Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị. Do vậy Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành viên có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là củng cố, tăng cường khối đại doàn kết toàn dân tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa nhân dận với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đấ nước hiện nay - một sự nghiệp đầy khó khăn gian khổ càng đòi hỏi phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể thành viên càng quan trọng.
Là một bộ cấu thành của hệ thống chính trị huyện Hoài Đức, Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể thành viên cũng có vai trò quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị huyện. Mặc dù có nhiều cố gắng trong đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của mình, xong để đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa về tổ chức và phương thức hoạt động. Cụ thể:
Về tổ chức, phải kiện toàn bộ máy các thành viên của Mặt trận Tổ quốc để nâng cao hơn nữa nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của Mặt trận. Phải thấy được vai trò giám sát của Mặt trận đối với chính quyền để thực hiện tốt. Tránh thái độ xem thường vai trò cũng như hình thức hóa hoạt động của Mặt trận. Nâng cao hơn nữa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để tránh tình trạng tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trở nên quan liêu, xa dân, hành chính hóa các hoạt động vận động quần chúng dẫn tới chất lượng và hiệu quả hoạt động của mặt trận không cao.
Về phương thức hoạt động, thực hiện đa dạng hóa các chức năng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, không xem nhẹ chức năng tập hợp, giáo dục quần
chúng để thực hiện có hiệu quả mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần xem xét việc bảo vệ, thỏa mãn nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên trong tổ chức mình là chức năng cơ bản nhất. Có như vậy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể mới thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, từ đó hiệu quả hoạt động sẽ ngày càng cao.
Mặt trận và các đoàn thể cần thúc đẩy việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phản ánh ý kiến của quần chúng về xây dựng Đảng và chính quyền, phát giác những hành vi tham nhũng, lãng phí, vi phạm dân chủ tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, bày tỏ thái độ đối với những khiếu kiện của dân để góp phần giải quyết từ gốc.
Đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, mở rộng các Tổ chức và hoạt động tự quản của nhân dân dưới nhiều hình thức phong phú, các hội viên, đoàn viên chủ động tham gia vào các Tổ chức và làm nòng cốt vận động cũng như tổ chức hoạt động đúng mục đích, đúng pháp luật. Muốn làm tốt điều này, các cán bộ đoàn thể phải thực hiện tốt công tác dân vận, vận động quần chúng.
Phải có phong trào, thu hút một bộ phận nhiệt tình và có khả năng hoạt động làm nòng cốt, bằng những việc làm thiết thực, có hiệu quả mà dần dần mở rộng được lực lượng tham gia. Các hình thức sinh hoạt phải đa dạng, linh hoạt, mềm dẻo có tính hấp dẫn, hữu ích thì mới duy trì được phong trào. Mỗi đoàn thể, mỗi tổ chức phải bám sát đặc thù của mình để hoạt động cho thiết thực, phù hợp, có sức sống, không rơi vào gò bó, khô khan, cứng nhắc thì mới phát triển được đoàn viên, hội viên. Cụ thể:
Đối với đoàn thanh niên cần phải đổi mới nội dung sinh hoạt đoàn để phù hợp với lứa tuổi, nội dung sinh hoạt đoàn theo đó phải gắn với vui chơi, giải trí nhưng lại thiết thực.
Đẩy mạnh phong trào thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp.
Bồi dưỡng cho đoàn viên, thanh niên nâng cao lý tưởng cách mạng trong thời kỳ mới, ý thức chấp hành pháp luật, phòng chống các tệ nạn xã hội… qua đó, giúp cho đoàn viên thanh niên nhận thức được quyền và nghĩa vụ công dân của mình, đồng thời nâng cao ý thức trách hiệm của bản thân trong cuộc sống cộng đồng, phát huy vai trò gương mẫu, xung phong của người đoàn viên thanh niên.
Trong hoạt động của mình cần chú ý tới công tác phát triển đảng viên mới từ đoàn viên thanh niên. Đây là vấn đề mà tổ chức đoàn và các Đảng bộ cơ sở cần quan tâm; có kế hoạch, chương trình để giáo dục, bồi dưỡng nhằm phát triển Đảng viên mới từ phong trào thanh niên.
Cần tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho hoạt động của đoàn thanh niên, hiện nay các trang thiết bị cho các hoạt động của đoàn cơ sở còn rất thiếu đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, cổ động… thậm chí cả địa điểm sinh hoạt đoàn. Điều này là hạn chế lớn tới hoạt động của đoàn, không thu hút được đoàn viên tham gia.
Đối với hội phụ nữ đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Tích cực chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo phù hợp với từng xã, thị trấn nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm tăng thu nhập cho phụ nữ, tiến tới từng bước ổn định đời sống gia đình. Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, phát huy vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ vì hiện nay thành phần cán bộ nữ trong hệ thống chính trị còn chưa phù hợp.
Đối với hội nông dân, phải đa dạng hóa hơn nữa các hình thức tổ chức và nội dung hoạt động, đẩy mạnh, vận động các hộ nông dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển sản xuất và tận dụng thời gian
nhàn rỗi sau mùa vụ; mở các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả đạt năng suất cao.
Phát động rộng rãi phong trào nông dân giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo… các phong trào này sẽ tạo nên một đội ngũ đông đảo trong thi đua sản xuất góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
Đối với Hội cựu chiến binh cần phải:
Một là, tăng cường giáo dục truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống yêu nước của dân tộc để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của hội mà Đảng bộ, chính quyền địa phương giao cho.
Hai là, hội phối hợp với đoàn thanh niên giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ qua các buổi trao đổi, nói chuyện nhân ngày 22/12 nhằm giúp cho đoàn viên thanh niên xác định rõ lý tưởng cách mạng và trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, bảo vệ quyền lợi của các đối tượng chính sách, động viên hội viên làm kinh tế giỏi.
Bốn là, thường xuyên phối hợp với các lực lượng công an, thực hiện tốt phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tham gia công tác quân sự ở địa phương, phối hợp với ban chỉ huy quân sự, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện tốt công tác gọi thanh niên nhập ngũ; động viên hội viên và nhân dân tích cực thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách đối với người có công với cách mạng.