NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT SỬ DỤNG CÁC CÔNG CỤ KINH TẾ TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
2.2.3. Các nguyên tắc cơ bản của việc áp dụng pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường
công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường
Pháp luật về sử dụng các CCKT trong BVMT được xây dựng và tổ chức thực hiện dựa trên các nguyên tắc cơ bản đã được quốc tế thừa nhận, bao gồm:
2.2.3.1. Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (Polluter Pays Principle – PPP)
Một trong những nguyên tắc quan trọng được áp dụng trong lĩnh vực quản lý môi trường ngày càng được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới đó là nguyên tắc PPP do Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD) soạn thảo năm 1972. Nguyên tắc này ra đời dựa trên cơ sở xem môi trường là một loại hàng hoá. Nguyên lý căn bản của PPP là việc yêu cầu giá cả của một hàng hoá hay dịch vụ phải được thể hiện đầy đủ trong tổng chi phí sản xuất ra, bao gồm các chi phí của tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên được sử dụng cũng như giá trị tiêu hao của các thành phần môi trường. Nguyên tắc PPP yêu cầu những ai tác động vào môi trường phải trả tiền cho hành vi khai thác các thành phần môi trường, đó chính là “cái giá” mà một chủ thể phải bỏ ra để mua loại hàng hoá môi trường vào phục vụ nhu cầu của mình.
Đây cũng chính là cơ sở chủ yếu tạo ra những CCKT dùng để quản lý môi trường, nhất là trong việc kiểm soát ô nhiễm. Tính linh hoạt và hiệu quả kinh tế là hai yếu tố quan trọng làm cho các CCKT ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong vấn đề BVMT, nhất là trong quản lý chất lượng môi trường và kiểm soát ô nhiễm. Theo Báo cáo điều tra của OECD năm 1994, trong số 14 nước được điều tra đã có đến 150 loại CCKT được đề xuất và áp dụng. Có một hệ thống các công cụ khuyến khích kinh tế nhằm định hướng hành vi tích cực vào môi trường đang được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia, nhất là tại các nước OECD, gồm các công cụ chủ yếu sau đây:
- Tạo lập thị trường và hỗ trợ thị trường được thực hiện trên cơ sở luật lệ hay các quy định được thay đổi như: việc tạo lập thị trường mua bán quyền phát thải trên cơ sở giấy phép phát thải, đấu giá hạn ngạch thải…
- Thay đổi trực tiếp các mức giá cả hoặc chi phí xảy ra khi có sự thay đổi về lệ phí, phí theo sản phẩm, theo việc phát thải… hay hệ thống ký thác hoàn trả.
- Thay đổi gián tiếp các mức giá cả hoặc chi phí xảy ra khi có sự trợ cấp trực tiếp, tín dụng ưu đãi hay khuyến khích tài chính nhằm áp dụng công nghệ sạch cho môi trường, khuyến khích các hành vi kinh tế để thực thi các chính sách về môi trường.
Việc áp dụng các CCKT này dựa trên cơ sở các quy luật thị trường và cơ chế về giá mà đối tượng áp dụng của các công cụ này chính là môi trường. Nói cách khác, các CCKT là những phương thức trao đổi, mua bán loại hàng hóa môi trường, đó chính là những hình thái thể hiện của việc thương mại hóa môi trường. Do các
CCKT được áp dụng ngày càng phổ biến trên thế giới trong quản lý môi trường nên tạo thành một “xu hướng” - đó chính là xu hướng thương mại hoá môi trường. Trong thời gian gần đây, nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” còn được củng cố bằng nhiều nguyên tắc cơ bản khác như: “nguyên tắc phòng ngừa”, “nguyên tắc cấp dưới”,“nguyên tắc hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí” và “nguyên tắc hiệu quả về luật pháp” góp phần tạo ra thế chủ đạo cho việc hoạch định các chính sách môi trường.
2.2.3.2. Nguyên tắc người hưởng thụ phải trả tiền (Beneficiary Pay Principle –BPP)
Nguyên tắc BPP chủ trương tạo lập một cơ chế nhằm đạt được các mục tiêu về môi trường. Người được hưởng một môi trường đã được cải thiện cũng phải trả một khoản chi phí. Tất cả những người được hưởng lợi do có được môi trường trong lành không bị ô nhiễm thì phải nộp phí. Nguyên tắc BPP cho rằng việc phòng ngừa ô nhiễm và cải thiện môi trường cần được hỗ trợ từ phía những người muốn được thay đổi hoặc những người không phải trả giá cho các chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Khi thực hiện nguyên tắc BPP chúng ta sẽ tạo ra một khoản thu đáng kể. Mức thu phí theo đầu người càng cao và càng có nhiều người nộp phí thì số tiền thu được càng nhiều. Nếu mức phí có thể được thu đủ để dành cho các mục tiêu môi trường thì lúc đó chính sách này có thể được coi là chính sách có hiệu quả về môi trường. Với mục đích nhằm BVMT, nguyên tắc BPP nhận được ủng hộ rộng rãi của công chúng.
