định pháp luật về quyền của phụ nữ ở Việt Nam và các tiêu chí để đánh giá chúng
1.3.1. Quá trình hình thành, phát triển quyền của phụ nữ và các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ ở Việt Nam định pháp luật về quyền của phụ nữ ở Việt Nam
Quyền của phụ nữ và pháp luật về quyền của phụ nữ ở Việt Nam có lịch sử phát triển lâu dài, gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước. Có thể chia sự hình thành và phát triển quyền của phụ nữ và pháp luật về quyền của phụ nữ Việt Nam thành 2 giai đoạn là: giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sự phân chia này góp phần đánh giá được những thành tựu, cố gắng của nhà nước Việt Nam trong việc đấu tranh cho quyền của phụ nữ trong những năm qua.
Đất nước Việt Nam, trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, là một nước phong kiến thuộc địa do đó khi nghiên cứu quyền của phụ nữ trong pháp luật phong kiến Việt Nam chúng ta thừa nhận về mặt lý luận rằng người phụ nữ trong chế độ phong kiến không thể được giải phóng thực sự trên cơ sở của nguyên tắc nam nữ bình đẳng. Có thể lý giải điều này là: thứ nhất, do chế độ phong kiến là chế độ được xây dựng dựa trên phương thức sản xuất tư hữu về tư liệu sản xuất; thứ hai, pháp luật phong kiến Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo nên địa vị của người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào nam giới. Người phụ nữ chuẩn mực trong giai đoạn này là người phụ nữ của chữ “Tam tòng tứ đức”. Chính vì những điều này mà người phụ nữ xét trên bình diện chung không thể có quyền bình đẳng với nam giới. Tư tưởng này không những được pháp luật phong kiến bảo vệ mà nó còn ăn sâu vào nếp nghĩ, lối sống của người Việt Nam. Hiện nay, một trong những nguyên nhân của sự bất bình đẳng nam, nữ trong gia đình chính là những ảnh hưởng của phong tục thời phong kiến. Vẫn biết rằng phụ nữ thực hiện các thiên chức của mình nhưng không vì thế mà phụ nữ mất đi những quyền con người của mình. Thời kỳ này có hai Bộ luật được đánh giá là đóng góp quan trọng trong việc quản lý nhà nước của chế độ phong kiến là Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long nhưng cũng đều xác định nguyên tắc bất bình đẳng giữa nam và nữ là tư tưởng chỉ đạo. Các quy phạm ghi nhận quyền của phụ nữ còn tương đối ít và đặc biệt đều được ghi nhận dựa trên nguyên tắc bất bình đẳng giữa nam và nữ. Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ thường được thể hiện ở một số lĩnh vực như: quyền kết hôn; quyền nhân thân giữa vợ và chồng; quyền xin ly hôn; quyền sở hữu tài sản; quyền thừa kế tài sản giữa vợ và chồng.
Theo quy định của pháp luật, quyền tự do kết hôn không được ghi nhận cho người phụ nữ. Điều 317 Bộ luật Hồng Đức và Điều 98 Bộ luật Gia Long đều quy định việc cấm kết hôn khi đang có tang cha, mẹ hoặc tang chồng. Đây là quy định thể hiện sự phân biệt đối xử với người phụ nữ. Luật pháp không cấm người chồng kết hôn khi mang tang vợ. Do đó, trên thực tế nếu người chồng chết, người vợ vẫn phải thờ chồng và nuôi dạy con mà không được phép tái giá.
Quy định này chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo, do đó “Khinh miệt, coi thường phụ nữ, điều này có lẽ là sai lầm lớn nhất về lý luận và thực tiễn của những người sáng lập ra đạo Nho” [67, tr. 47 ]. Trong quan hệ hôn nhân, người chồng nắm vị trí quan trọng, người vợ phải “phục tùng chồng và chịu sự dạy dỗ của người chồng” (Điều 481 Bộ luật Hồng Đức). Người vợ phải luôn luôn thực hiện nghĩa vợ chung thuỷ với người chồng, trong khi đó người chồng được pháp luật cho phép lấy nhiều vợ nên sự không chung thuỷ của người chồng không được coi là có lỗi. Cũng theo quan niệm của lễ giáo phong kiến, người chồng là người chủ gia đình do đó người chồng thực hiện quyền quản lý tài sản, nắm giữ quyền làm chủ toàn bộ tài sản trong gia đình. Kể cả trong mối quan hệ với các con, người chồng vẫn chiếm ưu thế hơn so với người vợ. Mọi quyết định trong gia đình đều trên cơ sở ý kiến của người gia trưởng (người chồng, người cha trong gia đình). Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ này còn được thể hiện trong quan hệ về tài sản giữa vợ và chồng. Theo quy định tại Điều 374 Bộ luật Hồng Đức thì khi người chồng chết mà người phụ nữ tái giá sẽ không được hưởng hoa lợi từ tài sản của người chồng đã chết, nhưng ngược lại người vợ chết trước, mặc dù người chồng lấy vợ khác thì vẫn được hưởng hoa lợi từ tài sản của người vợ đã chết. Song bên cạnh những quy định mang tính chất phân biệt đối xử giữa phụ nữ và nam giới, pháp luật thời kỳ này cũng có những điểm tiến bộ nhất định như trong việc thanh toán điền sản của vợ chồng khi một trong hai bên vợ chồng chết: … còn điền sản của vợ chồng làm ra thì chia làm hai phần vợ, chồng mỗi người hưởng một phần (Điều 375 Bộ luật Hồng Đức) và việc con gái cũng được hưởng quyền thừa kế tài sản hương hoả. Điều này được đánh giá là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng khi xác định quyền bình đẳng của vợ được hưởng quyền tài sản ngang với chồng.
