- Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đã được cải thiện nhiều nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều thủ tục vẫn rất rườm rà và phức tạp, nhất là các thủ tục thẩm định, cấp giấy phép đầu tư kéo dài làm nhiều dự án bị chậm trễ do phải thống nhất ý kiến giữa các bộ ngành. Một số thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng đã gây sốc cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo điều tra của Worldbank, thời gian hoàn tất thủ tục pháp lý kinh doanh tại Việt Nam thường kéo dài tới 230 ngày. Đã có doanh nghiệp hoàn tất thủ tục thuê đất với 40 con dấu và chữ ký. Thậm chí một doanh nghiệp phải mất từ hai đến ba năm, thậm chí lâu hơn để tìm mặt bằng kinh doanh đã trở thành chuyện thường gặp. Theo báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu vừa được công bố, để hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh ở Việt Nam cần 50 ngày, trải qua 3 thủ tục và 6 thủ tục phát sinh đi kèm khác, với chi phí bằng 50% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm. Trong khi đó ở Canada, để thành lập một doanh nghiệp mất ba ngày, qua 2 thủ tục với chi phí bằng 0,9% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm. Còn ở Úc, chỉ mất hai ngày với hai thủ tục và 1,9% thu nhập bình quân đầu người.
- Chi phí đầu tư ở Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Với mức thu nhập ở Hà Nội từ 80 – 350USD/tháng, Thượng Hải 270 – 600USD/tháng, Bangkok 800USD/tháng nhưng chi phí thuê văn phòng ở Hà Nội là 24USD/m2, Thượng Hải 37USD/m2, Bangkok 11USD/m2. Vận tải container 40feet từ cảng gần nhất đến Yokolama ở Hà Nội: 1.300USD, Thượng Hải 700USD, Bangkok 1.200USD.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng đầu tư, nhất là hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, hệ thống điện, nước, những vấn đề môi trường (do bụi, khói xe, nước thải, rác thải, tình trạng ùn tắc giao thông, công nghiệp “bẩn”,…) vẫn tồn tại và là vấn đề nhức nhối không chỉ của nhà đầu tư nước ngoài.
- Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, lực lượng lao động qua đào tạo còn thấp, thiếu nhận thức kinh doanh quản lý và kỹ thuật. Về phía chủ sử dụng lao động chưa thực hiện đúng và đủ những quy định của luật lao động nên thường xẩy ra mâu thuẫn giữa lao động và người sử dụng lao động làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung.
- Công tác quản lý của nhà nước đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều yếu kém, vừa buông lỏng, vừa can thiệp quá sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp có vốn FDI. Trình độ và phẩm chất của cán bộ làm công tác liên quan đến khu vực FDI còn nhiều hạn chế nên còn gây nhiều khó khăn, phiền nhiễu cho nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài chưa thực sự hiệu quả. Công tác quy hoạch thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài còn chậm, chất lượng chưa cao, thiếu cụ thể.
Hoạt động của khu cực FDI trực tiếp tham gia vào giải quyết nhiều vấn đề trọng yếu của nền kinh tế nhưng khu vực kinh tế này còn tồn tại nhiều bất cập cả ở phía nhà đầu tư và phía Việt Nam. Để thành phần kinh tế này có đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thì cần có những cải cách, điều chỉnh hơn nữa về thể chế, cơ chế nói riêng và môi trường đầu tư nói chung cho phù hợp với xu hướng phát triển mới.