kiểm sát nhân dân cấp huyện và hoàn thiện chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện
Trong các Chỉ thị, Nghị quyết về cải cách tư pháp, Đảng ta nhìn nhận rất khách quan về một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của công tác tư pháp nói chung và công tác kiểm sát nói riêng "Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là cấp huyện, nhiều nơi trụ sở còn chật chội, phương tiện làm việc vừa thiếu lại vừa lạc hậu". Và đồng thời với việc giao trách nhiệm, Đảng cũng chỉ đạo tạo điều kiện rất nhiều cho hoạt động của VKS. Trong số các nhiệm vụ trọng tâm mà các Nghị quyết xác định có nhiệm vụ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, về chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách đãi ngộ phù hợp cho các cơ quan và cán bộ tư pháp trong đó có VKSND: "Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho các cơ quan tư pháp có đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ, có chế độ chính sách hợp lý với cán bộ tư pháp…" và "Sớm nghiên cứu chế độ bồi dưỡng cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra
viên, Thư ký phiên tòa với mức phụ cấp thoả đáng, phù hợp với chất lượng và khối lượng công việc…". Ngày 28/8/2007, tại phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - Trưởng ban chỉ đạo trong lời phát biểu của mình cũng nhấn mạnh quan điểm cần tăng cường kinh phí cho công việc cải cách tư pháp, tập trung giải quyết nhanh cơ sở vật chất, trụ sở cho các Toà án và VKS nhằm đảm bảo cho công tác xét xử và thể hiện sự uy nghiêm của Toà án.
Thực hiện tinh thần của các Chỉ thị và Nghị quyết trên của Đảng, trong thời gian qua các cấp uỷ, Đảng và chính quyền đã có sự quan tâm đặc biệt đối với các cơ quan tư pháp nói chung, với ngành kiểm sát và các VKS cấp huyện nói riêng. Nhờ đó, cơ sở vật chất và các trang thiết bị làm việc của các cơ quan VKS cấp huyện thành phố Hà Nội đã có sự cải thiện rất rõ rệt. Hầu hết các VKS cấp huyện đã được xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc và mua sắm các thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn. Chính sách đãi ngộ đối với các cán bộ, Kiểm sát viên đã có những bước tiến bộ: Nhà nước chính thức có khoản phụ cấp trách nhiệm cho các cán bộ, Kiểm sát viên trong đó có các cán bộ, Kiểm sát viên VKS cấp huyện, các khoản tiền bồi dưỡng phiên toà và khám nghiệm hiện trường, công tác phí cũng được nâng hơn theo thời giá…Nhờ đó, điều kiện làm việc cũng như đời sống của cán bộ kiểm sát cấp huyện phần nào được cải thiện. Điều đó tạo ra một sự phấn khởi, thoải mái nhất định trong các cán bộ, Kiểm sát viên.
Tuy nhiên, so với thực tế yêu cầu của công tác kiểm sát trong hoàn cảnh hiện nay thì còn nhiều vấn đề khó khăn đặt ra: Một số VKS quận, huyện tại Hà Nội nhất là các quận mới thành lập và các huyện ở xa trung tâm vẫn chưa có được trụ sở làm việc ổn định phải đi thuê; một số khác, trụ sở đã cũ nát, xuống cấp không đảm bảo điều kiện làm việc, không thể hiện tính uy nghi cần có của một cơ quan công quyền; những trang thiết bị có sẵn thì đã cũ kỹ và lạc hậu, những cái mới có thì còn ít, chưa đủ để đáp ứng với nhu cầu;
do nguồn kinh phí hạn hẹp và lại chưa được sự quan tâm đầu tư đúng mức, đúng mục đích nên các sách báo, tạp chí, tài liệu cần thiết phục vụ cho công việc chuyên môn chưa được mua sắm và lưu trữ đầy đủ và khoa học; các tiện nghi phục vụ cho công tác chuyên môn: vi tính, điện thoại, xe công còn chưa được trang bị đầy đủ…So với yêu cầu nhiệm vụ thì chế độ trách nhiệm của các Kiểm sát viên VKS rất nặng nề trong khi đó đồng lương lại thấp, chính sách đãi ngộ chưa thoả đáng cho nên đời sống của cán bộ, Kiểm sát viên còn nhiều khó khăn. Nhiều cán bộ, Kiểm sát viên phải chật vật lo toan cho cuộc sống hàng ngày nên không yên tâm và không nhiệt tình dồn tâm sức cho công tác chuyên môn nên ảnh hưởng một phần đáng kể đến chất lượng công tác.
Do vậy, cần phải có hướng đầu tư và hỗ trợ hơn nữa để đảm bảo cơ sở vật chất và các phương tiện làm việc cho các VKS cấp huyện: xây dựng, nâng cấp các trụ sở làm việc cho các VKS cấp huyện; tăng cường đầu tư và trang bị cơ sở vật chất và các phương tiện để phục vụ công việc; tăng nguồn kinh phí để hoạt động, chi phí cho việc mua sắm các sách báo, tài liệu để nghiên cứu phục vụ công tác nghiệp vụ; VKSNDTC cần chủ động trang bị cho các VKS cấp dưới nhất là cấp huyện các sách, tài liệu pháp luật phục vụ cho công tác chuyên môn…Cần có chính sách tháo gỡ ở tầm vĩ mô nhằm cải thiện chế độ phụ cấp, đãi ngộ thoả đáng tương xứng với khối lượng và tính chất công việc đối với cán bộ kiểm sát.