Đổi mới hệ thống chính trị cấp huyện ở Hoài Đức thời kỳ 1986 1991

Một phần của tài liệu Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây hiện nay (Trang 50)

Đại hội VI (1986) của Đảng khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước đã tạo ra được bộ mặt mới cho đất nước noi chung và hệ thống chính trị nói riêng trong đó có hệ thống chính trị cấp huyện. Hoài Đức trong thời kì này là huyện ngoại thành của Hà Nội, về cơ bản vẫn là một huyện thuần nông. Sau hơn 4 năm thực hiện nghị quyết Đại hội VI cùng với cả nước công cuộc đổi mới của huyện đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, hệ thống chính trị của huyện được sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, ủy ban nhân dân thành phố và sự giúp đỡ của các ban ngành của thành phố đã khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới trong hoạt động của mình theo tinh thần đổi mới của Đảng, từng bước ổn định tình hình, tạo thế đi lên, phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể:

a, Đối với Đảng bộ huyện

Sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa 14. Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, kiện toàn củng cố các ban của Đảng, đi sâu vào chức năng chuyên môn, đổi mới phương thức hoạt động nên đã đạt được những kết quả nhất định;

- Về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng: đã quán triệt đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của trung ương, Thành ủy và Huyện uỷ, làm cho đông đảo cán bộ, đảng viên, có nhận thức đúng đắn, thống nhất suy nghĩ và hành động theo quan điểm đổi mới của Đảng. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, chăm lo xây dựng đội ngũ báo cáo viên, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước (đã hoàn thành một lớp trung cấp và bốn lớp sơ cấp lý luận tại chức cho 264 đồng chí và cử cán bộ, đảng viên theo học các lớp bồi dưỡng do thành phố mở).

- Thực hiện chỉ thị 59 của Ban bí thư trung ương Đảng, nhiều cơ sở đã làm nghiêm túc, chặt chẽ đạt được yêu cầu làm trong sạch một bước đội ngũ cán bộ đảng viên, củng cố được tổ chức, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, gây được lòng tin của quần chúng đối với Đảng, sinh hoạt chi bộ, đảng bộ từng bước đi vào nề nếp.

- Về đấu tranh chống tham nhũng theo quyết định 240 - HĐBT, huyện ủy đã chỉ đạo các ngành pháp luật, các ban xây Đảng, kết hợp chặt chẽ giữa việc thi hành chỉ thị 59 và quyết định 240. Trong quá trình thực hiện, những vụ việc đã rõ thì kết luận và xử lí ngay, những vụ việc chưa rõ thì tập trung kiểm tra làm rõ để kết luận, đối với cán bộ, đảng viên có sai phạm đều được đưa ra tập thể xem xét và có thái độ xử lí nghiêm minh, do vậy chất lượng chi bộ, Đảng bộ và chất lượng đảng viên được nâng lên.

- Công tác kiểm tra giữ gìn kỉ luật của Đảng được chú ý, đã tập trung kiểm tra đảng viên chấp hành chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật và điều lệ Đảng, kiểm tra đơn thư khiếu tố của chính quyền, qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, uốn nắn những thiếu sót lệch lạc và xử lí nghiêm túc những cán bộ, đảng viên vi phạm. Chỉ qua hơn hai năm đã xem xét xử lý 1113 trường hợp bằng các hình thức, khiển trách 479 đồng chí, cảnh cáo 305 đồng chí, cách chức 28 đồng chí, xóa tên và cho rút 220 đồng chí, trong đó nổi bật là vi phạm tác phong sinh hoạt và ý thức tổ chức: 57,2%, vi phạm phẩm chất: 26,4%; vi phạm pháp luật: 6,6%; vi phạm quản lí kinh tế 9,8 %, việc xem xét và giải quyết đơn thư khiếu nại và tố giác được giao cho các ngành chức năng giải quyết một cách thường xuyên.

