Tội phạm luôn là thể thống nhất của hai mặt khách quan và chủ quan. Nếu như mặt khách quan là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm thì mặt chủ quan của tội phạm là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội. Mặt chủ quan của tội phạm không tồn tại độc lập mà gắn liền với mặt khách quan của tội phạm. Lỗi, động cơ, mục đích là những biểu hiện mặt chủ quan.
Mặt chủ quan của tội phạm là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội. Bao gồm lỗi, động cơ và mục đích. Trong đó, động cơ và mục đích chỉ được phản ánh trong một số cấu thành tội phạm (chủ yếu trong cấu thành tội phạm với lỗi cố ý), hoặc trong một số trường hợp là tình tiết định khung. Lỗi được phản ánh trong mọi cấu thành tội phạm.
Người phạm tội vi phạm các quy định về quản lý rừng. Động cơ và mục đích chỉ đặt ra trong cấu thành tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.
Về lỗi: Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
Lỗi là nội dung biểu hiện của mặt chủ quan được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm. Trong mỗi cấu thành tội phạm, dấu hiệu lỗi có thể là lỗi cố ý hoặc vô ý.
Trong tội vi phạm các quy định về quản lý rừng đó là lỗi cố ý trong đó: Lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp.
Lỗi cố ý trực tiếp: Là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra (Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 1999).
Lỗi cố ý gián tiếp: Là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 1999).
Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định đối với hành vi giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản… trái pháp luật luôn được xác định là lỗi cố ý (cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp). Có nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Cố ý vi phạm các quy định Nhà nước về quản lý rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỉ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Như vậy trong cấu thành cơ bản của tội vi phạm các quy định về quản lý rừng dấu hiệu lỗi được xác định là lỗi cố ý.
Một trong những biểu hiện thuộc mặt chủ quan của tội phạm đó là động cơ phạm tội. Động cơ phạm tội được biểu hiện là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý.
Đối với tội vi phạm các quy định về quản lý rừng, động cơ cũng là một yếu tố quan trọng khi xem xét định tội. Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 1999 loại trừ những người phạm tội với động cơ để nhằm mục đích hủy hoại hoặc để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nếu người phạm tội thực hiện tội phạm với động cơ mục đích trên, họ sẽ bị truy cứu theo các Điều 153, 154, 189 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đối với hành vi giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, vấn đề động cơ phạm tội chỉ đặt ra khi những hành vi phạm tội đó được thực hiện với
lỗi cố ý. Nếu với lỗi vô ý người phạm tội sẽ không áp dụng theo Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 1999 mà có thể chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 - Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với người phạm tội vi phạm các quy định về quản lý rừng người phạm tội luôn có động cơ vật chất vụ lợi vì lợi ích kinh tế thúc đẩy họ phạm tội. Khi xem xét động cơ phạm tội cần phải xem xét đến mục đích họ phạm tội bởi: "Động cơ và mục đích liên quan chặt chẽ với nhau, chỉ có động cơ thúc đẩy cho nên bị cáo mới có ý định phạm tội và đề ra cho mình một mục đích và hành động để thực hiện mục đích đó" [59]. Giữa động cơ và mục đích có quan hệ chặt chẽ, thông qua việc xác định động cơ chúng ta có thể thấy được mục đích mà người phạm tội hướng đến, đó chính là kết quả mà người phạm tội mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội. Khi thực hiện hành vi vi phạm các quy định về quản lý rừng, vì động cơ vụ lợi nhằm đạt được những lợi ích kinh tế nhất định mà người phạm tội đã giao rừng, thu hồi rừng, cho phép chuyển mục đích sử dụng, cho phép khai thác trái pháp luật tác động trực tiếp đến những chính sách những quy định về quản lý kinh tế trong quản lý rừng gây thiệt hại để từ đó đạt được những lợi ích kinh tế nhất định. Cần phải nhắc lại rằng, tội vi phạm các quy định về quản lý rừng vấn đề động cơ, mục đích phải được xem xét khi định tội, qua đó xác định chính xác hình thức lỗi, cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà người phạm tội đã thực hiện.