Những giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Một phần của tài liệu Quyền của phụ nữ theo pháp luật Việt Nam (Trang 94)

của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Phân tích các quyền của phụ nữ ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế – lao động, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá thể thao và y tế, chăm sóc sức khỏe gia đình và thực trạng của quá trình thực thi các quyền đó là cơ sở quan trọng để luận văn rút ra được những giải pháp quan trọng cho việc hoàn thiện các quy định về quyền của phụ nữ hay nói cách khác là quyền bình đẳng nam, nữ. Quá trình phân tích đóng vai trò quan trọng để các nhà lập pháp có căn cứ để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trên cơ sở đó luận văn đưa ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất là Nhà nước cần tiếp tục rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc quy định quyền của phụ nữ hiện đang nằm rải rác ở những văn bản chuyên ngành và lên kế hoạch sửa đổi, bổ sung các quy định này cho phù hợp với chủ trương chính sách, đường lối và định hướng về công tác cán bộ nữ theo Nghị quyết số 11-NQ/TW năm 2007 của Bộ Chính trị

Thứ hai là nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản đặc biệt là những văn bản quy định trực tiếp các quyền của phụ nữ, tránh xây dựng các văn bản mang tính nguyên tắc, chung chung, khó áp dụng ngay trong thực tiễn. Điều này sẽ nâng cao tính khả thi của pháp luật ngay từ khi xây dựng và ban hành, rút ngắn khoảng cách từ chủ trương chính sách của Đảng đến sự thể chế hoá thành pháp luật.

Thứ ba là cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Bình đẳng giới. Hiện nay đã có một vài Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về luật nhưng để luật đi vào cuộc sống phải quy định càng chi tiết càng tốt bởi vấn đề quy định về quyền bao giờ cũng mang tính nguyên tắc, định hướng và chung chung. Cụ thể là phải có văn bản hướng dẫn cụ thể phạm vi của khái niệm phân

biệt đối xử trong bối cảnh nước ta hiện nay; hướng dẫn chi tiết Điều 19 của Luật liên quan đến các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục của việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 21); hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; đặc biệt là đưa ra được những quy định ưu tiên hơn cho lao động nữ, đặc biệt là liên quan đến vấn đề bình đẳng về trả lương và thù lao. Việc xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Bình đẳng giới phải được xác định là phải có những quy định nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử và bảo đảm quyền đòi đền bù thiệt hại cho mọi công dân bị phân biệt đối xử. Điều này sẽ giúp giải quyết triệt để những hành vi phân biệt đối xử đồng thời để thực hiện nó cũng không đòi hỏi một nguồn lực to lớn về sức người, về trình độ chuyên môn cũng như về tài chính để thực hiện vì thế sẽ có tính khả thi cao. Đó là hình thành một thiết chế để xem xét và xử lý các đơn thư khiếu kiện liên quan đến bình đẳng giới để đảm bảo phụ nữ không sợ, không lo ngại khi đi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thứ tư là cần quan tâm và khẩn trương ban hành các văn bản để đảm bảo các quy định của pháp luật về quyền của phụ nữ phải được thực thi trên thực tế. Điều này có nghĩa là phải có những văn bản quy định về chế tài để áp dụng cho những trường hợp vi phạm các quy định về quyền của phụ nữ và phân biệt đối xử với phụ nữ. Cụ thể là xây dựng Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới nhằm thực thi các quy định tại các Điều 40, 41 và 42 của Luật. Nghị định cần đưa ra được những mức phạt hành chính cụ thể đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá thông tin và thể thao, y tế và gia đình. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự năm 1999 theo hướng bổ sung một số tội danh liên quan đến các hành vi vi phạm nghiêm trọng về bình đẳng giới; các tội danh liên quan đến hành vi buôn bán người như: tổ chức môi giới buôn bán người, tổ chức buôn bán người vì mục đích mại dâm…

Thứ năm là tiếp tục xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến việc xây dựng chính sách ưu tiên, chính sách bảo bảo vệ và hỗ trợ đối với phụ nữ nông thôn. Công ước CEDAW giành riêng một điều (Điều 14) quy định về trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc đảm bảo thực hiện các quy định của Công ước đối với phụ nữ nông thôn. Công ước quy định các nước tham gia công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp để xoá bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ nông thôn để đảm bảo cho phụ nữ, trên cơ sở bình đẳng nam, nữ, được tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển nông thôn. Do đó nước Việt nam thành viên cũng cần ban hành văn bản dưới hình thức Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Luật Bình đẳng giới đối với phụ nữ ở nông thôn.

Thứ sáu là trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách pháp luật về quyền của phụ nữ phải gắn được nội dung lồng ghép giới. Vấn đề giới phải được đưa vào ngay khi lập kế hoạch, chương trình, dự án của các cơ quan nhà nước ở Trung ương. Không để tình trạng như hiện nay vấn đề giới chỉ được đưa vào theo hình thức bắt buộc phải có.