Mặc dù vậy vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục:

Một là, công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, việc tuyên truyền đường lối, chính sách chưa làm thường xuyên sâu rộng, việc tổ chức học tập các chỉ thị, nghị quyết ở một số cơ sở chưa tốt, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt còn thấp.

Hai là, công tác phát triển Đảng còn yếu, nhiều cơ sở trong 2 năm không kết nạp được đảng viên mới, công tác củng cố cơ sở Đảng chưa được coi trọng thường xuyên, quy hoạch cán bộ chưa gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nên việc sắp xếp, bố trí còn nhiều khó khăn.

Ba là, một số chi bộ, Đảng bộ sau khi thực hiện chỉ thị 59 không những không có chuyển biến mà lại diễn biến phức tạp hơn, nội bộ mất đoàn kết, có nơi vai trò lãnh đạo của chi bộ bị lu mờ, không hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm cho quần chúng thiếu tin tưởng.

Bốn là, việc phân công quản lý, giáo dục đảng viên còn lỏng lẻo, công tác kiểm tra mới chỉ tập chung vào xem xét, xử lý chung chung, việc kiểm tra thực hiện chỉ thị, nghị quyết và Điều lệ Đảng chưa làm thường xuyên nên có một số đảng viên vẫn tiếp tục vi phạm.

Có được những kết quả trên là do những đổi mới trong hoạt động của Đảng bộ huyện:

Thứ nhất, Huyện ủy đã coi trọng công tác tư tưởng, quán triệt các quan điểm đổi mới của Đảng cho đảng viên, đã vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết, chính sách kinh tế mới vào địa phương, nhất là thực hiện cơ chế khoán 10, do vậy đã động viên được toàn Đảng bộ và nhân dân thi đua thực hiện có kết quả mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 15 đề ra.

Thứ hai, Huyện ủy đã đi sâu chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, coi trọng công tác tổ chức cán bộ, phân định rõ chức năng giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và tổ chức thực hiện.

Thứ ba, trong lãnh đạo đã đề cao vai trò lãnh đạo của tập thể, không áp đặt ý kiến cá nhân, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp từ cơ sở và ý kiến đóng góp của các đồng chí lão thành cách mạng, những ý kiến hay đều được tiếp thu có chọn lọc để vận dụng vào công tác thực tiễn.

Thứ tư, huyện ủy luôn đoàn kết thống nhất, tự phê bình và đấu tranh phê bình thẳng thắn, mọi việc đúng sai đều được thảo luận làm rõ, không đại khái qua loa. Đa số sâu sát với cơ sở, tôn trọng gần gũi nhân dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân để phản ánh cho tập thể, tích cực đóng góp trí tuệ và sự hiểu biết của mình vào sự lãnh đạo chung của huyện ủy.

* Đối với hoạt động của chính quyền

Hội đồng nhân dân đã vận dụng các nghị quyết của cấp uỷ, đề ra nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng phù hợp với điều kiện địa phương. Các hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp có tiến bộ, nội dung hình thức tiếp xúc cử tri được cải tiến đã đem lại hiệu quả thiết thực hơn. Song hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp vẫn còn mang nặng về hình thức, chưa bàn nhiều việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện .

Uỷ ban nhân dân đã phát huy vai trò quản lý nhà nước bằng pháp luật, tổ chức thực hiện kịp thời có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và của huyện uỷ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Tuy vậy hiệu lực quản lý ở một số chính quyền cơ sở còn yếu, chưa phát huy được vai trò quản lí kinh tế - xã hội ở địa phương, kỷ cương pháp luật chưa nghiêm. Một số vụ việc giải quyết chưa dứt điểm, chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân ở một số cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy tốt chức năng kiểm tra, giám sát. Do vậy để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới cần phải.

- Tăng cường củng cố chính quyền các cấp thực sự vững mạnh tạo mọi điều kiện để chính quyền làm tròn trách nhiệm là cơ quan quản lí hành chính, kinh tế, quản lí xã hội theo pháp luật quy định. Chính quyền phải luôn luôn chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, làm cho chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân.

