+ Hệ thống pháp luật về đầu tư đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đồng bộ, hay thay đổi và chưa tạo ra được sân chơi bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
+ Hệ thống chính sách pháp luật còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và chậm sửa đổi. Một số văn bản hướng dẫn chậm thi hành đã gây khó khăn cho việc thẩm định, cấp phép đầu tư và thu hút các dự án đầu tư. Nghị định 164 của chính phủ về thuế thu nhập doanh nghiệp là bước tiến mới trong tiến trình xây dựng một mặt bằng pháp lý chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, nhưng quy định mới về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đã làm giảm ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài và nhất là đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất.
+ Các thủ tục hành chính vẫn rườm rà theo hướng "trên lỏng, dưới chặt". Thủ tục thẩm định, cấp giấy phép đầu tư vẫn còn phức tạp, đặc biệt là những dự án lớn thời gian thẩm định dự án còn dài, từ bốn đến năm tháng, thậm chí là một năm.
+ Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính là chủ trương phân cấp, uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư, quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài cho các địa phương và ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương mình quản lý, gây thua thiệt cho địa phương khác. Còn
tồn tại hiện tượng chia nhỏ dự án để thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương sau đó tiến hành tăng vốn hoạt động.
+ Sự phối hợp giải quyết các tranh chấp đất đai, lao động giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, còn tồn tại hiện tượng một bộ phận không nhỏ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư nước ngoài năng lực và phẩm chất đạo đức yếu kém nên còn nhũng nhiễu, hạch sách, gây phiền hà cho doanh nghiệp làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư trong nước, đặc biệt ở lĩnh vực thuế và hải quan.
+ Các cơ quan quản lý nhà nước thường chỉ tập trung vào khâu cấp giấy phép đầu tư còn khâu quản lý sau cấp phép như thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn buông lỏng, xem nhẹ. Các hiện tượng tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát vẫn còn tồn tại khá phổ biến nên tạo ra tác động rất xấu đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
+ Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chưa thực sự hiệu quả, không đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động theo dõi, giám sát tuân thủ các quy định trong bộ luật lao động và những cam kết của chủ đầu tư đối với lao động khi xin cấp phép chưa được theo dõi chặt chẽ, thường xuyên. Số doanh nghiệp có tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên không đáng kể. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức Đảng và Đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Những nguyên nhân chủ yếu của yếu kém.
+ Sự quan tâm của chính quyền chưa đúng mức, có nơi còn buông lỏng, có nơi tư duy kinh tế cũ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ quản lý, chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của FDI.
+ Trình độ, năng lực của một số cán bộ cơ quan nhà nước còn yếu kém, lực lượng còn mỏng. Năng lực giải quyết những thủ tục liên quan đến đầu tư nước ngoài còn yếu cả về chuyên môn và phẩm chất. Hiện tượng tham nhũng, tệ quan liêu vẫn còn tồn tại. Cán bộ làm việc về đầu tư nước ngoài, trong các liên doanh hầu như chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết về đầu tư nước ngoài, trình độ ngoại ngữ yếu kém, am hiểu pháp luật hạn chế, tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình chưa cao,… dẫn đến ban hành chính sách không phù hợp, thiếu đồng bộ.
+ Cơ sở vật chất kỹ thuật cho đầu tư, cho đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới còn thấp nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực.
+ Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trên thế giới trong thu hút FDI làm chúng ta liên tục phải cải thiện chính sách, pháp luật để không bị lạc hậu thì dẫn đến tình trạng chính sách hay thay đổi làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài.
Chương 3: Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.