Những nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu Giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao tại Cục thuế Hà Nội (Trang 26)

Quy trình và bộ máy quản lý thu thuế của cơ quan thuế.

Để đạt được hiệu quả trong quá trình thu thuế thì sự kết hợp đồng thời giữa các bộ phận trong quá trình thu thuế là rất quan trọng. Mỗi nước đều tổ chức ra một quy trình và bộ máy quản lý thu thuế riêng phù hợp với điều kiện phát triển của nước mình. Cơ quan thuế phải xây dựng được một quy trình thu thuế thu nhập cá nhân riêng, hoàn chỉnh và không ngừng hoàn thiện, đổi mới cho phù hợp với từng thời kì. Các bộ phận trong quá trình hoạt động phải được phân rõ nhiệm vụ, tránh tình trạng chồng chéo nhưng đồng thời cũng phải có mối quan hệ mật thiết, thống nhất, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động để đảm bảo thực hiện quy trình được tốt, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó các phòng, ban trong cơ quan thuế, từ trên xuống dưới cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, hợp lý để tạo điều kiện cho các đối tượng nộp thuế trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình được nhanh chóng, thuận tiện từ khâu đăng kí mã số, kê khai, nộp thuế, giải quyết các vấn đề vướng mắc... Nước ta trong thời gian qua đã không ngừng thực hiện việc cải tiến quy

trình và bộ máy quản lý thu thuế sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta trong thời kỳ đổi mới.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng làm việc của cán bộ thuế

Trong bất kì ngành nào, lĩnh vực nào thì nhân tố con người luôn là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Dựa vào trí tuệ của con người, mọi hoạt động dù lớn hay nhỏ, đơn giản hoặc phức tạp đều có thể thực hiện được. Trong lĩnh vực quản lý nếu không có bộ óc của con người nghiên cứu ra các chính sách, kế hoạch... thì việc quản lý không thực hiện được. Lĩnh vực quản lý thu thuế, vấn đề này càng trở nên quan trọng bởi có nhiều khâu, nhiều công việc không thể dùng máy móc, không thể ứng dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại vào việc giải đáp các vấn đề còn vướng mắc của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, cơ sở vật chất còn kém, phương pháp quản lý còn thủ công, thô sơ. Chính vì vậy, việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các cán bộ thuế là cần thiết, nhất là trong điều kiện kinh tế đang phát triển nhanh như hiện nay, không liên tục cập nhật những kiến thức mới sẽ bị tụt hậu. Các cán bộ thuế còn là người trực tiếp hướng dẫn các đơn vị thực hiện các quy định về thuế, giải đáp các thắc mắc nên cán bộ thuế luôn phải nắm bắt thông tin, hiểu rõ luật thuế, nghiên cứu kỹ các văn bản có liên quan đông thời phải luôn bồi dưỡng nâng cao khả năng nghiệp vụ để giải quyết được mọi tình huống xảy ra trong thực tế

Đối với thuế TNCN, một sắc thuế có tính nhạy cảm cao càng đòi hỏi cán bộ thuế phải có chuyên môn, nghiệp vụ, luôn có tác phong nhã nhặn, xử lý linh hoạt đối với những thắc mắc của đối tượng nộp thuế. Mềm dẻo, linh hoạt nhưng vẫn không trái với quy định của chính sách là yêu cầu không thể thiếu đối với cán bộ quản lý thuế TNCN.

Các phương tiện ngày càng hiện đại thì công việc của con người càng trở nên dễ dàng, thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Công tác quản lý thuế TNCN đặt ra yêu cầu rất cao đối với cơ sở vật chất của ngành thuế: hệ thống máy tính nối mạng, trang thiết bị, nơi làm việc... Tại các nước phát triển, cơ sở vật chất trang bị cho ngành thuế rất hiện đại nên các khâu như: tuyên truyền, hỗ trợ, cấp mã số thuế, quản lý tài khoản của các đối tượng nộp thuế, kiểm tra quyết toán thuế... đều được thực hiện trên máy tính. Do đó hiệu quả công việc rất cao và tránh tình trạng gian lận, trốn thuế. Với một khối lượng giấy tờ rất lớn, việc sử dụng máy tính để lưu trữ giúp cho việc bảo quản, tìm kiếm được thực hiện đơn giản va hiệu quả. Các phần mềm quản lý thuế cũng được ứng dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thuế trong quá trình thực hiện.

Công tác tuyên truyền, giải thích, phổ biến kiến thức về thuế.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, phổ biến kiến thức về thuế, giúp người dân cập nhật kịp thời các thông tin, hiểu rõ các quy định và thực hiện chính thuế, từ đó nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý thuế. Công tác này càng sâu rộng, người dân càng am hiểu kiến thức về thuế, từ đó hỗ trợ cán bộ thuế trong công tác quản lý: cán bộ quản lý sẽ không phải mất thời gian để giải thích cho người dân về các thủ tục và chính sách đơn giản. Các cơ quan thuế cần lập ra một bộ phận chuyên làm công tác tuyên truyền, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn miễn phí cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Từ những buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức về thuế, người dân sẽ không còn thắc mắc và cảm thấy tự hào vì việc nộp thuế là đóng góp cho Ngân sách nhà nước, làm cho đất nước ngày càng phát triển.

Trên đây là những cơ sở lý luận chung nhất về thuế thu nhập cá nhân cũng như về công tác quản lý thu thuế TNCN trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những đặc điểm về kinh tế, xã hội, chính trị khác nhau và việc áp dụng chính sách thuế như thế nào là tuỳ thuộc vào mục tiêu, chiến lược của quốc gia đó. Nền kinh tế Việt Nam chưa phát triển, thực tế nước ta vẫn là một

nước kém phát triển, các điều kiện về kinh tế, chính trị và xã hội không giống các nước khác, do đó những chính sách về thuế nói chung cũng như về thuế TNCN nói riêng cũng có những điểm khác biệt. Việc nghiên cứu những điểm khác biệt đó, những hạn chế của công tác quản lý thu thuế TNCN đối với người có thu nhập cao ở Việt Nam sẽ là căn cứ để hoàn thiện công tác này.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ THU NHẬP CAO TẠI CỤC THUẾ

THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Một phần của tài liệu Giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao tại Cục thuế Hà Nội (Trang 26)