a) Hoạt động tư pháp
Như đã nêu ở trên, các cơ quan tư pháp ở nước ta bao gồm Cơ quan điều tra, VKS, Toà án và Cơ quan thi hành án. Hiểu theo nghĩa rộng của khái niệm về tư pháp ở nước ta, thì các hoạt động tư pháp là các hoạt động liên
quan đến quá trình giải quyết các vụ án và các tranh chấp bao gồm các hoạt động điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ như khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành các quyết định của Toà án trong cả lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính, kinh tế… Vậy, hoạt động tư pháp là hoạt động trước hết phải được tiến hành bởi các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa tất cả mọi hoạt động do cơ quan tư pháp tiến hành đều là hoạt động tư pháp mà chỉ là hoạt động tư pháp nếu hoạt động đó gắn liền với việc giải quyết một vụ án, một tranh chấp cụ thể. Ví dụ như hoạt động điều tra thu thập chứng cứ của các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng là hoạt động tư pháp bởi vì nó nhằm giải quyết vụ án, giải quyết tranh chấp cụ thể. Trong quá trình tiến hành các hoạt động này, giữa các cán bộ, công chức trong các cơ quan tư pháp (người tiến hành tố tụng) và giữa các cơ quan tư pháp (cơ quan tố tụng) phát sinh các mối quan hệ và các mối quan hệ đó được điều chỉnh bằng pháp luật tố tụng. Ngoài các hoạt động đó, trong các cơ quan tư pháp còn có các hoạt động khác (ví dụ như: hoạt động phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật của Toà án…) đó không phải là hoạt động tư pháp vì nó không nhằm giải quyết vụ án hoặc giải quyết tranh chấp nào. Mối quan hệ giữa các cơ quan và các cán bộ, nhân viên của các cơ quan tư pháp phát sinh trong quá trình này được điều chỉnh bằng pháp luật hành chính. Như vậy, hoạt động tư pháp phải hội tụ đủ hai yếu tố: Hoạt động đó phải do các cơ quan nhà nước thực hiện trong quá trình tố tụng, được điều chỉnh bằng pháp luật tố tụng; mục đích của hoạt động là nhằm đảm bảo việc giải quyết một vụ án hình sự, vụ tranh chấp cụ thể một cách có căn cứ, đúng pháp luật.
Vì vậy, hoạt động tư pháp là hoạt động của các cơ quan tư pháp
trong quá trình tố tụng nhằm giải quyết các vụ án hình sự và các vụ tranh chấp một cách có căn cứ, đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Kiểm sát các hoạt động tư pháp là một trong hai chức năng hiến định của VKSND. Theo quy định của pháp luật, VKSND thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp bằng các công tác khác nhau gắn liền với các lĩnh vực khác nhau bao gồm kiểm sát các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và tố tụng tư pháp khác trong lĩnh vực giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động… Đó là các công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của Cơ quan điều tra - kiểm sát điều tra, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự - kiểm sát xét xử. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành các bản án và các quyết định của Toà án nhân dân - kiểm sát thi hành án. Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam của Cơ quan điều tra - kiểm sát giam giữ và cải tạo. Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, HNGD, hành chính, kinh tế, lao động…Các lĩnh vực công tác đó hợp thành kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Mục đích của kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự là nhằm đảm bảo các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không để xảy ra việc oan, sai hay bỏ lọt tội phạm. Trong các lĩnh vực tố tụng khác, mục đích của kiểm sát các hoạt động tư pháp là nhằm đảm bảo việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình và các việc khác theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Mục đích chung của hoạt động kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKS là nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự và các tranh chấp khác.
Đối tượng của kiểm sát các hoạt động tư pháp là việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tư pháp và các đối tượng tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án và các tranh chấp khác.