So với những quy định ngặt nghèo thể hiện sự bất bình đẳng của người vợ, người phụ nữ so với nam giới của pháp luật phong kiến thì quyền của phụ nữ trong pháp luật Việt Nam thời kỳ pháp thuộc cũng chưa có sự tiến bộ hơn. Thời kỳ này Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ và chúng chia nước ta thành 3 miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Hình thức “chia để trị” này của thực dân
Pháp nhằm duy trì nền sản xuất phong kiến đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam để củng cố địa vị thống trị của mình, mặt khác chúng thực hiện việc xây dựng các quy phạm pháp luật là công cụ hữu hiệu để thực hiện chính sách “nô dịch”, “ngu dân”. Thời kỳ này có 3 bộ dân luật: Bộ dân luật 1931 (hay còn gọi là bộ dân luật Bắc Kỳ), Bộ dân luật 1936 (hay còn gọi là Bộ dân luật Trung Kỳ) và Tập giản yếu 1883 nhưng đều mang tư tưởng của pháp luật phong kiến Việt Nam. Pháp luật thời kỳ này vẫn thừa nhận hôn nhân một vợ, một chồng chỉ về phía người đàn bà, nghĩa là cho phép người đàn ông lấy nhiều vợ: “có hai cách lập giá thú là giá thú chính thất và giá thú thứ thất” (Bộ dân luật 1931) [37]. Người chồng vẫn tiếp tục là người chi phối, nắm quyền điều hành mọi việc trong gia đình kể cả trong mối quan hệ với con cái, do đó: “Việc kết hôn phải do cha mẹ đồng ý, nếu mẹ không bằng lòng thì chỉ cần cha đồng ý là được” (Điều 77 bộ Dân luật Bắc Kỳ). Trong quan hệ tài sản cũng thể hiện sự phân biệt đối xử sâu sắc giữa nam và nữ. Các Toà án Nam Kỳ thời kỳ đó đã áp dụng nguyên tắc người chồng là chủ sở hữu duy nhất các tài sản của gia đình bao gồm: Các động sản đã mua trong thời kỳ hôn nhân, kể cả những động sản khi mua đứng tên vợ; các bất động sản ban cấp riêng cho người vợ; các bất động sản có trong thời kỳ hôn nhân, mặc dù những bất động sản đó đứng tên người vợ khi mua… Nhìn chung những quy định thời kỳ này thể hiện sự phân biệt đối xử nhưng cũng có một số điểm tiến bộ nhất định. Trước hết, pháp luật quy định việc kết hôn phải do hai bên nam, nữ tự nguyện, bằng lòng (Điều 76 Bộ Dân luật Bắc Kỳ) hay ghi nhận các duyên cớ mà theo đó người vợ có thể xin ly hôn người chồng như: chồng bỏ nhà đi quá hai năm không có lý do chính đáng và không lo liệu việc nuôi nấng vợ con hoặc không có lý do chính đáng mà chồng đuổi vợ con ra khỏi nhà mình [37].
Như vậy, nhìn một cách tổng thể, pháp luật trong giai đoạn này bảo vệ tư tưởng trọng nam, khinh nữ, bảo vệ sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa nam và nữ. Pháp luật không những chưa là công cụ ghi nhận bảo vệ quyền của phụ nữ mà nó còn là quy định trói buộc phụ nữ trong sự bất biệt đối xử với nam giới. Mặc dù pháp luật đã tồn tại quy định phân biệt đối xử nhưng trong giai đoạn này
cũng đánh dấu một chiều hướng tiến bộ mới đó là sự ra đời và lãnh đạo nhân dân của Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930. Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam đã ghi nhận quyền bình đẳng nam nữ và mục tiêu này đã được công nhận chính thức bằng pháp luật khi nước Việt Nam giành được độc lập năm 1945.
