7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2.10. Phương thức vi phạm phương châm hội thoại
Nguyên lý cộng tác hội thoại khái quát của Grice: Hãy làm cho phần đóng
góp của mình ở giai đoạn mà cuộc hội thoại được xem xét đúng như mục đích hay phương hướng mà cuộc hội thoại đòi hỏi và mình đã chấp nhận tham gia
[2,130].
Trong hội thoại, khi cố ý vi phạm các phương châm (nguyên lý) như: Phương châm về chất, phương châm về lượng, phương châm quan hệ, phương châm cách thức… thì sẽ tạo ra hàm ngôn. Dù là sự vi phạm không cố ý (vì tôn trọng phương châm này mà phải vi phạm phương châm khác) hay cố ý. Người Việt rất tôn trọng phương châm khéo léo, tế nhị trong giao tiếp nên đã đúc kết lại
những thành ngữ, tục ngữ như: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói
cho vừa lòng nhau”; “Lời nói gói vàng”…
* Vi phạm phương châm về chất
Khi vi phạm quy tắc “Làm cho phát ngôn của mình đúng, xác thực, không nói điều gì mình nghĩ là sai hoặc không có bằng chứng liên quan đầy đủ” thì sẽ tạo ý nghĩa hàm ẩn. Kiểu vi phạm này có nhiều trong sáng tác Nguyễn Công Hoan. Ví dụ:
- Anh có bằng lòng kéo tôi giờ nữa không?
- Thưa bà, con đón khách ở ga hay ở nhà chớp bóng thì một cuốc cũng được hai hào chỉ.
(Ngựa người người ngựa) Trong mẩu đối thoại trên đây của bà khách và anh phu xe chúng ta nhận thấy câu trả lời chẳng ăn khớp gì với câu hỏi nhưng vẫn hiểu đó là lời từ chối không kéo thêm giờ cho bà ta.
Điều đáng nói ở đây là anh phu xe nói như vậy nhưng chưa chắc đi đến ga, đến nhà chớp bóng đã có khách và chưa chắc đã kiếm được hào nào. Biết được điều này nên bà khách tiếp tục thuyết phục “Anh đã chắc có khách
chưa? Hay là mật ít ruồi nhiều, rồi dắt xe về không. Anh lại cố kéo tôi giờ nữa, …”. Vậy nên anh phu xe đã vi phạm quy tắc nói năng để tạo ra hàm ý: Tôi đi
kéo ở chỗ khác vừa nhiều khách, vừa đường ngắn, vừa công cao… Tóm lại bao nhiêu là lợi. Còn kéo cho bà thì vất vả, công lại thấp, muốn tôi kéo tiếp thì trả thêm tiền cho xứng đáng với công sức tôi bỏ ra.
Một sự vi phạm khác ở mức độ cao hơn ở ví dụ dưới đây:
- Thưa cụ, tôi hỏi khí không phải, cụ có phải là cụ sinh ra ông chủ tôi không? - Không phải, con vú đây!
…
- Không phải, đấy là mẹ đấy.
(Báo hiếu: Trả nghĩa mẹ) Lời đay nghiến của bà mẹ ông chủ hãng ô tô Con Cọp đã vi phạm phương châm về chất ở chỗ: Nói không đúng sự thật. Bà tự nhận mình là con vú già, vì con trai, con dâu không coi bà là mẹ mà coi như của nợ. Sống với con cái mà bà không khác gì kẻ ăn người ở trong nhà – cũng như những đứa hầu khác bà luôn bị chì chiết, mắng mỏ, bị nói móc máy, thậm chí còn bị đuổi ra khỏi nhà. Nói sai sự thật như vậy, bà đã thể hiện hàm ý rằng: Bà chẳng khác gì con vú ở trong nhà.
Khi bà chủ (con dâu) xuất hiện thì bà lại tiếp tục nói sai: Bà bảo con dâu là mẹ! Với cách nói như vậy bà đã ngầm ý cho người nghe hiểu rằng con dâu bà chẳng coi bà và con trai bà ra gì, là vợ mà giống như là mẹ, là con mà cũng như là mẹ - sự quá quắt của con dâu bà. Đồng thời với hành vi ngôn ngữ là thái độ uất ức, giận dữ của bà cụ, người đối thoại, người đọc cũng nhận ra rằng cô con dâu chẳng coi mẹ chồng ra gì nên mới có sự ấm ức ấy.
* Vi phạm phương châm về lượng
Sự vi phạm này thường diễn ra ở hai khả năng: Phát ngôn thừa thông tin hoặc thiếu thông tin.
Trong truyện cười “Lợn cưới áo mới” thì cả hai anh đều có ý khoe con lợn cưới và cái áo mới mà đã nói thừa thông tin. Trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan cũng có hiện tượng nhân vật nói thừa thông tin để thể hiện một ẩn ý nào đó. Ví dụ:
…May sao, đến đầu phố Hàng Gai, thì gặp một người ăn mặc ra dáng
ăn chơi, đang tất tả cúi đầu đi. Cô ả dử mồi, đánh liều gọi lại, vờ vĩnh hỏi thăm đường. Nhưng khốn nạn, anh chàng này lắc đầu, và cứ rảo cẳng bước đều:
- Tôi không biết, cô hỏi thăm anh xe này cũng được. Tôi còn vội đi mời đốc tờ cho vợ tôi ốm đây!
