Qua các vấn đề đã phân tích trên, với những nhận thức của mình, tác giả thấy rằng các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND: quyền công tố, thực hành quyền công tố, hoạt động tư pháp, kiểm sát các hoạt động tư pháp…mặc dù cho đến nay chưa đạt được sự thống nhất cao, nhưng là những vấn đề rất được quan tâm cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Với các quyền năng mà pháp luật giao cho, VKSND đóng vai trò chủ đạo, quyết định và chịu trách nhiệm chính về cả quá trình điều tra tội phạm, quyết định số phận pháp lý của vụ án hình sự, đảm bảo các hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện nhiệm vụ của VKSND rất nặng nề, việc cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong đó có VKSND luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Để hoàn thành những nhiệm vụ tuy vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề mà Đảng và Nhà nước ta tin tưởng giao cho VKSND, thì cần phải có sự phấn đấu nỗ lực và bền bỉ của mỗi cá nhân, mỗi tập thể đơn vị trong toàn ngành kiểm sát. Trong đó, việc nhận thức một cách thấu đáo các vấn đề lý luận có liên quan đến quyền công tố, thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp… có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Vì vậy, các cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành kiểm sát cần phải nắm vững các vấn đề lý luận, quán triệt các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay để phấn đấu hoàn thành thì mới đảm bảo đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Chương 2