4.4.1.1. Nhà trường cần khuyến khích giáo viên nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy
Hai nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác chuyên môn của mỗi một giáo viên là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường CĐN Du lịch – Thương mại Nghệ An chỉ mới được thực hiện gần đây. Số lượng GV và số lượng đề tài tham gia vào hoạt động này cũng rất hạn chế. Trong khi đó giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập là các hoạt động có mối quan hệ biện chứng với nhau và là điều kiện tồn tại của nhau dưới góc độ triết học. GV muốn hoàn thành được nhiệm vụ giảng dạy thì phải không ngừng nghiên cứu khoa học và ngược lại, nghiên cứu khoa học là để phục vụ cho công tác giảng dạy được tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được triển khai trong sinh viên của trường. Điều này không khuyến khích được sự tư duy, sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập.
Giáo viên trước hết phải là một nhà nghiên cứu, một nhà khoa học. Vì xét đến cùng, ở bậc c a o đ ẳ n g cần phải truyền đạt những chân lí tự mình phát hiện được chứ không phải giảng dạy những gì người khác tìm thấy. GV với tư cách là một nhà khoa học phải tích cực tham gia nghiên cứu trước hết là phục vụ công tác giảng dạy
và tiến tới phục vụ xã hội. Thực tiễn luôn đặt ra cho khoa học những vấn đề nghiên cứu để thúc đẩy quá trình nghiên cứu chung đồng thời cũng là nơi thử thách, kiểm nghiệm tính hữu hiệu của công việc nghiên cứu khoa học.
Để giảng dạy được, việc đầu tiên GV cần phải làm là nghiên cứu tài liệu giảng dạy để cấu trúc lại nội dung bài giảng thành những mô hình, sơ đồ mang tính cô đọng, súc tích rồi dùng phương tiện dạy học để hướng dẫn, tổ chức, làm trọng tài, cố vấn kết luận, kiểm tra nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tự nghiên cứu, tự thể hiện, tự kiểm tra, tự điều chỉnh hoạt động học tập của bản thân. Như vậy, việc nghiên cứu khoa học thường được bắt đầu từ những việc rất đơn giản như nghiên cứu tài liệu trong việc soạn bài; tìm và đọc các tài liệu sách báo thuộc chuyên ngành giảng dạy đến phức tạp như chủ trì các công trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước. Hoạt động tiếp theo của GV góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy là tham gia nghiên cứu khoa học với những đề tài khoa học cụ thể phục vụ cho giảng dạy. Sản phẩm của hoạt động này sẽ là những bài báo, đề tài khoa học ở các cấp để công bố với các đồng nghiệp nhằm trao đổi thông tin và cùng nhau xây dựng cơ sở lí luận - thực tiến cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Với những lí do trên, hoạt động nghiên cứu khoa học cần được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trưởng đẩy mạnh hơn nữa thậm chí ban hành thành nghị quyết và giao định mức về cho mỗi khoa trong trường tính theo từng năm học và làm theo chuyên ngành đảm nhiệm. Thêm vào đó giáo viên cần khuyến khích, lôi kéo sinh viên tham gia vào hoạt động bổ ích này.
4.4.1.2. Tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
Trong những năm qua phải nói rằng Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm, tích cực và chủ động hoặc giao cho khoa chủ động mời các chuyên gia kinh tế, phối hợp với các cơ sở đào tạo... để bồi dưỡng cho giáo viên như:
- Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn liên quan đến môn học và các tiến bộ khoa học trong ngành kế toán vì đây là lĩnh vực mà các lý thuyết được nghiên cứu nhiều và thường xuyên được bổ sung, thay đổi. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm thực tế với các doanh nghiệp, các đơn vị quản lý về kinh tế, thống nhất nội dung cả lý thuyết và thực hành.
- Bồi dưỡng kiến thức sư phạm và các phương pháp giảng dạy, phương pháp tổ chức quản lý giáo dục đại học, trong đó chú trọng đổi mới về phương pháp dạy và học.
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đào tạo có kinh nghiệm: Như các trường đại học, cao đẳng đi trước có kinh nghiệm như Đại học Nha Trang, Kinh tế Quốc Dân... nhằm tăng cường giao lưu, gửi đi học tập thực tế, dự giờ, tập huấn chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ đó bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho giáo viên.
- Mở lớp bồi dưỡng về kiến thức tin học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bồi dưỡng tiếng ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh để tăng khả năng đọc và nghiên cứu tài liệu nước ngoài nhằm cập nhật kiến thức hiện đại của các nước trên thế giới.
- Giám sát việc thực hiện kế hoạch học tập của giáo viên, đồng thời động viên giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn, học tập để nâng cao trình độ, quy định thời gian cụ thể hoàn thành nhiệm vụ học thạc sĩ, tiến sĩ, chuẩn tiếng Anh. Bên cạnh đó phải đưa ra các các quy định về tự bồi dưỡng và học tập của giáo viên như một chế tài để xét thi đua và trình độ chuyên môn để được phân công giảng dạy.
Đây là những giải pháp mà nhà trường đã đi trước và là một chiến lược để không ngừng nâng cao chất lượng cho giáo viên. Để đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới nhà trường cần duy trì và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động trên và đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như: giữa doanh nghiệp sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, các ngân hàng, các công ty tài chính… nhằm tăng cường giao lưu, gửi đi học tập thực tế, dự giờ, tập huấn chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ đó bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho GV.
Nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên không phải là việc làm một lần là xong, trong điều kiện bùng nổ tri thức hiện nay, công việc này cần được coi là công việc thường xuyên, liên tục của toàn hệ thống, từng trường, từng khoa chuyên ngành và mỗi giáo viên.
4.4.1.3. Về cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy
Trong những năm qua phải nói rằng Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường rất chú trọng trong công tác đầu tư cơ sở vật chất từ nhà làm việc đến khu ký túc xá và các phòng học cho sinh viên và đặc biệt là thiết bị cho cá nhân giáo viên như máy tính xách tay, điều khiển máy chiếu micaro... Đây là kết quả không phải trường cao đẳng, đại học nào cũng làm được. Tuy nhiên để giảng dạy tốt các môn thuộc chuyên ngành kinh tế, du lịch đặc biệt là môn thực hành nhà trường cần lập các tổ quản lý thiết bị phục vụ giảng dạy, để sửa chữa kịp thời các thiết bị phục vụ giảng dạy đặc biệt hệ thống máy chiếu.