(Ngựa người người ngựa) Sự hỏi đường của cô ả chẳng liên quan đến việc anh này đi đâu, với mục đích gì nhưng anh ta cứ nói ra là có chủ ý của anh ta. Thứ nhất, nếu anh ta nhận ra đó là kế “dử mồi” của cô gái điếm thì anh ta đã hàm ý từ chối: Tôi đã có vợ, tôi không có ý định trăng hoa đâu, vợ tôi đang ốm, tôi chỉ chăm lo cho cô ấy, tôi còn phải đi lấy thuốc nên cô đừng hỏi lung tung nữa. Thứ hai, nếu anh này hoàn toàn không biết cô ta hỏi với ý định như vậy thì anh ta cũng nói thừa để từ chối cuộc hội thoại tiếp tục diễn tiến: Tôi rất quan tâm đến vợ, tôi đang vội, không thể tiếp tục đứng lại cho cô hỏi được nữa.
Như vậy cách nói thừa hay thiếu thông tin thường mang một hàm ý nào đó. Những hàm ngôn được thể hiện trong đó luôn được người nghe tiếp nhận và xử lý theo hướng có lợi cho cuộc hội thoại. Ví dụ:
- Mày dậy đã, không có phép thế. Chị Cu vừa khóc, vừa rên rỉ:
- Phép thế nào, ông ơi… - Nghĩa là nó là phép thế…
(Người thứ ba)
Ông lý đã nói một câu thiếu thông tin nhưng mang một nội dung ngầm ẩn mà người nghe buộc phải hiểu: “Phép là phép” nghĩa là phép có những quy định riêng của nó, nó là một khuôn mẫu chuẩn mực nào đó mà mọi người nhất thiết phải tuân theo. Trong mỗi trường hợp có những quy định khác nhau, nó không phải là cái gì có thể lôi đích danh ra được. Trong trường hợp cụ thể này thì chị Cu phải hiểu rằng: Phép ở đây là đoạn đường làng đã giao cho ông lý cai quản, ông có quyền cho đi hay không - nhất là việc hệ trọng này có can hệ đến vẻ sạch đẹp của con đường (Đám ma mẹ chị Cu). Những giấy tiền vứt
ra đó ai dọn, lại còn bao nhiêu điều kiêng kị nữa… Tóm lại cái phép mà ông lý đang ám chỉ để bắt chị Cu phải thi hành đó là đút cho ông lý mấy hào. Khi phép này được giải quyết thì cũng là lúc ông lý hạ giọng “nể mặt” cho đưa người chết ra đồng
* Vi phạm phương châm quan hệ
Trong giao tiếp không tuân thủ nguyên tắc “chỉ nói những gì dính líu
đến câu chuyện” sẽ tạo ra sự bất thường về ngữ nghĩa. Sự cố tình vi phạm sẽ
tạo ra hàm ngôn mà Grice gọi là sự vi phạm phương châm quan hệ. Nhiều tác giả coi đây là sự vi phạm quy tắc “nói vào đề”. Ví dụ:
- Khám nghiệm xong, quan truyền lính đuổi cả người tò mò ra xa. Và
trước cảnh thương tâm, ngài ôn tồn hỏi ông Cứu:
- Cái đầm này mỗi năm anh kiếm lợi cả cá lẫn hoa có được đến dăm trăm không?
(Thịt người chết)
Quan huyện Tư Pháp vừa khám nghiệm tử thi chương phềnh của anh Xích xong, quan không nói kết quả khám nghiệm thế nào mà hỏi một câu vu vơ như thế. Cách nói này đã vi phạm phương châm hội thoại một cách có chủ ý. Thực ra đối với ông quan này hỏi han về tài sản của gia đình người bị hại mới là điều đáng quan tâm, còn kết quả khám nghiệm không quan trọng, ông có thể thay đổi được nó cho nên không cần thông báo vội. Điều tra được gia đình này có tài sản kha khá rồi quan mới đưa họ vào thế bí: Một là phải tạ quan, hai là để đốc tờ về mổ xẻ xác chết ra. Vì quá đau đớn nên gia đình người bị nạn chọn lựa cách thứ nhất nhưng cũng bị ngã giá rất khó khăn. Ta thấy rằng một câu nói chẳng liên quan gì việc quan Tư Pháp đang làm đã có một ngầm ý: “Tôi rõ gia tư nhà anh lắm”, muốn được chôn cất con nhanh chóng thì xem anh đối xử với tôi như thế nào. Một ví dụ khác sau đây:
- Ông ơi, tôi hỏi thăm ông, người con gái quấn khăn quàng trắng vào đây ban nãy, nằm ở buồng nào?
- Chả buồng nào có khách cả.