Thứ bẩy là các văn bản liên quan đến quyền chính trị của phụ nữ, đề nghị ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể trước mỗi kỳ bầu cử về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, hoặc trước khi cần đề bạt cán bộ ở các vị trí công tác. Không nên giới hạn tuổi đề bạt của nữ là 50, nam 55 mà nên linh hoạt trong các trường hợp cụ thể. Đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo ban hành kèm theo Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tuổi bổ nhiệm và các cơ quan khác có ban hành các văn bản quy định về độ tuổi bổ nhiệm cũng cần sửa đổi các quy phạm này.

Thứ tám là cần hoàn thiện hơn nữa các quy định về kinh tế – lao động trong đó tập trung vào lĩnh vực lao động. Cụ thể là:

+ Tiếp tục rà soát lại hệ thống các văn bản liên quan đến việc quy định quyền của phụ nữ trong lĩnh vực lao động nhằm phát hiện những hạn chế, tồn tại và vướng mắc trong quá trình thực thi để tiến hành sửa đổi, bổ sung hay xây dựng văn bản mới để hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật này.

+ Xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới đặc biệt là đào tạo nghề cho phụ nữ để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và phát huy được thế mạnh của phụ nữ. Có những giải pháp để đưa ra được những giải pháp cụ thể để tăng nhanh tỷ lệ phụ nữ được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề, đại học, sau đại học…

+ Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời có chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ dôi dư khi cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, phụ nữ nông thôn không có đất canh tác, phụ nữ nghèo, phụ nữ tàn tật. Cụ thể hoá chính sách đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và đơn giản hoá về thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng.

+ Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảo vệ quyền của phụ nữ liên quan đến thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, mức hưởng các trợ cấp như trợ cấp thai sản, trợ cấp thất nghiệp….theo hướng ngày càng tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động nữ tham gia quan hệ lao động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường

Và trước mắt cần sửa đổi một số nội dung liên quan trực tiếp tới quyền của phụ nữ như: điểm e, khoản 1 Điều 37 của Bộ luật lao động về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của phụ nữ có thai nếu có giấy của thày thuốc chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi; khoản 3 Điều 115 của Bộ luật lao động; Nghị định số 23/CP ngày 18/4/1996 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ; các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về tuổi được hưởng lương hưu, mức lương hưu hàng tháng và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu quy định tại Điều 50, 52 và khoản 1 Điều 54; các quy định tại các Nghị định 113/2004/NĐ-CP ngày 16/4/2004 về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động; Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vì hiện nay có

nhiều hành vi vi phạm về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động chưa được quy định tại 02 Nghị định này.

Thứ chín là hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá thông tin. Trong đó

+ Tiếp tục xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm để cụ thể hoá được quyền của phụ nữ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các quyền về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Cụ thể là có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo bởi pháp luật hiện hành về đào tạo chưa đề cập hoặc tuy có đề cập nhưng chưa cụ thể. Ví dụ việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã, pháp luật hiện hành chỉ quy định chung chung, không phân biệt nam, nữ, trong các nội dung ưu tiên cũng không có ưu tiên đào tạo đối tượng nữ (Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg ngày 08/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 -2010).

+ Nhà nước cần có quy định chi tiết việc khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học. Có quy định cụ thể về chế độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ khoa học về nhà ở, tiền lương, phụ cấp để tạo điều kiện cho phụ nữ yên tâm làm việc nhất là đối với phụ nữ làm khoa học vừa nuôi con nhỏ.

Thứ mười là cần hoàn thiện hơn nữa những quy định của pháp luật trong việc đảm bảo bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe gia đình. Cụ thể:

+ Cần có những quy định cụ thể về việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ sinh sản đối với nam giới cũng như việc khuyến khích áp dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, các biện pháp phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn, HIV/AIDS qua đường tình dục đối với nam giới, bên cạnh việc thực hiện những biện pháp đó đối với phụ nữ. Cần có những quy định nghiêm cấm các hành vi bất bình đẳng trong y tế như phân biệt đối xử, có định kiến về giới trong khám bệnh, chữa bệnh, giáo dục về sức khoẻ phòng bệnh, chữa bệnh…

+ Cần có những hướng dẫn cụ thể và quy định những chế tài để nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Đây là vấn đề nổi cộm nhất về phân biệt đối xử làm trái quy luật tự nhiên, làm mất cân bằng giới tính

+ Xây dựng và ban hành những văn bản hướng dẫn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình theo nguyên tắc xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cụ thể hoá hành vi và có những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Thứ mười một là cần chú trọng hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý khoa học cho việc củng cố và hoàn chỉnh đội ngũ cho cán bộ bảo vệ pháp luật để từ đó họ có hiểu biết và thái độ đúng đắn khi tiến hành tố tụng, đảm bảo quyền lợi của phụ nữ. Trong đó cần nghiêm khắc xử lý các hành vi mua bán phụ nữ và bóc lột tình dục đối với phụ nữ.

Một phần của tài liệu Quyền của phụ nữ theo pháp luật Việt Nam (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)