* Giai đoạn sauCách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chấm dứt sự tồn tại của nhà nước phong kiến thực dân với những quan niệm trọng nam khinh nữ và phân biệt đối xử với phụ nữ. Trong tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” [80]. Giá trị vĩnh cửu của tuyên ngôn còn tồn tại mãi mãi và mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, bình đẳng và phát triển con người được Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định từ năm 1945 đến nay. Quan điểm cơ bản của Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về quyền con người là thành quả phát triển lâu dài, là giá trị chung của nhân loại. Quyền con người được phát triển liên tục qua các thời đại. Tất cả những dân tộc đều có những đóng góp vào giá trị nhân quyền bằng những cách thức khác nhau. Bảo đảm quyền con người thuộc bản chất của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Từ quan điểm đó, chủ trương, chính sách cơ bản của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam là: bảo vệ quyền dân tộc tự quyết; bảo đảm và nâng cao các quyền dân sự, chính trị; bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá… Xuất phát từ quan điểm này từ sau năm 1945 ở Việt Nam pháp luật đã trở thành công cụ ghi nhận và công vệ quyền con người nói chung và quyền phụ nữ riêng. Và chỉ hơn một năm sau ngày độc lập, ngày 09/11/1946 Hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền ra đời, cũng là mốc đánh dấu một thời kỳ mới cho người phụ nữ. Hiến pháp 1946 thể hiện tính dân chủ, nhân đạo và tiến bộ về bình đẳng giới.
Trong số 7 chương 70 điều, Hiến pháp dành 3 điều cụ thể hoá nguyên tắc đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo và đảm bảo các quyền tự do dân chủ. Quyền của phụ nữ đã được Hiến pháp ghi nhận: “ Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt giống nòi, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều thứ 1) [18, tr. 8]. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước Việt Nam các thành viên trong xã hội không phân biệt địa vị xã hội, dân tộc, giới đều được nhà nước thừa nhận về mặt pháp lý bình đẳng trên các phương tiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Đặc biệt tại Điều thứ 9 của Hiến pháp đã khẳng định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” - điều không thể có trong suốt chiều dài lịch sử của nhà nước phong kiến Việt Nam. Quyền bình đẳng nam, nữ là một trong những giá trị bất hủ của Hiến pháp năm 1946. Quyền bình đẳng nam nữ còn được cụ thể hoá tại Điều 18: “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai đều có quyền bầu cử” [18, tr. 11]. Có thể nói Hiến pháp 1946 đã chứa đựng những nội dung tiến bộ mặc dù nó ra đời trong bối cảnh Việt Nam vừa thoát ra khỏi chế độ thực dân phong kiến và những tồn tại của tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Hiến pháp thực sự có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đấu tranh cho sự bình đẳng của nam nữ trong những giai đoạn tiếp theo.
Kế thừa những giá trị của Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 tiếp tục khẳng định, bổ sung thêm những nội dung mang tính cụ thể nhằm đảm bảo tốt hơn quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều 24 Hiến pháp 1959 quy định: “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương. Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình” [18, tr. 39] Điều 25 của Hiến pháp 1959 tiếp tục khẳng định: “Công dân Việt Nam dân chủ cộng hoà không phân biệt nam nữ đều có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu
tình. Nhà nước đảm bảo các điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó” [18, tr. 39]. Trên cơ sở Hiến pháp 1959 có rất nhiều đạo luật được ban hành để bảo vệ quyền của phụ nữ. Trong đó có thể kể đến Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 29/12/1959. Đây là văn bản hôn nhân và gia đình đầu tiên của nhà nước ta thể hiện khá đầy đủ các quyền hôn nhân và gia đình của người phụ nữ theo tiêu chí bình đẳng, là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta bảo vệ các quyền này cho người phụ nữ. Theo luật, phụ nữ bình đẳng với nam giới về quyền tự do kết hôn; bình đẳng về quyền ly hôn; có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong mối quan hệ với các con và được ưu tiên bảo vệ xét theo góc độ đặc thù về giới.
Hiến pháp 1980 trên cơ sở kế thừa những tư tưởng tiến bộ của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 nhưng tiếp tục mở rộng quyền công dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá… Trên tinh thần đó Hiến pháp 1980 bên cạnh những quy định mang tính nguyên tắc xác định quyền của phụ nữ với tư cách là một công dân: “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 55 Hiến pháp 1980) thì Hiến pháp 1980 còn có những quy định riêng về quyền và lợi ích của phụ nữ. Điều 63 Hiến pháp khẳng định: “Phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Nhà nước và xã hội chăm lo nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp của phụ nữ, không ngừng phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội. Nhà nước có chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ. Phụ nữ và nam giới làm việc như nhau thì tiền lương ngang nhau. Phụ nữ có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương nếu là công nhân, viên