Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật được coi là yếu tố đầu tiên thu hút FDI của mỗi nước, nó có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện cơ chế, pháp luật nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút lượng vốn lớn hơn từ bên ngoài phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, cũng chưa phát huy được vai trò của nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn FDI. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của mình.
- Thực hiện triển khai có hiệu quả các luật như: Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật ngân hàng, Luật thuế, Luật sở hữu trí tuệ,...và tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Ban hành các văn bản, thông tư, Nghị định nhằm cụ thể hoá các luật, những văn bản hướng dẫn còn thiếu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hay loại bỏ các điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư theo hướng phù hợp với cam kết của WTO về mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam. Đồng thời đưa ra được các giải pháp đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư liên quan trong trường hợp sửa đổi và điều chỉnh chính sách.
- Để làm tốt công tác phân cấp cấp giấy chứng nhận đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan cần ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp về lộ trình mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài theo cam kết đàm phán gia nhập WTO làm cơ sở xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư. UBND cấp tỉnh cũng cần ban hành các văn bản về quản lý đầu tư nước ngoài trên địa bàn theo hướng minh bạch, rõ ràng về các vấn đề liên quan đến đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thực hiện công khai các văn bản pháp quy về điều kiện đầu tư hay ngành nghề kinh doanh của các bộ, ngành liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
- Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn các luật mới được Quốc hội thông qua liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Trong quá trình thực hiện pháp luật đầu tư, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, nhưng cũng có những doanh nghiệp cố tình làm trái pháp luật đầu tư của Việt Nam. Do vậy, các cơ quan, ban, ngành cần theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật của doanh nghiệp để kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đồng thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm của doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh.
- Đối với những dự án đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi cho người lao động (bệnh viện, trường học, y tế, giáo dục,…), Nhà nước cần có
những chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư. Tuy nhiên, những ưu đãi đó vẫn phải đảm bảo sự tương thích với các quy phạm pháp luật hiện hành.
- Ban hành chính sách khuyến khích tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào việc xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng, cảng biển, giao thông, điện nước, bưu chính viễn thông,.. phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tranh thủ huy động nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt có những chính sách cụ thể để huy động, thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, cần chấm dứt ngay tình trạng ban hành và áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trái với quy định của pháp luật để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp khác và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư quốc tế.