Phương thức dùng câu hỏi

Một phần của tài liệu Một số phương thức tạo hàm ngôn trong sáng tác của nguyễn công hoan (Trang 56)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2.6. Phương thức dùng câu hỏi

Trong thực tế khi chúng ta trả lời câu hỏi của người khác bằng một câu hỏi thì chúng ta luôn có ngầm ý phủ định hoặc khẳng định điều mà người nói đề cập đến.

Theo Lê Anh Xuân thì “Trả lời dưới dạng câu nghi vấn gián tiếp thực

hiện hành vi phủ định”(Báo ngôn ngữ và đời sống, số 11, 2001). Tức là

“Những câu trả lời có hình thức là nghi vấn nhưng có nội dung biểu hiện là

không công nhận điều nêu ra trong câu hỏi là có, là đúng theo cách gián tiếp”.

Cách trả lời gián tiếp bằng câu hỏi là một phương thức trả lời linh hoạt, biểu cảm, thường được dùng trong hội thoại.

Dùng một câu hỏi để thay cho câu trả lời mà người khác đã hỏi trước đó là một nghệ thuật né tránh trả lời rồi chuyển một câu hỏi khó, một câu hỏi tương tự về phía đối phương. Ví dụ:

Tiền Ích Khiêm, viên thượng thư bộ Lễ triều đình nhà Minh nhưng đầu hàng nhà Thanh, có người cháu gái sau mãn tang chồng đã tái giá. Gặp cháu ông hỏi móc máy:

“Hai lần đều là cưới, lần trước trống nhạc vang trời còn lần này sao im ắng vậy?”(Theo tục lệ địa phương, trong lần cưới tái giá không có trống nhạc).

Cô cháu gái biết cậu hỏi mỉa nên hỏi lại câu tương tự làm người cậu cúi gầm mặt: “Hai lần cậu đến mừng đám cưới cháu, lần trước cậu mặc áo cổ tròn còn lần này sao lại mặc áo đính móc?”(Y phục quan lại nhà Minh mặc áo cổ tròn; y phục quan lại nhà Thanh mặc áo đính móc).

(Giai thoại dẫn theo Nguyễn Đức Dân) Trong sáng tác Nguyễn Công Hoan thì kiểu dùng câu hỏi để phủ định lại nội dung của câu hỏi đưa ra trước đó là rất phổ biến và nó luôn chứa đựng hàm ý của người nói. Ví dụ:

- Anh nói thực? - Tôi nói dối làm gì?

Câu hỏi lại của anh Đĩ đã trả lời người đầy tớ: Không có lý do gì, không có mục đích gì để tôi nói dối vậy tôi đã nói thật. Vì ông chủ kia đã quen anh Đĩ, đã có lời mời thân mật đến nhà ông chơi nên hôm nay anh Đĩ mới ghé lại. Nhưng anh ngạc nhiên vì cứ bị đuổi, cứ bị cho là điên. Vì ông chủ hôm nọ chỉ tốt, tử tế với anh khi ông ta cần anh giúp đỡ.

Phương thức dùng câu hỏi luôn mang đằng sau nó nội dung thông tin ngoài nghĩa tường minh của câu hỏi, do vậy mà nó mang lại hiệu quả giao tiếp cao như câu hỏi tu từ sau của cô gái điếm:

- Thế cô đi xe tôi từ chín giờ, cô không trả tiền tôi à? - Bây giờ thì tôi biết làm thế nào?

(Ngựa người người ngựa)

Nếu cô ta trả lời thẳng thừng: “Tôi không có để trả anh” thì chắc chắn xung đột giữa cô ta và anh phu xe sẽ xảy ra, có khi đến mức căng thẳng. Nhưng cô đã khéo léo trả lời kiểu ù lì để làm giảm sự tức tối của anh phu xe:

Tôi cũng muốn trả anh nhưng tôi không biết bằng cách nào có thể làm việc đó vì tôi không có tiền. Nói chung cách trả lời của cô dễ gây thiện cảm hơn và

cuối cùng kết quả là anh phu xe đồng ý kéo thêm giờ để cô ta kiếm tiền trả cho anh.

