Một số quốc gia theo hệ thống án lệ

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Viện Kiểm sát Nhân dân cấp Huyện trong cải cách tư pháp ở nước ta (Trang 39)

* Vương quốc Anh

Cơ quan công tố Hoàng gia Anh là cơ quan độc lập, thuộc nhánh quyền lực hành pháp, thực hiện chức năng chính là truy tố tội phạm. Hệ thống Cơ quan công tố Hoàng gia Anh bao gồm Cơ quan công tố trung ương, Cơ quan công tố cấp khu vực và các chi nhánh; đứng đầu Cơ quan công tố là Tổng Công tố. Cơ cấu của ngành công tố Hoàng gia Anh là sự kết hợp giữa cơ cấu và tiêu chuẩn quốc gia với yêu cầu của địa phương. Cơ quan công tố được phân chia thành 42 khu vực, mỗi khu vực do một Công tố viên trưởng của Hoàng gia đứng đầu.

Trong giai đoạn điều tra, hầu hết các vụ việc hình sự đều do Cảnh sát đảm trách; Cơ quan công tố Hoàng gia không có quyền kiểm tra công tác quản lý nội bộ của cảnh sát cũng như không được can thiệp vào cách thức thực hiện chức năng của họ. Tuy nhiên hai cơ quan này đều có sự phụ thuộc lẫn nhau. Khi có đủ chứng cứ buộc tội, Cảnh sát có thể lựa chọn một trong những khả năng sau đây để xử lý: Không tiếp tục buộc tội; ra quyết định cảnh cáo; quản lý chặt chẽ kẻ bị tình nghi; buộc tội kẻ vi phạm. Trường hợp Cảnh sát quyết định buộc tội thì phải chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công tố viên để quyết định có truy tố hay không. Nhiệm vụ của Công tố viên là: Tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự do Cơ quan cảnh sát và các cơ quan có thẩm quyền khác khởi tố; khởi tố và tiến hành tố tụng hình sự theo quy định; chỉ dẫn cho Cảnh sát những vấn đề liên quan đến tội phạm hình sự.

Phần lớn các thủ tục tố tụng là do Công tố viên tiến hành. Tuy nhiên tiến trình tố tụng hình sự cũng có thể do cá nhân và các cơ quan truy tố khác tiến hành (Cơ quan chống các tội lừa đảo nghiêm trọng; Cơ quan hải quan, Thuế vụ…); những trường hợp này Công tố viên Hoàng gia có quyền can thiệp khi cần thiết.

Khi tiến hành tố tụng tại phiên toà, Công tố viên Hoàng gia phải thực hiện quyền tự quyết của mình đối với các vấn đề sau: Có khởi tố bị can hay không; có thể tiếp tục tiến hành tố tụng không; việc buộc tội đã đúng pháp luật chưa; đưa ra yêu cầu về cách thức xét xử. Công tố viên phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với việc thẩm tra chứng cứ cũng như việc tiến hành tố tụng tại phiên toà, tiến hành truy tố theo nhiệm vụ của Công tố viên. Tuy nhiên họ lại không có ảnh hưởng trực tiếp đối với sự tuyên phạt của Toà án và không có nghĩa vụ pháp lý là đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo, mà đó là công việc của Toà.

* Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Các Cơ quan công tố của Mỹ thuộc nhánh quyền hành pháp, được phân chia theo cấp bang và liên bang; chức năng cơ bản là truy tố tội phạm.

Ở cấp bang, các Công tố viên tiến hành truy tố các tội phạm xâm phạm pháp luật của bang; quyền hạn và trách nhiệm của các Công tố viên địa phương được phân chia theo cấp quận. Mỗi bang đều có một Tổng chưởng lý; họ có toàn quyền truy tố tất cả các tội phạm theo quy định của pháp luật bang. Đa số các Văn phòng công tố của Mỹ không có các Điều tra viên hình sự. Vì vậy các Công tố viên phải lệ thuộc vào Cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật khác trong quá trình điều tra. Tuy nhiên ở một số thành phố lớn, các Văn phòng công tố cũng có những Thanh tra cảnh sát riêng của mình để tiến hành điều tra. ở cấp liên bang, việc truy tố tội phạm do Chưởng lý liên bang truy tố. Việc điều tra do Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm, trên cơ sở Điều tra viên phải thường xuyên trao đổi với Văn phòng công tố liên bang. Kết thúc điều tra, Công tố viên liên bang sẽ quyết định có truy tố vụ việc ra toà hay không.

Mỗi quận tư pháp liên bang có một Chưởng lý và một hoặc một vài trợ lý. Họ có trách nhiệm truy tố các bị cáo tại các Toà án liên bang quận và các Toà án liên bang khi vụ án được đưa ra xét xử tại một Toà án liên bang. Các Chưởng lý liên bang được Tổng thống bổ nhiệm và Thượng nghị viện

phê chuẩn. Những người được đề cử phải công tác tại quận nơi mà họ được bổ nhiệm và phải là những Luật sư. Các Chưởng lý liên bang có vị trí rất quan trọng để gây ảnh hưởng đến hồ sơ của các Toà án liên bang; họ có sự tham gia quan trọng trong việc hoạch định chính sách tại các Toà án liên bang.

Công tố viên cấp tiểu bang có thẩm quyền truy tố những người bị buộc tội vi phạm các đạo luật hình sự của tiểu bang. Công tố viên cấp này thường được chọn ra từ các quan chức của Hội đồng địa phương. Văn phòng Chưởng lý quận có vài trợ lý; họ là người tham gia hầu hết các công việc thực tế phục vụ việc xét xử. Văn phòng Chưởng lý quận có thẩm quyền tự quyết rộng rãi trong việc giải quyết các vụ án. Tuy nhiên không phải tất cả các vụ án hình sự đều có thời hạn giải quyết và sự chú ý như nhau. Vì vậy một số vụ án bị bãi bỏ, một số khác không bị truy tố một cách mạnh mẽ trước Toà án. Văn phòng Chưởng lý quận có thể chấp nhận lời thú tội của bị cáo để giảm nhẹ lời buộc tội hoặc bỏ qua một số cáo buộc chống lại bị cáo để đổi lại việc khai báo những ngời phạm tội khác hay nhận một số lời cáo buộc khác về tội phạm nhẹ hơn do bên công tố đưa ra.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của Viện Kiểm sát Nhân dân cấp Huyện trong cải cách tư pháp ở nước ta (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)