Đối với giảng viên

Một phần của tài liệu Một số nhân tố ảnh hưởng đến nỗ lực học tập của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An (Trang 94)

Theo chúng tôi, giảng viên cần chú ý các vấn đề nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm thúc đẩy nỗ lực học tập của sinh viên. Vậy để nâng cao chất lượng giảng dạy giảng viên cần phải làm tốt các vấn đề sau:

4.4.3.1. Chuẩn bị bài giảng

Giảng viên phải chuẩn bị bài giảng điện tử theo nội dung đề cương chi tiết môn học thống nhất đã được bộ môn tải trên mạng nội bộ của khoa, không nhất thiết bài giảng giống nhau miễn rằng có nội dung thống nhất, bởi lẽ mỗi giảng viên còn là một nghệ sĩ tâm hồn thổi vào sinh viên những đam mê học tập, những kinh nghiệm làm chuyên ngành, nên không thể có bài giảng thống nhất.

Nội dung soạn bài có tính gợi mở, nhấn mạnh những vấn đề quan trọng, phần chi tiết sinh viên tự đọc trong giáo trình hoặc tài liệu tham khảo, trường hợp có tình huống khó hiểu, giáo viên nên lấy các ví dụ thực tế để minh họa cho slide bài giảng của mình, phần nói thêm là tùy thuộc vào mỗi giảng viên làm chủ giờ giảng của mình. Đặc biệt là phải liên tục cập nhật các thông tin mới, trao đổi với giảng viên có kinh nghiệm tìm hiểu kỹ những nội dung mình chưa rõ để bài giảng của mình được chuẩn bị tốt hơn.

4.4.3.2. Phương pháp trình bày

Tùy thuộc vào từng giáo viên mà cách trình bày có thể khác nhau, có giáo viên vào nội dung bài giảng một cách trực tiếp, có giảng viên vào bài giảng một cách gián tiếp thông qua một tình huống nào đó, nói chung đây là nghệ thuật giảng dạy tùy lúc và hoàn cảnh tiếp cận không gian và thời gian giảng. Nhưng nên có điểm nhấn và chốt lại các nội dung làm nổi bật mục tiêu bài giảng.

4.4.3.3. Giải bài tập và ra bài tập:

Trong thời gian giảng dạy vừa qua tổ bộ môn kế toán thường có bài tập dưới dạng từng chương phát cho sinh viên trước khi bắt đầu môn học để sinh viên trong quá trình học và tự làm bài tập, còn đối với giảng viên ngoài bài tập đó còn được thống nhất xây dựng một đáp án để khi chữa bài cho sinh viên. Cách chữa bài tập thường là gọi bất kỳ sinh viên nào chỉ mang mỗi đề lên tự chữa sau đó giải thích trước lớp, giảng viên thông qua các thành viên khác trong lớp có ý kiến sau đó giảng viên hoàn chỉnh. Ngoài ra theo tác giả nên bổ sung thêm 2 cách mà các trường đại học khác hay sử dụng đó là: (1) cho bài tập cá nhân, bài tập lớn cho nhóm làm tại nhà rồi nộp giáo viên chấm; (2) giáo viên sửa bài tập vào đầu giờ học của chương học tiếp theo hoặc mỗi buổi giảng tiếp theo. Để khỏi tốn thời gian sửa bài tập, một số thầy cô bộ môn yêu cầu sinh viên sửa bài tập trên thẻ nhớ (USB) và chiếu lên máy chiếu (projector), sinh viên chỉ trình bày phương pháp làm, đồng thời sinh viên sửa bài tập có nhiệm vụ chuyển bài đã sửa vào mail của lớp để mọi người cùng tải hoặc giáo viên sẽ kiểm tra thông tin tải bài tập để nhắc nhở và cho điểm bài tập phù hợp tính vào điểm giữa kỳ của sinh viên. Tuy nhiên đó là các phương pháp chữa bài tập nêu ra còn sử dụng phương pháp nào thì tùy tình hình thực tế tại lớp, tại mỗi môn học miễn là vừa tăng thêm kỹ năng thực hành vừa đánh giá sinh viên một cách hiệu quả nhất.

4.4.3.4. Kiểm tra, đánh giá

Để nâng cao chất lượng giảng dạy đòi hỏi giảng viên phải kiểm tra thường xuyên, điều này đặt sinh viên vào trạng thái luôn luôn học tập, giúp sinh viên dễ dàng nắm bắt kiến thức chương học sau, nâng cao chất lượng học tập, tránh trình trạng cuối kỳ tập trung ôn tập thi một lần và có tính quyết định.