- Phát huy và đề cao vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp làm cho Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực ở địa phương làm tốt chức năng

quyết định và chức năng giam sát các mặt thuộc vè kinh tế - xã hội ở địa phương. Hội đồng nhân dân phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đồng thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho nhân dân, động viên nhân dân hăng hái tham gia mọi mặt công tác ở địa phương và tham gia giám sát mọi hoạt động của cơ quan Nhà nước.

* Đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều cố gắng trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động. Có nhiều hình thức thích hợp để tập hợp quần chúng. Trong chỉ đạo từng đoàn thể đã tạo mô hình, chọn một số việc làm thiết thực, gắn việc chăm lo và bảo vệ lợi ích thiết thực với đảng viên, quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương và chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đoàn kết toàn dân các cụ phụ lão, câu lạc bộ gia đình trẻ. Hội phụ nữ đẩy mạnh phong trào giúp nhau làm kinh tế và xây dựng câu lạc bộ không sinh con thứ 3. Hội nông dân đã xây dựng được quỹ hưu 600 triệu đồng, động viên hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất, góp phần thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo. Hội Cựu chiến binh thường xuyên quan tâm việc xây dựng tổ chức hội và chăm lo đời sống cho hội viên. Nhiều cơ sở hội đã tích cực tham gia cùng địa phương giải quyết những vướng mắc trong nội bộ nhân dân, nhìn chung các đoàn thể đã hướng hoạt động vào xây dựng nông thôn mới, quan tâm xây dựng quỹ hội, chăm lo các đối tượng gia đình chính sách, các cụ già cô đơn, các cháu mồ côi không nơi nương tựa

Về tồn tại là một số cấp uỷ và chính quyền cơ sở chưa coi trọng đúng mức công tác vận động quần chúng. Tổ chức đoàn thể nhân dân ở một số nơi chưa tập hợp được đoàn viên, hội viên gắn bó với đoàn thể mình, chưa đi sâu

giáo dục đoàn viên, hội viên tham gia các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Muốn hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực sự đem lại hiệu quả cần phải nâng cao vai trò của các đoàn thể nhân dân, mọi đảng viên ở độ tuổi nào đều về sinh hoạt với các đoàn thể đó để trực tiếp vận động nhân dân và gương mẫu thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể:

- ủy ban Mặt trận Tổ quốc cần phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng, động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động ở địa phương, tổ chức tốt phong trào xây dựng quỹ thọ, vận động nhân dân tham gia gửi tiền tiết kiệm và chăm lo xây dựng tốt tổ hòa giải ở địa phương.

- Đoàn thanh niên cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút mọi lực lượng thanh niên tham gia vào tổ chức đoàn ở địa phương, tăng cường giáo dục cho thanh thiếu niên về lí tưởng xã hội chủ nghĩa, động viên nhiệt tình hăng hái của thanh niên tham gia vào quản lí kinh tế - quản lí xã hội , xây dựng tổ chức của đoàn thực sự vững mạnh, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận sản xuất và công tác ở địa phương.

- Hội liên hiệp phụ nữ cần động viên các tầng lớp phụ nữ đi đầu trong công tác sản xuất và thực hiện tốt các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh phong trào “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” xây dựng gia đình văn hóa mới, nếp sống văn hóa mới. Thực hiện tốt cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, động viên giúp đỡ nhau trong việc phát triển kinh tế gia đình để làm giàu chính đáng theo khả năng của mình. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Hội nông dân cần vận động nông dân tham gia thiết thực vào công tác củng cố hợp tác xã, giáo dục nông dân hăng hái tham gia đẩy mạnh sản xuất theo tinh thần nghị quyết 10 của Bộ chính trị và làm tròn nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước.

- Hội cựu chiến binh cần động viên giáo dục hội viên tham gia vào phong trào xây dựng hội, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chăm lo đến đời sống của hội viên, vận động hội viên tham gia vào các cuộc vận động chăm sóc và đền ơn đáp nghĩa với những người có công với cách mạng

Một phần của tài liệu Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây hiện nay (Trang 50)