- Một số lý thuyết dự kiến sử dụng
Luận án được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản về điều hòa xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT trong nền kinh tế thị trường. Đó là hai nguyên tắc cơ bản trong BVMT: Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”
(PPP) và nguyên tắc “Người thụ hưởng phải trả tiền”(BPP). Những nguyên tắc này thể hiện bản chất của quan hệ pháp lý trong lĩnh vực môi trường (mang tính bắt buộc hay tự nguyện; vai trò của Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp). Bên cạnh đó, luận án còn được thực hiện trên cơ sở các quan điểm của Đảng (Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI), Chiến lược Bảo vệ môi trường của quốc gia có liên quan đến việc sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Luận án cũng được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc một số quan điểm, kinh nghiệm của các nước về sử dụng các CCKT trong BVMT và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Luận án được triển khai với hàng loạt câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu sau:
(1) Về khía cạnh lý luận:
Câu hỏi nghiên cứu: Công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường là gì? Ra đời từ khi nào, quá trình hình thành và phát triển, ý nghĩa, tác dụng và vai trò của nó trong bảo vệ môi trường như thế nào?
Giả thiết nghiên cứu: hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về các công cụ kinh tế, tác dụng và vai trò của nó chưa có một cách hiểu thống nhất và sáng tỏ.
Kết quả nghiên cứu: đưa ra cách hiểu của nghiên cứu sinh về những vấn đề trên phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài luận án.
Câu hỏi nghiên cứu: pháp luật sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường được hiểu ở nghĩa gì?
Giả thiết nghiên cứu: hiện nay vấn đề pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường chưa được hiểu và nghiên cứu một cách đầy đủ. Nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường; nội dung chủ yếu của pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường và các tiêu chí cơ bản xác định mức độ phù hợp của pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường.
Kết quả nghiên cứu: đưa ra khái niệm pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường; xác định được nhu cầu điều chỉnh pháp luật, nội dung chủ yếu của pháp luật và các tiêu chí cơ bản xác định mức độ phù hợp của pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường.
Câu hỏi nghiên cứu: Kinh nghiệm sử dụng pháp luật về công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường ở một số nước trên thế giới như thế nào?
Giả thiết nghiên cứu: Các nước trên thế giới sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường chủ yếu là những công cụ nào?
Kết quả nghiên cứu: Bài học kinh nghiệm gì cho Việt Nam trong việc sử dụng pháp luật về công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Câu hỏi nghiên cứu: Điều chỉnh pháp luật đối với việc sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường có những yêu cầu gì?
Giả thiết nghiên cứu: Trên cơ sở nghiên cứu các yêu cầu đặt ra đối với việc sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường và kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của một số nước về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường, luận án lập luận các yêu cầu đặt ra đối với việc sử dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường.
Kết quả nghiên cứu: Đưa ra những yêu cầu đối với pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường.
(2) Về khía cạnh pháp luật thực định:
+ Câu hỏi nghiên cứu: Thực trạng pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường? Việc thực hiện pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
Giả thiết nghiên cứu: Đánh giá pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường dưới góc độ lịch sử, so sánh với các nước. Căn cứ vào nội dung điều chỉnh pháp luật, tác giả chia thành nhóm các quy phạm về chủ thể; các quan hệ sử dụng; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong việc sử dụng các công cụ kinh tế bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu: tìm ra được những hạn chế, bất cập trong chính những quy định của pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường và những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về sử dụng các công cụ này, chỉ ra được những nguyên nhân của hạn chế, bất cập đó.
(3) Đề xuất, kiến nghị:
- Câu hỏi nghiên cứu: với những tồn tại, bất cập nêu trên thì cần phải có phương hướng và giải pháp gì để sửa chữa, khắc phục?
Giả thuyết nghiên cứu: hiện nay ở Việt Nam chưa có công trình đề xuất phương hướng và giải pháp một cách đầy đủ, hợp lý để sửa chữa, khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành.
Kết quả nghiên cứu: đưa ra được phương hướng và giải pháp phù hợp và đầy đủ về hoàn thiện pháp luật về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay nhằm đảm bảo tính minh bạch, tiêu chí phát triển bền vững, phòng ngừa và chia sẻ rủi ro.