Trong quá trình dạy học, GV ngoài việc tập trung vào chuyên môn giúp SV hiểu bài, đạt được các kỹ năng thực hành cần thiết, để tạo cho SV có hứng thú với chuyên ngành học và có khả năng tự học, tự nghiên cứu, các GV cần kết hợp các vấn đề sau trong bài giảng của mình:

4.4.3.5. Tư vấn học tập

Việc tư vấn học tập cho SV hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Để GV giảng dạy trực tiếp tư vấn học tập cho SV thì GV cần chú ý:

- Tìm hiểu phong cách học (Đặc điểm riêng của từng người học)

- Xây dựng phiếu học tập: là phương tiện dạy học do GV tự thiết kế, gồm một hoặc một số tờ giấy rời có ghi những nhiệm vụ học tập mà SV phải hoàn thành kèm theo những gợi ý, hướng dẫn hoặc thông tin bổ sung cho bài học yêu cầu SV tự học hoàn thành.

- Yêu cầu SV liệt kê các nội dung cần tư vấn

- Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của SV – Nhằm phát hiện vấn đề tư vấn

4.4.3.6. Hướng dẫn tự học

Thực tế hiện nay việc tự học của SV rất khó kiểm soát bên cạnh đó GV chưa thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc hướng dẫn tự học, GV lúng túng trong việc làm thế nào để SV tự học. Chúng tôi xin đưa ra một giải pháp khắc phục điều này đó là GV xây dựng phiếu hướng dẫn tự học cho SV.

- Nội dung tự học phải bám sát đề cương chi tiết, rõ ràng về nội dung - Hướng dẫn SV cách thu thập và xử lý thông tin

- Địa chỉ tài liệu nghiên cứu phải cụ thể, tài liệu dễ tìm kiếm - Hướng dẫn cách thức tự đánh giá mức độ tự học.

Nhưng GV cần lưu ý, nội dung tự học phải phù hợp khả năng của SV.

Để thay đổi phương pháp học tập của SV, vai trò của người thầy rất quan trọng. Thực ra, dạy và học là hai mặt của một quá trình thống nhất. Chúng tôi cho rằng, người thầy phải tự đổi mới mình trước. Nếu nói theo ngôn ngữ bóng đá thì trước đây thầy đóng vai trò là “cầu thủ” trên sân, bây giờ thầy phải chuyển sang vai trò là “huấn luyện viên” cho đội bóng. Nhiệm vụ chính của giảng viên không phải là truyền đạt kiến thức mà là định hướng và tổ chức cho SV tự tìm kiến thức và phát triển trí tuệ bản thân. Người thầy phải có chức năng giao nhiệm vụ tự học cho SV (bài về nhà) và kiểm tra đánh giá kết quả tự học của SV. Điều đó có nghĩa là cần tạo ra sự kết nối giữa dạy học trên lớp với tự học ở nhà. Cần tạo cho SV phong cách học tập mới: thầy giới thiệu sách và ra yêu cầu còn SV phải tự tìm sách, tự nghiên cứu để nắm kiến thức. Ngay trong quá trình đào tạo trong nhà trường SV phải tự phát huy nội lực bản thân để có thể phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu. Có như vậy, kiến thức mà SV tiếp thu

được sẽ không mang tính giáo điều, không bị lạc hậu trước sự biến đổi và phát triển nhanh chóng của thời đại.

Ngoài những phương pháp trên mỗi giảng viên phải có ý thức trong việc sử dụng hệ thống máy chiếu. Nếu hệ thống máy chiếu nhanh hỏng do mình sơ suất dẫn đến không sửa kịp thì bài giảng thực hành rất khó thực hiện. Bên cạnh đó cần phát huy nội lực của mình về việc tự nâng cao năng lực chuyên môn như tự đánh giá, tìm hiểu năng lực qua phản hồi từ đồng nghiệp, SV từ đó hoàn thiện mình hơn.

Người thầy giảng dạy mong muốn nhất là sinh viên tự học ở nhà, tự phát huy nội lực thì đầu tiên người thầy phải làm tốt việc đó, qua đó mới hướng dẫn SV tự học tránh ỷ lại cho bộ môn, cho khoa cũng như SV không ỷ lại cho thầy.

Một phần của tài liệu Một số nhân tố ảnh hưởng đến nỗ lực học tập của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An (Trang 94)