Công tác điều tra, truy tố, xét xử chính là hoạt động đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Đây là hoạt động chủ lực góp phần quan trọng làm
cho công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm đạt được hiệu quả. Việc đấu tranh phòng chống tội phạm tốt sẽ góp phần làm giảm "sức nóng" của tình hình tội phạm. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần từng bước khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, từng bước giảm số lượng tội phạm, nâng cao tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa đối với những người có ý định thực hiện hành vi phạm tội trong xã hội.
Hoạt động điều tra là hoạt động rất quan trọng, quyết định thu thập các chứng cứ buộc tội, các chứng cứ gỡ tội và các vấn đề khác liên quan đến vụ án. Không ít vụ án cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành điều tra không đầy đủ, chứng cứ buộc tội yếu, chủ quan và mang tính suy diễn, nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án chưa được điều tra làm rõ. Trong hoạt động điều tra, việc điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định vai trò của những đối tượng vi phạm trong tội phạm vi phạm các quy định về quản lý rừng là rất khó khăn. Đây cũng chính là một nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ điều tra, truy tố không cao. Do tính chất địa bàn phạm tội khai thác rừng trái phép, địa bàn rộng, rừng núi hiểm trở, việc phát hiện là khó khăn. Khi vụ án khai thác rừng trái phép xảy ra công tác thu thập chứng cứ đến việc xác định mức độ thiệt hại gặp rất nhiều trở ngại. Có những vụ xảy ra, hàng tháng hoặc vài tháng sau Kiểm lâm mới phát hiện được, lúc đó cây non, chồi lộc đã mọc ra, che phủ hành vi chặt phá rừng, dẫn đến khó xác định thiệt hại. Thực tế hiện nay, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ rất thiếu, năng lực, trình độ còn ở mức độ nhất định. Trong tổ chức bộ máy, nhân sự của Cơ quan cảnh sát điều tra. Cơ quan điều tra được phân thành cơ quan cảnh sát điều tra và an ninh điều tra. Lượng án thuộc thẩm quyền điều tra của an ninh điều tra thì không nhiều, chủ yếu là án thuộc thẩm quyền điều tra của cảnh sát điều tra. Lực lượng cảnh sát điều tra chiếm một tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ lượng án thuộc thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh đó, nếu đi sâu vào trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ Điều tra viên, cán bộ điều tra chúng ta nhận thấy lực lượng Cảnh
sát điều tra được đào tạo chính quy về Điều tra hình sự lại không nhiều. Không ít người được đào tạo trình độ ở những lĩnh vực hoàn toàn không liên quan đến điều tra nhưng lại được phân làm công tác điều tra hình sự. Một số chỉ được đào tạo ở trình độ trung cấp cảnh sát, trung cấp an ninh sau đó được phân về làm cảnh sát điều tra hình sự. Kiến thức lý luận về luật hình sự rất hạn chế, do vậy khi được phân công điều tra án hình sự rất lúng túng. Vì vậy, phải tăng cường phối hợp với các lực lượng trong ngành, các lực lượng ngoài ngành như Kiểm lâm, Viện kiểm sát, thực hiện đồng bộ có hiệu quả đối với công tác đấu tranh chống tội phạm vi phạm các quy định về quản lý rừng. Cần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cần thiết phục vụ cho công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Siết chặt kỷ luật nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác nói chung và chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ án hình sự nói riêng. Nghiêm túc thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để từng bước nâng cao chất lượng giải quyết án. Gắn chất lượng công tác với các phong trào thi đua khen thưởng ngắn hạn để làm động lực thúc đẩy cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.