VỀ CÁC QUYỀN CỦA PHỤ NỮ Ở VIỆT NAM
Thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về các quyền của phụ nữ ở Việt Nam được tổng hợp dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Ngược lại, chính quá trình đánh giá, tổng hợp thực trạng và thực tiễn thi hành pháp cũng sẽ là căn cứ quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền của phụ nữ. Pháp luật được xây dựng để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong xã hội nhưng cũng chính quá trình điều chỉnh đó pháp luật sẽ được bổ sung và hoàn thiện hơn. Để đánh giá và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền của phụ nữ ở Việt Nam, trước hết phải phản ánh được trung thực bức tranh tổng thể về thực trạng và thực tiễn thi hành pháp luật đó hay nói cách khác là phải nêu ra được pháp luật hiện tại đang quy định về quyền của phụ nữ như thế nào, quá trình thực hiện pháp luật đó ra sao và đưa ra được những đánh giá trên cơ sở so sánh các quy định của pháp luật hiện hành với yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống, của xã hội.
Về mặt thể chế, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền của phụ nữ và bình đẳng nam, nữ được đánh giá là tương đối đầy đủ, đồng bộ, các quy định đó lại nằm rải rác tại nhiều văn bản thuộc nhiều cấp độ khác nhau (luật, bộ luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư) nhưng chưa có luật chuyên ngành để cụ thể hoá Hiến pháp, thể hiện tập trung, đầy đủ những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới. Sâu xa của việc ghi nhận quyền của phụ nữ là đảm bảo cho phụ nữ được bình đẳng với nam giới về mọi mặt. Do đó việc pháp luật
ghi nhận bình đẳng nam, nữ cũng chính là ghi nhận quyền của phụ nữ. Bởi nếu chỉ ghi nhận quyền của phụ nữ mà không đặt trong bình đẳng giới thì quyền đó sẽ không thực hiện được. Thực tế ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật tuy có quy định vấn đề bình đẳng giới nhưng chỉ lặp lại các quy định chung của Hiến pháp hay mới chỉ dừng lại ở việc quan tâm nhiều đến các chính sách dành cho đối tượng nam, nữ thuộc khu vực có quan hệ lao động, chưa quan tâm đầy đủ đến nữ giới, nam giới không có quan hệ lao động ở cả thành thị và nông thôn hoặc có quy phạm quy định quyền nhưng chưa có quy định cụ thể về biện pháp bảo đảm thực hiện bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới ra đời là một bước hoàn thiện pháp luật về quyền bình đẳng nam, nữ nhằm khắc phục những hạn chế nói trên. Luật Bình đẳng giới có nội hàm rộng và động chạm đến nhiều lĩnh vực: chính trị, văn hoá - xã hội, giáo dục- đào tạo, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế... Do đó, có thể khẳng định đây là luật chuyên ngành và theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các luật khác cần sửa đổi để nội dung của các đạo luật phù hợp với Luật Bình đẳng giới.
Với cách tiếp cận trên, chúng ta sẽ nghiên cứu so sánh các quy định pháp luật hiện hành để đánh giá được một cách tổng quan pháp luật về quyền của phụ nữ nói riêng và pháp luật về bình đẳng giới nói chung. Việc đánh giá thực trạng, thực tiễn thi hành pháp luật về quyền của phụ nữ được tiến hành trong bốn lĩnh vực cơ bản là: lĩnh vực chính trị, lĩnh vực kinh tế, lao động, lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ gia đình và lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá thông tin và thể thao.