Quá trình đổi mới hệ thống chính trị cấp huyện ở Hoài Đức từ năm 1986 đến nay đã trải qua hơn 20 năm, trong điều kiện thế giới và trong nước có nhiều biến động to lớn. Với việc khởi xướng đường lối đổi mới của Đảng ta từ Đại hội VI (1986) đã thực sự đem lại bước chuyển biến lớn trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Trong giai đoạn 1986 - 1991 Đảng bộ và nhân dân Hoài Đức đã giành được những thắng lợi trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong đổi mới hệ thống chính trị nói riêng, trong giai đoạn này Hoài Đức là huyện trực thuộc thành phố Hà Nội, tới tháng 7/1991 Hoài Đức và một số huyện khác (Đan phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì) tách ra khỏi hà Nội và sát nhập vào Hà Tây. Đây cũng là thời điểm cả nước cùng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội VII, Đảng bộ và nhân dân Hoài Đức đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Để có được kết quả như hiện nay phải kể đến những đổi mới của hệ thống chính trị cấp huyện ở Hoài Đức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Trong báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân đạt 13,8%/năm (từ 2000 - 2005), cao hơn nhiệm kỳ (1996 - 2000) 0,7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt 4,81 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế có những chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng trong nông nghiệp (Năm 2005: Công nghiệp bằng 48,4%; Thương mại - dịch vụ bằng 30,6%, nông nghiệp bằng 21%); Văn hoá xã hội cũng đạt được những kết quả quan trọng; an ninh quốc phòng được giữ vững; một số vấn đề bức xúc nổi cộm
trong nhân dân được giải quyết có hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có chuyển biến.
Tuy nhiên vẫn phải thấy rằng tốc độ phát triển kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm, chưa hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất nông sản có giá trị cao. Một số các làng nghề công nghệ còn lạc hậu, sức cạnh tranh thấp, dịch vụ thương mại còn manh mún, nhỏ bé, cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều bất cập. Thu ngân sách các cấp còn khó khăn, đầu tư phát triển thấp. Một số vấn đề trong lĩnh vực văn hoá xã hội chưa đáp ứng nhu cầu, có những cơ sở còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, tệ nạn xã hội tiếp tục gia tăng. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền còn có những hạn chế, yếu kém, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Những điều này đòi hỏi huyện uỷ phải thường xuyên xác định và thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng thực sự vững mạnh trên cả ba mặt, đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ. Coi đây là chìa khoá thúc đẩy các phong trào địa phương, vừa đảm bảo ổn định tình hình chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh nông thôn, vừa tạo đà thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Cấp uỷ phải xây dựng quy chế làm việc khoa học, dân chủ để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực. Vừa đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa phát huy được tính chủ động sáng tạo, tham mưu của chính quyền, của các ban ngành đoàn thể. Trong quá trình thực hiện cần phải có sự cải tiến, đổi mới, bổ sung cho phù hợp với tình hình.
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp của nhân dân. Xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch vững mạnh, đủ khả năng tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của cấp trên và của cấp uỷ giao; quản lý đều trong mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội, theo hiến pháp và pháp luật.
Thường xuyên chăm lo và xây dựng mối đoàn kết trong nội bộ cấp uỷ, chính quyền. Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng - xã hội… tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân và thực hiện dân chủ công bằng xã hội.
Từ kết quả đạt được trong quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị cấp huyện ở Hoài Đức, có thể rút ra được mấy bài học kinh nghiệm:
Một là, các cấp uỷ đảng từ huyện đến cơ sở phải nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vì chỉ có như vậy mới có thể cụ thể hoá và vận dụng sáng tạo nhằm đề ra các chương trình hành động, các giải pháp thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.
Hai là, đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ chính trị đặt ra, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hiện tượng cán bộ, đảng viên sai phạm và một số người cố tình cản trở việc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ thực tế những năm qua cho thấy việc không xử lý nghiêm những sai phạm của cán bộ, đảng viên đã dẫn tới niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào pháp luật của Nhà nước giảm sút nghiêm trọng, những hành vi cố tình cản trở việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước không xử lý kịp thời tất yếu dẫn tới hiện tượng coi thường pháp luật, gây mất ổn định ở địa bàn.
Ba là, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chăm lo công tác bồi dưỡng, đào tạo, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tập trung giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện quan trọng trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị vì người cán bộ là nhân tố quyết định đến phong trào của địa phương, đơn vị.
Bốn là, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, không ngừng đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ. Nâng cao năng lực điều hành, quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, chất lượng hoạt động của các đoàn thể.
Năm là, chủ động bồi dưỡng, phát huy và khai thác các nguồn lực xã hội của địa phương, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên và các nguồn lực khác, phát huy các lợi thế về tiềm năng và vị trí địa lý để phát triển đúng hướng. Thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết các mô hình, điển hình tiên tiến để nhân rộng.
Chương 3
Quan điểm, phương hướng và những giải pháp
nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở huyện hoài đức