Phương thức tạo độ hẫng

Một phần của tài liệu Một số phương thức tạo hàm ngôn trong sáng tác của nguyễn công hoan (Trang 73)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2.11.Phương thức tạo độ hẫng

Qua khảo sát 37 truyện trong tập Kép Tư Bền thì có tới 29 truyện có kiểu kết thúc bất ngờ, kiểu kết thúc khác xa với những gì người đọc tưởng tượng trước đó. Sở dĩ làm được điều này tác giả đã đi sâu vào các mâu thuẫn tạo ra tiếng cười, dùng “các thủ pháp phóng đại đến cao độ, kết thúc đột ngột,

bất ngờ, thủ pháp “che giấu”, chơi chữ… [14, 28], dùng thủ pháp tăng cấp, đẩy

mạnh kịch tính phát triển đến cao trào rồi kết thúc đột ngột trái với suy nghĩ của người đọc.

Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Thành công của Nguyễn Công Hoan do

nhiều nguyên nhân… nhưng về đại thể, bí quyết chủ yếu vẫn là nghệ thuật dẫn dắt tình tiết sao cho mâu thuẫn trào phúng, tình thế hài hước bật ra ở cuối tác phẩm một cách đột ngột, bất ngờ”. Nguyễn Công Hoan quan niệm: “Viết truyện ngắn không khác gì đánh cá bằng lờ ở chỗ nước chảy… chủ đề câu truyện bao giờ tôi cũng gửi vào câu kết. Câu kết truyện của tôi là một cái lờ. Nó thường làm cho độc giả đột ngột, cũng như đến chỗ hẹp, nước chảy mạnh thì cá bất thình lình bị đẩy tuột vào hom” [Đời viết văn của tôi, 312]. Nhưng

không chỉ có kết thúc trái với suy nghĩ của người đọc mà cách kết thúc đó còn chứa những ý nghĩa khác. Ví dụ:

Ở Thật là phúc, anh Tam bị chú ván cách ức hiếp, hành hạ nên quyết định đi kiện lên quan, bà con lối xóm cũng ủng hộ để mong trừng trị kẻ ác và đòi lại được công bằng cho anh và Người đọc ai cũng chờ công bằng, lẽ phải thuộc về anh Tam và diễn biến câu truyện cũng theo đà đó thúc đẩy tiến triển. Nhưng bất ngờ đột ngột diễn ra: Anh chị Tam không những không được bênh vực mà suýt nữa còn bị ngồi tù!. Bởi lẽ quan xử kiện trong lúc đang chơi bạc, tâm trí quan chỉ để trong ván bạc chứ có quan tâm gì đến những lời thưa trình của anh Tam? Anh Tam từ chỗ là nạn nhân không được bảo vệ mà còn bị quan doạ phạt. Vì tâm lý lo sợ anh đã quên mất lý do chính mình vào cửa quan, anh vội vàng lạy tạ quan lớn để được về nhà.

Câu chuyện thật hài hước, làm chúng ta phải bật cười nhưng cũng thật xót xa cho những thân phận thấp cổ bé họng: Chốn công đường luôn là nơi bênh vực cho kẻ có quyền, có tiền, là nơi mà đạo lý bị chà đạp và là nơi để cho những ông quan có toàn quyền quyết định đúng sai – Đó là dụng ý sâu xa mà tác giả muốn gửi gắm đằng sau những tiếng cười của tác phẩm.

Truyện Xuất giá tòng phu cũng có kiểu kết cấu gây bất ngờ cho người đọc. Từ đầu truyện chúng ta thấy việc làm có lý của ông quan là thuyết phục, ép buộc, đánh đập vợ vì “là vợ mà chồng bảo không nghe. Luân lý ở đâu?

Giáo dục ở đâu?” ông dạy để cho vợ biết nghe lời, nhưng đến cuối cùng mới

vỡ lẽ ra là ông dạy vợ vì vợ không chịu nghe lời đi hầu hạ quan trên để ông chóng được thăng quan tiến chức! Thật mỉa mai cho cách dạy vợ của ông, chúng ta cứ ngỡ ông dạy vợ ông vì điều hay lẽ phải nhưng ngờ đâu ông lại bắt vợ phải làm một việc nhục nhã, bẩn thỉu đến thế.

Để thu hút, lôi kéo độc giả Nguyễn Công Hoan đã “dẫn truyện theo

với suy nghĩ của người đọc, hoặc là trái với nguyên nhân của sự việc” [16, 76],

đánh lạc hướng người đọc như truyện Thầy cáu. Thầy truy tìm thủ phạm đã mang chất thải hôi thối vào lớp ở một lớp học đồng ấu. Cả thầy cả trò vào cuộc mà không tìm ra, thầy phát cáu lên và phạt một thằng học trò vô lễ dám nói không thấy mùi gì. Nhưng bất ngờ xảy ra, chú học trò bị phạt quỳ phát hiện ra “vật quý” thầy đang truy tìm nằm ngay ở giày của thầy! Và kết thúc là một tiếng cười dí dỏm. Nhưng đằng sau đó là một bài học có tính chất như truyện ngụ ngôn, một triết lý được rút ra: có khi chính mình thối mà không nhận ra lại cứ đổ cho người khác. Con người ta có thể đánh giá đúng mọi người, mọi thứ tồn tại bên ngoài mà không thể đánh giá được chính mình.

Nguyễn Công Hoan luôn sử dụng thủ pháp tăng cấp nhằm đẩy tình huống đến đỉnh điểm và kết thúc bất ngờ: “Từ những nụ cười tủm tỉm, độc giả

bỗng cười phá lên vì ngạc nhiên trước cái kết thúc không ai lường trước được”

[16, 89]. Thường thì phép tăng cấp làm cho tính kịch của truyện được tăng cường.

Một phần của tài liệu Một số phương thức tạo hàm ngôn trong sáng tác của nguyễn công hoan (Trang 73)