quyền của phụ nữ ở Việt Nam.
Pháp luật về quyền của phụ nữ không phải là một tập hợp đơn giản các quy định pháp luật mà chúng luôn có mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với nhau, tác
động qua lại lẫn nhau, thống nhất với nhau và được sắp xếp theo một trật tự nhất định tạo thành một chỉnh thể, một hệ thống thống nhất. Để đánh giá mức độ hoàn thiện của chúng, cần phải dựa vào những tiêu chuẩn được xác định về mặt lý thuyết, từ đó liên hệ với các điều kiện và hoàn cảnh thực tế trong mỗi giai đoạn cụ thể, xem xét một các khách quan và rút ra những kết luận, làm sáng tỏ những ưu điểm và nhược điểm của các quy định pháp luật đó. Theo chúng tôi, để đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật về quyền của phụ nữ cần dựa vào những tiêu chí cơ bản sau: tính toàn diện, đồng bộ; tính thống nhất; tính phù hợp; ngôn ngữ và kỹ thuật xây dựng pháp luật; tính khả thi, khả năng đáp ứng được của các quy định pháp luật đối với những nhu cầu đòi hỏi mà cuộc sống đang đặt ra.
* Tính toàn diện và đồng bộ
Tính toàn diện, đồng bộ của pháp luật về quyền của phụ nữ thể hiện ở việc các quy định pháp luật phải có khả năng đáp ứng được đầy đủ nhu cầu điều chỉnh pháp luật trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi các quy định pháp luật phải có khả năng bao quát toàn bộ đời sống xã hội, để các quan hệ xã hội quan trọng có tính điển hình, phổ biến cần có sự điều chỉnh của pháp luật thì đều có pháp luật điều chỉnh. Điều này đỏi hỏi các văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành toàn diện và đồng bộ, không chỉ chú trọng tới luật nội dung mà còn phải chú ý tới luật hình thức về trình tự, thủ tục để thực hiện chúng.
Đối với việc đánh giá tính toàn diện và đồng bộ của pháp luật về quyền của phụ nữ được thể hiện ở 2 cấp độ: Ở cấp độ chung đòi hỏi ở bất kỳ ngành luật nào cũng phải có những quy định ghi nhận và bảo vệ quyền của phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới. Ở cấp độ cụ thể đòi hỏi trong mỗi ngành luật phải có đủ các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ. Đồng thời các quy định đó thể hiện sự thống nhất, không mâu thuẫn, không trùng lặp, chồng chéo trong mỗi ngành luật với nhau. Điều này có thể được thể hiện ở việc ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, các văn bản, quy định pháp luật về quyền của phụ nữ trong những trường hợp cần có sự quy định chi tiết để khi văn bản đó có hiệu lực thì
cũng đã đủ các điều kiện để có thể được tổ chức thực hiện ngay trên thực tế. Đồng thời, tính toàn diện và đồng bộ của pháp luật về quyền của phụ nữ phải đảm bảo ngoài các quy định trực tiếp về quyền của phụ nữ hay nói cách khác là những quy định về nội dung còn phải có những quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện, các quy định về chế tài nếu không thực hiện các quy định đó.
Các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ được tạo ra và tác động không phải trong sự độc lập, riêng rẽ mà trong một tổng thể những mối liên hệ và những sự ràng buộc nhất định. Do đó, tính toàn diện và đồng bộ của các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ có ảnh hưởng rất lớn tới tính khả thi và hiệu quả của pháp luật. Bởi tất cả những mối liên hệ, những sự ràng buộc của các quy định, các văn bản pháp luật với những yếu tố hiện tượng khác nhau trong đời sống xã hội xét đến cùng đều có ảnh hưởng tới sự tác động, điều chỉnh của pháp luật.
* Tính thống nhất
Tính thống nhất của pháp luật về quyền của phụ nữ được thể hiện trong cả hệ thống cũng như trong từng bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật ở các cấp độ khác nhau, nghĩa là giữa các ngành luật trong hệ thống pháp luật; giữa các chế định pháp luật trong cùng một ngành luật; giữa các quy phạm pháp luật trong một chế định pháp luật cũng phải thống nhất. Không có hiện tượng trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau của các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ trong mỗi bộ phận và trong các bộ phận khác nhau của hệ thống pháp luật. Điều này đòi hỏi pháp luật về quyền của phụ nữ được ban hành không chỉ bảo đảm sự thống nhất, hài hoà về nội dung mà còn phải đảm bảo tính thứ bậc của mỗi văn bản về giá trị pháp lý của chúng. Trong đó Hiến pháp là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp; bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật. Để thi hành các quy định về quyền của phụ nữ, trong Hiến pháp sẽ có một hệ thống các văn bản hướng dẫn. Trước hết là Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2007 được xác định là khung pháp lý quan trọng để bảo vệ và phát huy quyền của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực.
