Những phương hướng cơ bản nhằm đổi mới hệ thống chính trị

Một phần của tài liệu Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây hiện nay (Trang 89)

Trong đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta phải xác định rõ “Dân là gốc, dân là chủ, dân làm chủ”, “bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân”. Lịch sử dân tộc và lịch sử hệ thống chính trị ở nước ta cho thấy những giai đoạn đất nước hưng thịnh, Nhà nước vững mạnh đều có sự gắn bó giữa hệ thống chính trị với nhân dân.

Đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay cần vận dụng mối quan hệ biện chứng giữa tính dân tộc và tính giai cấp. Hệ thống chính trị trong các giai đoạn lịch sử dều mang tính giai cấp. Trong các giai đoạn đất nước hưng thịnh thì tính giai cấp của hệ thống chính trị không tách rời tính dân tộc. Trong đổi mới hệ thống chính trị hiện nay phải vận dụng nghiêm túc, sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chỉ khi nguyên tắc tập trung dân chủ trong lĩnh vực tư tưởng, chính trị của Đảng chuyển thành nguyên tắc hoạt động của Nhà nước thì mới có sự thống nhất của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, mới khắc phục được tình trạng phân tán, cục bộ địa phương, tùy tiện của hệ thống chính trị. Chỉ như vậy mới có sự thống nhất của Nhà nước, thống nhất được quyền lực trong hệ thống chính trị, xác lập rõ quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và mối quan hệ giữa chúng với nhau.

ổn định và phát triển là rất quan trọng trong đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. ổn định đi đôi với phát triển sẽ tạo ra thời kỳ hưng thịnh của đất nước. Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị tác động rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội. Một xã hội đang trong quá trình đổi mới thì việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị sẽ là điều kiện tiên quyết tạo ra môi trường ổn định đi đôi với phát triển.

Cùng với đó cần nhận thức đúng và thực hiện tốt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, đổi mới hệ thống chính trị, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân thì điều quan trọng là phân định rõ vị trí, chức năng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các đoàn thể nhân dân, trước hết là giữa Đảng với Nhà nước. Do vậy hiện nay đổi mới hệ thống chính trị nhất thiết phải dựa trên những phương hướng cụ thể:

a. Đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng

Đổi mới và chỉnh đốn Đảng là một trong những công việc quan trọng đảm bảo sự tồn tại của Đảng. Đổi mới Đảng là một luận điểm mới trước trước kia chưa từng có trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta, vấn đề này chỉ được nêu ra tại Đại hội VI của Đảng năm 1986. Việc đổi mới là một công việc thường xuyên, lâu dài vì đây là quy luật và phát triển của Đảng.

Việc đổi mới phải thường xuyên, lâu dài là do sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội càng được triển khai, công cuộc đổi mới đất nước càng được đẩy mạnh, nhiều vấn đề mới được đặt ra càng đòi hỏi Đảng phải vượt lên phía trước để không rơi vào tình trạng bất cập; hơn nữa phải kịp thời ngăn chặn những suy thoái, biến chất có thể xảy ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Có thể phê bình và tự phê bình để đánh giá đúng những thành tựu và hạn chế, những ưu điểm, khuyết điểm hay những sai lầm trong công tác lãnh đạo cũng như trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Nhưng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm hay sai lầm lại thường đụng chạm đến cách nghĩ, cách làm cũ đã trở thành thói quen không dễ vượt qua, những động cơ cá nhân không dễ từ bỏ. Còn đổi mới để tìm ra những quan điểm mới, những cách làm mới tiến bộ, hợp quy luật để thay đổi thay đổi những quan điểm cũ, những cách làm lạc hậu, kìm hãm sự phát triển thì không chỉ dùng phê bình và tự phê bình là có thể giải quyết được.

Thực tiễn đổi mới của nước ta trong 20 năm qua đã chứng minh Đảng ta vận động theo quy luật: Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Trong xây dựng Đảng, những thành tựu đạt được đều bắt nguồn từ việc tích cực đổi mới của Đảng; ngược lại những hạn chế, yếu kém đều do đổi mới quá chậm chạp, không đến nơi, không cương quyết, không triệt để.

Đại hội X của Đảng (4/2006) đã nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới ở nước ta. Báo cáo chính trị tại đại hội X đã nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, có như vậy Đảng mới nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình.

Đại hội X cũng đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng …Việc đổi mới tổ chức phương thức lãnh đạo của Đảng là rất cần thiết.

Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới cần tập trung làm tốt các vấn đề:

Một là; nâng cao nhận thức và thực hiện đúng vai trò hạt nhân chính trị và trình độ lãnh đạo của tổ chức Đảng ở các cấp để phát huy tính chủ động, sáng tạo và tinh thần nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện đường lối của Đảng.

Hai là; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần nâng cao nhận thức và có quan niệm đúng đắn về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Trước hết là đổi mới việc ra nghị quyết và chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết của Đảng. Phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, tăng cường công tác rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên của Đảng…

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Đảng lãnh đạo nhà nước bằng đường lối, quan điểm, các nghị quyết; lãnh đạo thể chế hóa, cụ thể hóa, cụ thể hóa, thành Hiến pháp, pháp luật; bố trí đúng cán bộ và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước mà trái lại phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động sáng tạo của Nhà nước trong quản lí đất nước và xã hội. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể xác định đúng mục tiêu, phương hướng hoạt động; đồng thời phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động của mình.

b. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lí của Nhà nước

Để Nhà nước làm tốt nhiệm vụ quản lí và lãnh đạo xã hội, để việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thì Nhà nước cần phải:

Thứ nhất, phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống chính quyền Nhà nước trong việc mở rộng và thực hiện dân chủ, hoàn thiện cơ chế dân chủ, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cụ thể hóa phương châm “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Thứ hai, chăm lo xây dựng kiện toàn bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, có cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả, đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực với tinh thần trách nhiệm cao. Hoạt động của cơ quan Nhà nước phải đặt nhiệm vụ phục vụ nhân dân lên trên hết, giải quyết đúng đắn và nhanh chóng các công việc có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Giáo dục cán bộ, công chức Nhà nước xây dựng và thực hành phong cách „trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”…

Thứ ba, Xây dựng cơ chế và biện pháp để kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lộng quyền, xâm phạm quyền làm chủ của

nhân dân; ngăn chặn và khắc phục tình trạng dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, đồng thời nghiêm trị những hoạt động phá rối…

Thứ tư, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt của bộ máy Nhà nước.

c. Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội Trong những năm qua các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng nhân dân đã phát huy vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những đóng góp đó là vô cùng to lớn. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải tiếp tục đổi mới theo hướng:

Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể quần chúng. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, nghề nghiệp… các tổ chức quần chúng.

Hai là, Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu và chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng và hợp pháp của nhân dân.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân tập trung hướng mạnh về cơ sở. Lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, ngăn chặn và chống mọi hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân; gắn hoạt động cúa các tổ chức đoàn thể quần chúng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng… với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Một phần của tài liệu Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây hiện nay (Trang 89)