Hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Một phần của tài liệu Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam (Trang 30)

Hành vi chiếm đoạn tài sản - cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài sản của mình - hành vi này được thực hiện bằng hình thức công khai - người phạm tội không cần che giấu hành vi phạm tội của mình - với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh. Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai). Do vậy, người phạm tội không cần và không có ý định có bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó với chủ tài sản. Người phạm tội không dùng vũ lực uy hiếp tinh thần hay nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng lẩn tránh, người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản bất chấp sự có mặt, ngăn cản của người khác. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm, che giấu hành vi phạm tội của mình, ý thức bất chấp người khác chứ không dựa vào số đông để uy hiếp tinh thần người coi giữ tài sản, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản, người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được). Ở đây tính chất công khai trắng trợn không phải là hành vi khách quan nhưng lại là một đặc điểm cơ bản, đặc trưng để phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tội trộm cắp tài sản; trường hợp người phạm tội dựa vào số đông để áp đảo, uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm với tài sản thì tùy tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vì sẽ phạm tội cướp hoặc cưỡng đoạt tài sản.

Thời điểm hoàn thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản kể từ khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản; thời điểm được coi là chiếm đoạt được tùy thuộc vào tính chất của tài sản, vị trí của tài sản khi xảy ra hành vi chiếm

đoạn, phạm vi khu vực bảo quản tài sản. Để minh họa cho hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản ta xem xét một vụ án sau đây:

Vào lúc 11 giờ ngày 08/4/2007, Mai Quang Vinh (sinh năm 1982, quê Tiền Giang, tạm trú phường 5, quận Tân Bình) đến nhà chị Vũ Thị Bích Thuận (sinh năm 1975, ngụ P5, Q. 10) chơi điện tử. Đến 11 giờ 30 cùng ngày, chị Thuận nhận được điện thoại của người thân ở nước ngoài gọi về nên mang điện thoại sang nhà kế bên cho chồng cùng nghe. Đang đứng nói chuyện, chị Thuận thấy Vinh chạy chiếc Kawasaki Max BS: 52F7-5386 của mình qua mặt liền kêu: "Vinh lấy xe chị đi đâu thế"?, Vinh không đáp lại chỉ quay đầu cười rồi cho xe chạy mất. Chị Thuận ngỡ ngàng nhìn theo chiếc xe trị giá 16 triệu đang dần mất hút trong dòng người qua lại. Sau một thời gian lẩn trốn, tháng 9/2007, Vinh bị Công an quận Tân Bình bắt xử lý.

Công nhiên chiếm đoạt tài sản trước hết là công nhiên với chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản, sau đó là công nhiên với mọi người xung quanh, tuy nhiên, đối với người xung quanh, người phạm tội có thể có những thủ đoạn gian dối, lén lút để tiếp cận tài sản nhưng khi chiếm đoạt, người phạm tội vẫn công khai, trắng trợn, ví dụ sau đây là minh chứng cho nhận định này:

Hà Hữu Toán là người chăn bò thuê cho một người ở xã Ninh Sơn, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; khoảng 15 giờ ngày 09/2/2003, trong lúc đàn bò do Hà Hữu Toán chăn đang ở khu vực Suối Sim, xã Ninh Sim, huyện Ninh Hòa thì có một con bò đực không rõ của ai đến ăn chung với bò của Toán, đến chiều tối, không thấy ai đến lùa bò về, nên Toán đã đưa con bò này về cột ở trại của mình. Ngày 12/2/2003, Toán dẫn bò đi giấu ở nơi khác và đến ngày 17/2/2003, Toán thuê xe vận chuyển con bò này đi tiêu thụ. Trên đường đi tiêu thụ thì bị phát hiện và Toán bỏ trốn đến ngày 08/4/2003 mới ra đầu thú, con bò được Hội đồng định giá là 4,5 triệu đồng.

Trong vụ án trên, Toán đã thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt con bò của người khác một cách công nhiên trong khi chủ tài sản đang trong hoàn

cảnh không có khả năng ngăn cản, bảo vệ được tài sản của mình. Khi thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, Toán tuy không biết con bò đó của ai, nhưng chắc chắn biết là con bò đó đang ở vào tình trạng không có người bảo quản, trông coi. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản do Toán thực hiện đã hoàn thành từ thời điểm Toán đưa con bò này về cột ở trại của mình (các hành vi dẫn bò đi nơi khác để dấu sau đó thuê xe vận chuyển bò đi tiêu thụ đã thể hiện đầy đủ tính chất phạm tội của hành vi cũng như mục đích chiếm đoạt của Toán).

