CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ LIÊN HỆ KINH NGHIỆM NƯỚC NGOÀ
3.2.4 Liên hệ kinh nghiệm nước ngoài về hoạt động của ngân hàng thương mạ
thương mại
Ở Việt Nam, các NHTM được thực hiện hoạt động ngân hàng truyền thống và một số các hoạt động đầu tư khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Các quy định pháp luật về hoạt động của NHTM vẫn đang trong giai đoạn bổ sung và hoàn thiện. Các nhà làm luật nước ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới để khắc phục một số hạn chế trong quy định về hoạt động của NHTM đã được nêu.
Đối với vấn đề sở hữu chéo: hiện nay, ngành ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn do sở hữu chéo mang lại, tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia có kinh nghiệm trong việc giải quyết những bất cập mà sở hữu chéo mang lại. Trước đây, ở ngành ngân hàng Nhật Bản tồn tại rất nhiều mô hình sở hữu chéo giữa các ngân hàng và doanh nghiệp. Nhưng do các ngân hàng không thực hiện tốt vai trò giám sát các doanh nghiệp có liên quan. Một lượng tín dụng lớn và kém chất lượng vẫn được cung cấp cho các doanh nghiệp này. Hậu quả là ngân
hàng phải gánh chịu những khoản nợ xấu và dẫn đến việc giảm tài sản. Tình hình này đã buộc các ngân hàng phải tái cấu trúc và mức độ sở hữu chéo đã giảm. Một bài học khác lớn hơn từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu là việc các công ty gia đình ở châu Á đều nắm quyền kiểm soát ở các ngân hàng thương mại và sử dụng những ngân hàng này tài trợ cho các dự án của mình và các công ty có liên quan. Vì vậy, tại các quốc gia khác trên thế giới, hình thức sở hữu chéo bị hạn chế và giám sát chặt chẽ.
Tại Điều 5 Đạo luật NHTM Thái Lan 2505 (Commercial banking act B.E 2505) quy định các cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần trong một ngân hàng, không được dùng những người được ủy quyền để mua hay khống chế cổ phần tại ngân hàng. Không một NHTM nào được thực hiện việc chuyển giao cổ phần cho bất kì cá nhân nào, nếu việc chuyển giao dẫn đến việc cá nhân có thể năm giữ tỷ lệ lớn hơn tỷ lệ 5%. Nếu có lời đề nghị góp vốn được đưa ra, NHTM phải ghi rõ trong những lời mời như vậy, tỷ lệ cổ phần không được vượt quá mức quy định[12]. Hoặc quy định một người đã là nhân viên hoặc thuộc ban quản lý của ngân hàng này, thì không được đóng vai trò ở một ngân hàng khác vì như vậy sẽ tạo ra mâu thuẫn trong lợi ích cá nhân. Nếu điều này có xảy ra, cũng phải được tiến hành minh bạch và được giám sát chặt chẽ. Cụ thể, theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Ngân hàng Trung Quốc quy định: “Nhân viên của các ngân hàng thương mại phải tuân theo pháp luật và các quy tắc hành chính và các quy định và tất cả các quy định khác về kiểm soát hoạt động kinh doanh, họ không được: (4) đảm nhận cùng vị trí trong tổ chức kinh doanh khác”. Việc các công ty và tập đoàn kinh tế đầu tư hoặc sở hữu ngân hàng, rồi lại dùng ngân hàng đó để đầu tư vốn cho các dự án của mình mà không qua giám định hiệu quả kinh doanh, cũng bị cấm. Ngoài ra, ở một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc[13] việc sở hữu chéo trong ngành ngân hàng bị pháp luật cấm. Có thể nhận thấy, các nền kinh tế đều trải qua giai đoạn sở hữu chéo cao và có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, ở Việt Nam sở hữu chéo chưa biết được có thực sự tác động tích cực gì hay không, nhưng tiêu cực thì rất nhiều. Quả thật, các bài học ở trên thế giới đều đang hiện hữu tại Việt Nam.
Để ngăn chặn không cho rủi ro chéo tái diễn, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp và gắn liền với quá trình cải cách tài chính sâu rộng. Với thực trạng sở hữu chéo chằng chịt đang diễn ra trong ngành ngân hàng nước ta hiện nay, trước hết không thể đưa ngay ra những quy định cấm sở hữu chéo mà cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về sở hữu chéo. Ngoài ra, cần tăng cường việc giám sát trong ngành ngân hàng, ví dụ như ở Singapore[14] có những tổ chức, những bộ phận độc lập mà chính phủ lập ra để kiểm soát và điều tra những vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng. Phía cảnh sát không hề liên quan đến khu vực này. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia trên bằng cách ban hành những quyết định nhằm thiết lập một cơ chế để theo dõi một cách kịp thời, đầy đủ dòng tiền trên thị trường tài chính từ điểm khởi đầu cho tới điểm cuối, qua đó phát hiện rủi ro, nhất là rủi ro hệ thống. Thiết lập một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng giám sát là một giải pháp hữu hiệu trong điều kiện hiện nay. Thêm vào đó, cần bổ sung những chế tài đối với các hành vi vi phạm quy chế và vi phạm quy định pháp luật về sở hữu chéo.
Đối với những hạn chế trong quy định về bảo lãnh ngân hàng: các quy định ở thông tư mới đây nhất là thông tư 28/2012/TT-NHNN để khắc phục tình trạng ký chứng thư bảo lãnh khống chỉ mang tính giải pháp tạm thời, chứ chưa thật sự khắc phục được thiếu sót do nguyên nhân sâu sa ở khâu giám sát trong quá trình phát hành chứng thứ. Trong khi đó ở Mỹ, muốn lập một chứng thư bảo lãnh, chỉ có trung tâm bảo lãnh ở Hội sở trung ương mới phát hành được. Mà chứng thư bảo lãnh ở Mỹ muốn phát hành ra ngoài là phải chịu sự giám sát chặt chẽ của hệ thống giám sát nên cũng không cần con dấu, chỉ cần chữ ký của một cán bộ cao cấp là đủ. Tuy các văn bản ở Mỹ được phát hành ra chỉ cần chữ ký của người được ủy quyền mà không cần con dấu. Thế nhưng đối tác nhận được cũng biết rằng đây chỉ là một văn bản và họ sẽ phải tra cứu để xác nhận xem đó có phải là một văn bản có tính pháp lý hay không. Các quy định về phát hành chứng thư bảo lãnh ở Mỹ hạn chế không chỉ tình trạng ký chứng thư không mà còn hạn chế được tình trạng làm giả chứng thư bảo lãnh ngân hàng của một số đối tượng đang diễn ra cũng khá phổ biến ở Việt
Nam hiện nay. Chính vì vậy, chúng ta cần học hỏi quá trình phát hành và hệ thống giám sát chứng thư ở Mỹ để khắc phục những thiếu sót hiện nay.