Những tồn tại, hạn chế

Một phần của tài liệu Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam (Trang 96)

Từ thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử và định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cho thấy, bộc lộ một số tồn tại, hạn chế sau:

Thứ nhất, có sự nhận thức không thống nhất về các quy định của pháp luật hình sự trong thực tiễn áp dụng đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Do vậy, trong một số vụ án, rất khó xác định một tội phạm là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hay tội phạm có tính chất chiếm đoạt khác (như các tội: cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản), vì vậy, đứng trước một hành vi phạm tội, mỗi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng lại có những nhận thức khác nhau xung quanh việc định tội danh, thậm chí có người đã nhầm lẫn giữa hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản với các hành vi như: cướp giật tài sản; trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản dẫn đến việc xác định tội danh không chính xác hoặc nhầm lẫn.

Thứ hai, trong một số trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa phân biệt một hành vi đã cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hay vi phạm pháp luật khác và không phải bị xử lý về hình sự đã dẫn đến hình sự hóa một số hành vi không phải là tội phạm hoặc bỏ lọt tội phạm, chỉ xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi đáng lẽ ra phải bị xử lý bằng hình sự và áp dụng trách nhiệm hình sự; một số trường hợp, do nhận thức không đúng về các yếu tố định khung hình phạt nên đã áp dụng khung hình phạt cao hơn hoặc nhẹ hơn, vô hình dung đã vi phạm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự; xâm phạm và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân làm suy giảm vai trò điều chỉnh cũng như tính nghiêm minh của pháp luật hình sự.

Thứ ba, công tác điều tra, truy tố, xét xử còn một số tồn tại, hạn chế, vẫn còn tình trạng hồ sơ vụ án phải trả lại để điều tra bổ sung (chiếm tỷ lệ 10,92% về vụ và 13,91% về số bị cáo); tình trạng Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử vẫn còn với 5 vụ và 07 bị cáo(chiếm tỷ lệ 0,94% về số vụ và 0,76% về số bị cáo) và tuyên 01 bị cáo không có tội; tỷ lệ vụ án chưa được đưa ra xét xử vẫn chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm 7,91% về vụ và 9,78% về bị cáo) (xem phụ lục 1).

Thứ tư, công tác phòng ngừa, đấu tranh và chống tội công nhiên chiếm đoạt tài sản nói riêng và các tội thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu nói chung còn hạn chế, chưa tương xứng với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh trong khi tiềm lực đầu tư cho công tác này được chú trọng hơn trước; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hình sự còn hạn chế nên tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng; tính chất, mức độ phạm tội ngày càng tinh vi, thủ đoạn ngày càng xảo quyệt.

Một phần của tài liệu Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)