số hộ gia đình đã cải tạo thành hố xí hai ngăn cho hợp vệ sinh khi điều kiện chưa cho phép hoặc có thể họ vẫn có nhu cầu sử dụng phân

trong canh tác. Sự thay đổi tích cực này theo chúng tôi, chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ trong việc làm giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường nước bởi các loại mầm bệnh. So sánh, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh tại Bình Nguyên và Vũ Hòa ở thời điểm này cao hơn so với mục tiêu chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012- 2015 [10]. Tỷ lệ hộ gia đình tại 2 xã sử dụng hố xí hợp vệ sinh cũng cao hơn so với tỷ lệ sử dụng tại Nhật Tân- Hà Nam (44%) và CHILILAB- Hải Dương (60,2%) năm 2010 [35], [26]. Nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Thanh (2011) cho thấy, nguy cơ mắc các bệnh giun sán, tiêu chảy, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa, bệnh ở mắt và ngộ độc tại các hộ gia đình sử dụng nước ăn uống và nhà tiêu không hợp vệ sinh cao gấp 5,0 và 1,7 lần so với các hộ gia đình sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh [46]. Trong nghiên cứu năm 2009 của Trần Thị Thanh Thủy tại An Dương, Hải Phòng cũng cho thấy mối liên quan giữa sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh và tiêu chảy [51]. Kết quả một nghiên cứu tiến hành tại vùng nông

Một phần của tài liệu Thực trạng nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng nguồn nước sinh hoạt ở 2 xã huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình và hiệu quả biện pháp can thiệp (2011 2012) (Trang 123)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)