(Ngựa người người ngựa) Người bồi xăm trả lời câu hỏi của anh phu xe có vẻ chẳng ăn nhập gì với nội dung đã hỏi nhưng nó lại là một câu trả lời đầy ý nghĩa, ở trong hoàn cảnh đó anh phu xe không thể không hiểu. Đó là lúc cô ả hết cách trả công cho anh phu xe nên cô ả ghé vào nhà săm để tính bài chuồn. Anh phu xe ngây thơ tin rằng cô ta sẽ vay mượn gì đó hoặc có khách nào rồi và sẽ trả cho anh nên mới đứng chờ. Đến lúc không thể chờ được nữa thì anh gọi cửa nhưng cô ả đã cao chạy xa bay. Trong thời gian chờ đợi lâu như thế, anh phu xe cứ ngỡ cô ta đã kiếm được khách nên không ngờ được. Do vậy mà trong ngữ cảnh này người bồi săm chỉ cần nói như vậy là anh hiểu liền: Không buồng nào có khách thì cô ta không còn ở đây, cũng chẳng có cô nào ở trong đấy đâu, cô ta không có ở buồng nào cả. Anh đã bị lừa!
Mất công toi, anh phu xe đành mệt mỏi quay về. * Vi phạm về cách thức
Cách thức nói phải rõ ràng, tránh tối nghĩa, nói ngắn gọn. Nhưng cách nói sau không tuân theo như vậy:
Lí trưởng cầm tờ giấy ra sáng, đánh vần đọc: - Tên tôi là Nguyễn Văn Pha…
Ông nghị tặc lưỡi:
- Xem thôi mà, đọc to làm gì, văn tự nào không giống nhau”
(Bước đường cùng)
Với lối nói này, ông Nghị đã ngầm ra lệnh cho lý trưởng không được đọc rõ ràng ra kẻo anh Pha nghe thấy và biết được nội dung tờ giấy nợ mà ông Nghị đã cố tình gài bẫy bắt Pha phải gán ruộng.
Nhiều khi cách nói không rõ ràng cũng vi phạm quy tắc nói năng và tạo ra hàm ý. Ví dụ:
…
- Đưa đây
Pha ngơ ngác. Vì chỉ anh nho mới phải đưa giấy cho anh chứ anh có phải đưa gì đâu. Người nho giục:
- Đưa đây rồi mà về.
Rõ ràng anh nho đã dùng HN nhưng Pha không hiểu. Sau khi đóng kiềm xong thì anh nho vừa cầm tờ giấy, vừa chìa bàn tay còn lại ra trước mặt Pha – Cái cử chỉ “rất tự nhiên” ấy ai cũng hiểu, chỉ Pha là không hiểu. Vậy nên anh nho kiềm phải nên tiếng: “Đưa đây”. Anh nho vẫn không nói thẳng ra mà nói lấp lửng như lời gợi ý dần dần cho Pha và cuối cùng anh ta phải nói toạc ra cái ý định từ những cử chỉ, lời nói của mình trước đó đã thể hiện “Bỏ ra ba hào, mau!”
* Vi phạm nguyên tắc lịch sự
Lịch sự là: 1.Có thái độ nhã nhặn, lễ độ khi tiếp xúc, phù hợp với quan
niệm và phép tắc xã giao của xã hội. 2. Đẹp một cách sang và nhã [TĐTV,
Hoàng Phê].
Khi người nói dùng nguyên tắc lịch sự không đúng chỗ đều nhằm thể hiện một hàm ý nào đó. Ví dụ:
- Sinh viết rất chóng. Lúc xong, anh đứng dậy, vênh váo lại gần ông
Sếp và nói:
- Đây, nhờ ông làm ơn cho tôi
(Tôi cũng không hiểu tại làm sao II)
Nghe ra thì câu nói của anh nhân viên bướng bỉnh này có vẻ rất nhã nhặn và lịch sự. Nhưng sự lịch sự ấy được đặt trong một hoàn cảnh không thích hợp, nó mang ý mỉa mai, nói mát. Khi bị ông Sếp bắt bẻ ba lần về bảng
tính của mình, Sinh tức tối vì ông ta quá khắt khe, xép nép. Ông ta lại còn khích cho Sinh nghỉ việc một năm, vì lòng tự trọng bị xúc phạm Sinh thảo đơn xin nghỉ việc ngay lập tức rồi đưa cho ông Sếp. Cách nói dài giọng của Sinh mang hàm ý: Tôi cũng chẳng thiết tha gì công việc, ông cho tôi nghỉ việc cũng là ông làm ơn cho tôi rồi.
Trong truyện Mất cái ví, ông cậu của vợ chồng ông tham cũng có cách nói “lịch sự” tương tự như vậy:
- Tôi không dám, cậu mợ dạy quá lời, tôi đã hiểu cả rồi.
Chẳng phải ông bà tham dạy bảo gì ông cậu mà là ông cậu đang nói mỉa: “Chính các người đang cố ý đổ cho tôi lấy cắp mà còn giả vờ vòng vo mãi”.