Cùng với Luật Bình đẳng giới thì trong mỗi ngành luật, mỗi lĩnh vực xã hội đều có những quy định về quyền của phụ nữ. Tính thống nhất trong các quy định về quyền của phụ nữ không chỉ thể hiện ở việc thống nhất trong nội tại các quy định đó mà còn là sự thống nhất với các quy định pháp luật khác để đảm bảo không có sự chồng chéo, mâu thuẫn. Luật Bình đẳng khi được ban hành đã khái quát được tương đối các quy định về quyền của phụ nữ hay nói cách khác là việc đảm bảo bình đẳng giới đã được hiện thực hoá trong các quy định của pháp luật.
* Tính phù hợp
Tính phù hợp của pháp luật về quyền của phụ nữ thể hiện ở nội dung của các quy định pháp luật có sự tương quan với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể nói, pháp luật là những nhu cầu cơ bản, điển hình và có tính phổ biến nhất của đời sống kinh tế - xã hội được khái quát hoá, mô hình hoá dưới hình thức pháp lý cụ thể thông qua hoạt động lý trí và ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, sự phù hợp của các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ trong các văn bản quy phạm pháp luật mà đặc biệt là trong các văn bản luật với các quy luật khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện vô cùng quan trọng bảo đảm cho tính khả thi và hiệu quả của chúng.
Tính phù hợp của pháp luật thể hiện ở nhiều mặt nhưng có thể tập trung đánh giá mức độ phù hợp đó trên các mặt kinh tế, chính trị, đạo đức, tập quán, truyền thống và các quy phạm xã hội khác…
+ Mức độ phù hợp của pháp luật về quyền của phụ nữ với các điều kiện kinh tế của đất nước. Pháp luật ra đời, tồn tại và phát triển dựa trên cơ sở kinh tế nhất định, nó phản ánh trình độ phát triển kinh tế, nên không thể cao hơn hoặc quá thấp hơn so với chế độ kinh tế và trình độ văn hoá do chế độ kinh tế đó sinh ra. Pháp luật phải tạo ra được những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh, bền vững của kinh tế đất nước nhưng ngược lại kinh tế cũng sẽ thúc đẩy kiến trúc thượng tầng trong đó có pháp luật phát triển. Với các quy định về quyền của phụ nữ cũng không nằm ngoài quy luật phát triển kinh tế. Điều đó được hiểu là việc xây dựng các quy định về quyền của phụ nữ phải bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, xã hội. Chúng ta nhớ rằng Việt nam đã có giai đoạn
khi xây dựng các quy định của pháp luật đã đi trước sự phát triển của kinh tế và sự thực là các quy định đó không thể đi vào cuộc sống. Do đó, để đánh giá tính khả thi của các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ thì việc đầu tiên là đánh giá các quy định pháp luật đó đã phản ánh đúng tính chất, đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
+ Mức độ phù hợp của các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ với điều kiện chính trị của đất nước, mà quan trọng nhất là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng. Bên cạnh yếu tố kinh tế, các quy định pháp luật còn phải phù hợp với điều kiện chính trị của đất nước, phản ánh một cách sâu sắc, đầy đủ tình hình và những định hướng chính trị của đất nước. Nhà nước Việt nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Do đó hệ thống pháp luật và phương hướng phát triển của pháp luật cũng không nằm ngoài sự chỉ đạo về đường lối, chính sách của Đảng. Hệ thống pháp luật Việt Nam phản ánh đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam, là sự thể chế hoá đường lối chính sách đó thành những quy định chung nhất trên quy mô toàn quốc và là hình thức để hiện thực hoá đường lối chính sách của Đảng. Pháp luật về quyền của phụ nữ cũng nằm trong nguyên tắc đó nghĩa là các quy định về quyền của phụ nữ luôn phải đảm bảo sự bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực xã hội và phải thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ. Đồng thời sự phù hợp với điều kiện chính trị còn đòi hỏi nội dung của hệ thống pháp luật phải quy định và bảo vệ lợi ích của các tầng lớp xã hội khác nhau một cách phù hợp, hài hoà. Do đó, trong các quy định của pháp luật phải làm sao cho lợi ích hợp pháp của tầng lớp xã hội này không xung đột với lợi ích của tầng lớp xã hội khác. Bởi nếu không quan tâm tới sự thống nhất, hài hoà giữa các loại lợi ích của các lực lượng khác nhau trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật có thể dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Sự phù hợp này trong các quy định về quyền của phụ nữ đương nhiên phải đảm bảo. Các quy định về quyền của phụ nữ, về bình đẳng giới phải đáp ứng được sự hài hoà về lợi ích của các tầng lớp xã hội để đảm bảo sự công bằng trong việc hưởng các quyền mà pháp luật trao. Đồng thời các quy định này
cũng phải tính đến sự ưu tiên đối với những đối tượng đặc biệt. Chẳng hạn khi quy định chế độ, chính sách đối với những người lao động, công tác, sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa cần phải tính đến các điều kiện như đi lại khó khăn, giá cả sinh hoạt cao, khí hậu khắc nghiệt…. Và những điều kiện cụ thể như sự thiếu thốn về các loại dịch vụ phúc lợi (như trường học, bệnh viện, khu vui chơi văn hoá, thể thao…) để có những chính sách và quy định phù hợp. Yêu cầu này càng được đặt ra quan trọng và cấp thiết hơn khi xây dựng các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ. Các quy phạm pháp luật về phụ nữ luôn được xác định là phù hợp với điều kiện, chính trị, đường lối chính sách của Đảng và cũng phù hợp với điều kiện về giới tính của phụ nữ.
