Những mặt đạt được

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Trang 72)

Việc ban hành Luật đầu tư năm 1996 và năm 2005 là một bước tiến quan trọng trong hoạt động xây dựng pháp luật về đầu tư nói chung và về đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, như: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn thi hành luật kèm theo. Luật đầu tư 2005 xác định việc phân cấp mạnh cho các cấp trong hoạt động quản lý nhà nước, nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính và tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung một số ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao và sử dụng công nghệ thâm dụng lao động. Ngoài ra, luật thuế thu nhập doanh nghiệp mới đã tạo ra môi trường đầu tư cạnh tranh qua việc ban hành mức ưu đãi thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhìn chung, việc ban hành và sửa đổi các văn bản pháp luật mới liên quan đến đầu tư nước ngoài đều hướng vào việc xây dựng sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài

Cơ chế pháp lý về đầu tư tiếp tục được củng cố, mở rộng với việc ký kết hàng loạt hiệp định song phương, đa phương: Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2002 (BTA); sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản năm 2003 với những cam kết thúc đẩy việc tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thuận lợi cho nhà đầu tư; tham gia hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN; tích cực triển khai hoạt động về tự do cho đầu tư và xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ APEC, ASEM; tham gia hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc;…

Hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, nhất là những chính sách liên quan đến tiến trình tự do hoá thương mại, lành mạnh hoá các quan hệ tài chính, tiền tệ đã và đang tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện để đáp ứng được

những đòi hỏi mới của nền kinh tế thị trường. Các chính sách về việc mở cửa theo lộ trình cam kết WTO được thực hiện rất tốt, thậm chí có những lĩnh vực chưa đến thời hạn phải thực hiện nhưng chúng ta đã mở cửa đón nhà đầu tư nước ngoài vào như lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm,… Ngoài ra, việc bỏ thuế chuyển lợi nhuận về nước đã được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao.

Tổ chức và thực hiện hoạt động quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn FDI ở Việt Nam đã dần đi vào nề nếp, hiệu lực quản lý nhà nước không ngừng được nâng cao. Hoạt động phân cấp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI đã được các cấp, các ngành phối hợp thực hiện khá hiệu quả, kể cả trong công tác xây dựng, ban hành pháp luật, chính sách quy hoạch lẫn trong thẩm định dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép kinh doanh và trong việc cùng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động của dự án FDI.

Đầu mối quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài đã được thống nhất bằng việc thành lập cục đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này góp phần đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian cấp phép, quản lý tốt hơn hoạt động của doanh nghiệp FDI và có điều kiện xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh

Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được cải tiến đa dạng về hình thức, kết hợp trong khuôn khổ các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cao cấp Đảng và nhà nước tại những địa bàn trọng điểm: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Thông qua các cuộc hội thảo, tiếp xúc, trao đổi, việc gắn chặt các hoạt động ngoại giao với hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại thể hiện sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp trong hoạt động đầu tư vào Việt Nam.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Trang 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)