Xét về mặt hiệu quả kinh tế, nguyên tắc BPP là nguyên tắc có tính phù hợp cao vì hiệu quả kinh tế chỉ có thể đạt được nếu các nguồn thu được sử dụng ở mức tối ưu. Do vậy, nếu việc định mức phí, lệ phí môi trường đưa ra ở mức tối ưu và khoản phí thu được chủ yếu phục vụ cho các biện pháp cụ thể có liên quan đến BVMT thì nó có thể đạt được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, nguyên tắc BPP lại chưa đáp ứng được tính công bằng kinh tế vì các công ty có thể sử dụng nguồn lợi môi trường để sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ nhưng đã có người khác phải chịu chi phí đó, nghĩa là họ không trả đủ chi phí cho hàng hóa và dịch vụ mà họ tiêu thụ trên thị trường.
2.2.3.3. Nguyên tắc kích thích lợi ích kinh tế
Nguyên tắc kích thích lợi ích kinh tế xuất phát từ một thực tế không thể phủ nhận đó là: lợi ích là động lực thúc đẩy con người tiến hành các hoạt động kinh tế –
xã hội, đặc biệt là lợi ích kinh tế. Bởi lẽ, mỗi một con người hay xã hội muốn tồn tại và phát triển thì nhu cầu của họ phải được đáp ứng. Mà lợi ích và nhu cầu có mối quan hệ mật thiết với nhau. Lợi ích bắt nguồn từ nhu cầu và là cái để đáp ứng nhu cầu. Trong hệ thống lợi ích của con người nói chung bao gồm lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, tư tưởng, văn hoá – xã hội thì lợi ích kinh tế giữ vai trò quyết định nhất vì nó gắn liền với nhu cầu vật chất, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất – là nhu cầu cơ bản nhất cho sự tồn tại và phát triển của con người, của xã hội và khi đời sống vật chất của con người được đảm bảo thì đời sống tinh thần cũng mới được nâng cao. Chính vì thế, lợi ích kinh tế giữ vai trò quan trọng nhất, quyết định nhất, là cơ sở, nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của mỗi con người nói riêng, cũng như xã hội nói chung. Vì thế có thể khẳng định rằng mọi nguyên nhân suy cho cùng đều là động lực kinh tế và chính lợi ích kinh tế giữ vai trò động lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội.
Nội dung của nguyên tắc kích thích lợi ích kinh tế bằng việc áp dụng các CCKT trong BVMT là dùng lợi ích kinh tế – lợi ích vật chất để kích thích con người tiến hành các hoạt động có lợi cho môi trường. Quản lý môi trường trước hết là quản lý các hoạt động phát triển do con người (cá nhân hay cộng đồng) tiến hành tổ chức và phát huy tính tích cực hoạt động của mình vì mục đích phát triển bền vững. Con người dù cá nhân, tập thể hay cộng đồng đều có những lợi ích, nguyện vọng và những nhu cầu nhất định. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của quản lý môi trường là phải chú trọng đến lợi ích con người để khuyến khích họ có hành vi và thái độ ứng xử phù hợp với mục tiêu BVMT của họ. Lợi ích không những là sự vận động tự giác, chủ quan của con người nhằm thoả mãn một nhu cầu nào đó của mình mà còn là động lực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của con người và là phương tiện hữu hiệu quản lý và BVMT nên phải sử dụng nó để khuyến khích các hoạt động có lợi cho môi trường.
2.2.3.4. Nguyên tắc sử dụng nguồn tài chính tập trung
Theo quy định tại điều 110 Luật BVMT năm 2005 thì NSNN là một trong những nguồn tài chính để BVMT. Theo quy định tại điều 31 Luật NSNN năm 2002 thì chi cho môi trường là một trong những nhiệm vụ chi thường xuyên của NSNN. Tương tự, tại khoản 2 điều 110 Luật BVMT năm 2005 quy định: “NSNN có mục chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường phù hợp với yêu cầu BVMT của từng thời kỳ, hàng năm, bảo đảm tỷ lệ tăng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường cao hơn tăng chi NSNN”. Đó là hoạt động “nhằm sử dụng quỹ NSNN, là quá trình phân phối
nguồn tiền tệ nằm trong quỹ NSNN để chi dùng vào những mục đích khác nhau”
[115, tr.79], cụ thể ở đây là nhằm mục đích quản lý và BVMT. Vì thế, khi sử dụng NSNN trong quản lý và BVMT phải đảm bảo các khoản chi phải được hạch toán kế toán, quyết toán đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ và tuân theo các nguyên tắc cơ bản của hoạt động sử dụng NSNN. Cùng với NSNN, các Quỹ BVMT cũng là một trong các nguồn tài chính để BVMT. Các Quỹ BVMT là các tổ chức tài chính, vì thế trong quá trình sử dụng nguồn lực tài chính của mình để thực hiện các hoạt động có lợi cho môi trường thì ngoài việc tuân thủ các điều lệ hoạt động của Quỹ, còn phải tuân thủ các chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo pháp luật kế toán hiện hành.