Về mặt lý luận và qua thực tiễn xét xử, có thể thấy một số trường hợp công nhiên chiếm đoạt tài sản sau đây:

+ Người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, bị tai nạn, đang có chiến sự để chiếm đoạt tài sản. Những hoàn cảnh cụ thể này không do người có tài sản gây ra mà do hoàn cảnh khách quan làm cho họ lâm vào tình trạng không thể bảo vệ được tài sản của mình, nhìn thấy người phạm tội lấy tài sản của mình mà không làm gì được. Có thể xem xét qua ví dụ sau đây:

Trên Quốc lội 5A, đoạn km 72+900 thuộc địa phận xã Phúc Thanh A, huyện Kim Môn tỉnh Hải Hưng (cũ) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô mang biển kiểm soát 15K-15-87 với xe mô tô hai bánh mang biển kiểm soát 34-457HN làm anh Đỗ Đức Thịnh, người điều khiển xe mô tô chết tại chỗ và anh Nguyễn Chí Kiên ngồi sau xe bị thương nặng, cả hai anh đều là cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải, Hải Phòng, có nhiệm vụ đem 2 kg vàng về Hải Dương thuê gia công đồ trang sức, do tai nạn mà 2 kg vàng đã bị mất. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra đã phát hiện Đỗ Văn Họa và Nho Văn Mạnh là thủ phạm chiếm đoạt số vàng trên trong hoàn cảnh mọi người đang lo cấp cứu các nạn nhân. Trường hợp phạm tội của Họa và Mạnh cũng là trường hợp công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhưng là một trường hợp rất dễ nhầm lẫn với tội trộm cắp tài sản hoặc chiếm giữ trái phép tài sản;

+ Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản nhưng lại chiếm đoạt sau khi đã thực hiện xong hành vi phạm tội khác, ví dụ:

22 giờ ngày 01/02/2009, anh Vũ Sơn Tùng (sinh năm 1988, trú tại Hoài Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh) điều khiển xe máy trên đường Nguyễn Văn Linh (khu vực tổ 14, phường Phúc Đồng), bị chín đối tượng đi ba xe máy cùng chiều đuổi theo cúp đầu xe làm anh Tùng ngã bất tỉnh, rồi bỏ chạy, sau đó, hai đối tượng vòng lại lấy điện thoại di động của nạn nhân để trong túi quần. Công an phường Phúc Đồng đã xác minh làm rõ 9 đối tượng, gồm: Vương Đình Hưng (sinh năm 1991), Nguyễn An Ngọc (sinh năm 1989), Nguyễn Đình Phương (sinh năm 1988), Trần Hùng Tuấn (sinh năm 1991), Nguyễn Văn Hương (sinh năm 1987), Vương Đình Hiếu (sinh năm 1988), Hoàng Đức Sơn (sinh năm 1987), Hoàng Đức Tần (sinh năm 1984) và một đối tượng tên Trọng, cùng trú ở Phù Dực, Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội. Qua khai thác bước đầu các đối tượng khai nhận trong khi điều khiển xe máy tham gia giao thông trên đường thấy anh Tùng phóng nhanh nên đã đuổi theo để đánh. Hành vi lấy trộm chiếc điện thoại di động trong điều kiện anh Tùng đang bị bất tỉnh đủ yếu tố cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chứ không phải là tội cướp tài sản.

Trong trường hợp này, khi thực hiện hành vi tấn công "đi ba xe máy cùng chiều đuổi theo cúp đầu xe làm anh Tùng ngã bất tỉnh", người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản từ trước mà vì động cơ, mục đích khác, sau khi thực hiện xong hành vi tấn công, lợi dụng chủ tài sản ở vào những hoàn cảnh đăc biệt, người phạm tội đã thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, như vậy, ý định chiếm đoạt nảy sinh sau hành vi dùng vũ lực, hành vi tấn công. Ở đây, hành vi dùng vũ lực của các bị cáo không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị tấn công. Việc hai đối tượng lấy điện thoại di động là do lợi dụng lúc anh Tùng bất tỉnh, không có khả năng ngăn cản hành vi lấy điện thoại.

b) Hậu quả

Hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự. Hậu quả của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nói cách khác, thiệt hại về tài sản là thước đo để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, giá trị tài sản bị thiệt hại là căn cứ để phân biệt một hành vi là tội phạm hay vi phạm pháp luật, nếu chưa đến mức quy định của Bộ luật hình sự thì chưa bị coi là tội phạm. Như vậy, hậu quả của tội phạm là yếu tố quan trọng cần phải xác định trong trường hợp xác định một hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hay không, nói cách khác, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội phạm, chỉ khi có hậu quả nguy hiểm cho xã hội nảy sinh thì mới phản ánh đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Mặc dù khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ hai triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới hai triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhưng không vì thế mà cho rằng phải có thiệt hại về tài sản (người phạm tội chiếm đoạt được tài sản) thì mới cấu thành tội phạm. Khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ hai triệu đồng là để áp dụng trong những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị không lớn, đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt những tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn như ô tô, xe máy hoặc tài sản có giá trị hàng chục triệu đồng trở lên thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, đó là trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Ở đây, cần phải

phân biệt về tội phạm hoàn thành và đủ yếu tố cấu thành tội phạm, việc người phạm tội chiếm đoạt được tài sản chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa, nghĩa là xác định các giai đoạn thực hiện hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nếu người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng, nhưng chưa chiếm đoạt được thì chưa cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vì dù có chiếm đoạt được cũng chưa cấu thành tội phạm huống hồ chưa chiếm đoạt được.

Một phần của tài liệu Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam (Trang 30)