+ Mức độ tương thích của pháp luật với các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác. Trong xã hội ngoài pháp luật còn có những công cụ khác như đạo đức, phong tục, tập quán, tín điều tôn giáo… Những công cụ này cùng với pháp luật luôn có sự tác động rất lớn lên các quan hệ xã hội. Pháp luật chỉ phát huy được vai trò, tác dụng của mình một cách tốt nhất khi có sự tác động cùng chiều, phù hợp với các công cụ điều chỉnh khác. Do vậy, hệ thống pháp luật hoàn thiện còn đòi hỏi phải phù hợp với phong tục, tập quán, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hoá cao đẹp của nhân dân các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước. Sự phù hợp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi xây dựng các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ, nó không những đảm bảo tính khả thi cho các quy định của pháp luật trên cơ sở ý thức tự giác tuân theo các quy định pháp luật mà còn hạn chế, dần dần xoá bỏ những quan niệm cổ hủ, lạc hậu, những định kiến đã rằng buộc sự phát triển của phụ nữ.
+ Mức độ phù hợp của các quy định pháp luật về quyền của phụ nữ trong pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Hệ thống pháp luật quốc gia có ảnh hưởng tới pháp luật quốc tế và ngược lại nó cũng chịu ảnh hưởng trở lại của pháp luật quốc tế, nên khi đánh giá chất lượng của hệ thống pháp luật còn phải tính đến sự phù hợp của nó với pháp luật quốc tế. Do đó, pháp luật về quyền của phụ nữ cũng phải được xây dựng phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của các
điều ước và thông lệ quốc tế, tiếp thu và sử dụng có hiệu quả lý luận, kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của các nước khác trên thế giới. Trên cơ sở nguyên tắc này khi xây dựng Luật Bình đẳng giới các nhà làm luật Việt Nam đã kế thừa và tiếp thu nhiều quy định của pháp luật quốc tế đặc biệt là những quy định trong CEDAW.
+ Phương pháp điều chỉnh pháp luật được sử dụng phù hợp cho mỗi loại quan hệ xã hội. Đó là việc lựa chọn phương pháp điều chỉnh pháp luật phù hợp với mỗi loại quan hệ xã hội. Sự lựa chọn phương pháp điều chỉnh pháp luật không đúng, không phù hợp sẽ làm mất đi hoặc giảm đi tính hiệu quả của pháp luật bởi khi đó sẽ không đạt được mục đích mong muốn hoặc chỉ đạt được ở mức độ thấp. Do đó phương pháp điều chỉnh của các quy định pháp luật về phụ nữ sẽ khác phương pháp điều chỉnh các quy định pháp luật khác.
+ Sự phù hợp với cơ chế thực thi pháp luật: Sự phù hợp này đòi hỏi hệ thống pháp luật khi được ban hành phải đảm bảo có cơ chế thực thi pháp luật có hiệu quả. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã cơ bản xây dựng được các quy định pháp luật điều chỉnh tương đối đầy đủ các quan hệ xã hội phát sinh trong xã hội nhưng chúng ta hình như chưa chú tâm nhiều đến cơ chế thực thi chúng hay nói cách khác quy định pháp luật thì đạt yêu cầu nhưng thực tế các quy định đó chưa được thực hiện trong cuộc sống. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở những quy định pháp luật về quyền do đó để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền của phụ nữ thì yêu cầu đặt ra là phải có cơ chế thực thi pháp luật phù hợp và những chế tài tương ứng.
* Ngôn ngữ và kỹ thuật xây dựng pháp luật
Để đánh giá pháp luật còn phải xem xét trình độ kỹ thuật pháp lý khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là tổng thể những phương pháp, phương tiện được sử dụng trong quá trình soạn thảo và hệ thống hoá pháp luật nhằm đảm bảo cho pháp luật có được đầy đủ các khả năng để điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội. Với những quy định pháp luật nói chung hay các quy định về quyền của phụ nữ nói riêng khi xây dựng phải đảm bảo đưa ra được những nguyên tắc, những trình tự, thủ tục tối ưu để tiến hành hiệu quả quá trình