Truyền thông giáo dục sức khỏe với mục đích nâng cao nhận thức, thực hành của người dân trong vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để phòng chống ô nhiễm nước và các bệnh lây truyền qua nước.
Việt Nam là nước có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều cùng với môi trường ô nhiễm là điều kiện lý tưởng cho các mầm bệnh nói chung và mầm bệnh ký sinh trùng nói riêng tồn tại và phát triển ở ngoại cảnh. Đa số các loại mầm bệnh ký sinh trùng đều bắt nguồn từ người bệnh, động vật nuôi, thú hoang hay từ môi trường. Vì thế, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân nhằm thay đổi các hành vi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như sử dụng phân tươi trong canh tác và nuôi trồng thủy hải sản, thả rông súc vật, phóng uế và xả rác bừa bãi… góp phần làm giảm sự lan truyền mầm bệnh.
Không những thế, cách bảo quản và sử dụng nước của người dân có thể làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm nước do có thể làm mầm bệnh từ môi trường đất và không khí xâm nhập. Vì thế, truyền thông còn có ý nghĩa giúp người dân hiểu rõ, thực hành đúng về bảo quản và vệ sinh nguồn nước, phòng các bệnh lây truyền qua nước.
Như vậy, truyền thông cần tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao trong lây nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng, đặc biệt phải quan tâm tới từng nhóm đối tượng: học vấn, mức sống, tuổi, giới tính, nghề nghiệp.... và phải đạt được sự hợp tác của đối tượng truyền thông mới có thể có được kết quả mong muốn.
Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy biện pháp truyền thông- giáo dục sức khỏe đã chứng minh là mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao kiến thức cũng như thực hành của người dân trong việc làm giảm ô nhiễm nguồn nước và phòng tránh bệnh tật.
Tại huyện Đại Lộc- Quảng Nam, sau truyền thông giáo dục sức khỏe, tỷ lệ người dân sử dụng hố xí không hợp vệ sinh giảm 62,2% và tỷ lệ sử dụng phân trâu bò tươi bón cho cây trồng cũng giảm rõ rệt [31].
Xã Bình Chánh huyện Thăng Bình, Quảng Nam, tỷ lệ người dân uống nước lã là 6,1%. Sau 1 năm tiến hành can thiệp bằng truyền thông giáo dục sức khỏe, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 1,1 [58].
Tại huyện Phù Cát tỉnh Bình Định, sau khi can thiệp bằng truyền thông giáo dục sức khỏe, tỷ lệ người dân hiểu biết về vệ sinh môi trường tăng 64%, thói quen phóng uế bừa bãi giảm 12- 16% và số hộ có hố xí tăng 9% [12].
Sau 1 năm thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe, kiến thức và thực hành của người dân xã Việt Hùng huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình về vệ sinh môi trường đã tăng lên rõ rệt với tỷ lệ người dân biết về hố xí tự hoại tăng 25,5%, biết về hố xí 2 ngăn tăng 98,2%, sử dụng hố xí hợp vệ sinh tăng lên 15%; tỷ lệ trẻ em nhiễm giun tóc giảm từ 70 xuống còn 31,7%; nhiễm giun đũa giảm từ 74,2% xuống còn 34,7% và giun móc từ 4,2% xuống 0% [34].
Trong nghiên cứu của Ngô Thị Nhu năm 2008, tỷ lệ người dân hiểu biết đúng về thời gian thau rửa và vệ sinh nguồn nước tăng lên tới 90% với chỉ số hiệu quả là 80% sau 1 năm được can thiệp bằng truyền thông- giáo dục sức khỏe [37].