Một ví dụ khác: Mặc kệ chúng bay, tao thương chúng bay nhưng ai

thương tao? (Tinh thần thể dục). Với câu hỏi tu từ này ông lý muốn người

nghe hiểu rằng: Cái lệ nó thế, phép nước nó thế, không tính đến tình cảm được, ai cũng phải thực hiện, kể cả bản thân ông. Ông lý cũng bị bắt làm nhiệm vụ ấy, nếu không thực hiện đầy đủ thì ông bị quan trên quở trách. Vậy nên ông phải làm cho chọn trách nhiệm, không nói đến chuyện thương xót ở đây, mà có thương xót cũng là không công bằng với ông.

Ngoài ra còn dùng câu hỏi để chê trách như ví dụ dưới đây:

Bác Tân nhìn Pha hỏi:

- Tôi nghe chú mới được cái bổng? Pha cười:

- Vâng cái bổng to. Vợ anh chép miệng:

- Vợ chồng tôi trót nghe nhà ông nghị xui dại, thành ra bị cái vạ vịt.

Trong mẩu đối thoại này chúng ta thấy rõ ràng thông tin bác Tân nghe được là Pha bị hại nhưng vẫn hỏi ngược với hàm ý: Sao chú dại thế, được ăn

bổng lộc do nghị Lại bày ra là điều không tưởng, sao lại nghe ông ta mà mang hoạ cho mình? Bác Tân hỏi là để trách cứ, chê bai Pha vì quá nhẹ dạ mà

không biết đâu là tốt đâu là xấu. Do vậy để đáp lại lời chê trách ấy Pha chỉ còn cách pha trò phụ hoạ theo “vâng cái bổng to”.

Hoặc câu hỏi dùng để chửi:

- Câm ngay! Làm gì mà bô bô cái mồm lên thế. Đồ ngu như lợn. Cái

gì thì mua được, chứ cái này mua được à? (Xuất giá tòng phu).

Quan ông sừng sộ chửi vợ và dành cho vợ một câu hỏi tu từ: “cái này”

không thể mua được nên mới cần đến vợ. Đã biết rõ nên bà không đồng ý và phản ứng gay gắt lại làm cho quan ông càng nóng tiết hơn. Ông hỏi nhưng không phải để chờ câu trả lời mà là để chửi vợ “ngu như lợn”.

Với Nguyễn Huy Thiệp thì HN được thể hiện qua giọng điệu lạnh lùng, chua xót, khắc khoải kiểu như: “Bố ơi, đấy có phải là ngậm miệng ăn tiền

không hả bố?”

Kiểu câu hỏi khó, vu vơ của trẻ nhỏ thế này rất khó trả lời. Nhưng từ đó chúng ta có thể nhận ra sức mạnh của đồng tiền đã len lỏi đến tận tâm hồn trẻ thơ. Câu hỏi trong văn Nguyễn Huy Thiệp mang tính triết lý. Còn trong văn Nguyễn Công Hoan thì câu hỏi thường nghiêng về phương diện hiểu biết văn hoá - xã hội, mang tính dân gian nhiều hơn. Hỏi thường là để tránh một câu trả lời cho câu hỏi khác, hoặc để ra lệnh, yêu cầu, từ chối, chấp nhận… Khi đặt nó đúng chỗ nó sẽ phát huy tác dụng to lớn, mang lại cho phát ngôn những ý nghĩa sâu sắc.

Câu hỏi có khi thực hiện một hành vi ngôn ngữ gián tiếp, do vậy ranh giới phân biệt hai phương thức này chỉ là tương đối.

Nói vòng là nói quanh co, không đi thẳng vào vấn đề, là biện pháp tạo sự liên tưởng và suy nghĩ ở người đọc, người nghe. Phát ngôn sử dụng hình thức nói vòng luôn hướng người nghe đến một điều khác ngoài nội dung được nói ra. Trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, phần lớn cách nói vòng đều nhằm mục đích châm biếm, mỉa mai. “Nói A sao để độc giả thấy rằng cái

mà mình nói không phải là A” [5, 427]. Ví dụ:

…Đến đây ông là đại biểu của pháp luật. Ông đã từ người bằng thịt bằng xương biến thành pho tượng bằng sắt đá lạnh lùng.

Vậy đã là sắt là đá, tất không thể cảm được những tiếng khóc lóc ẻo lả của người mẹ mất con, hoặc những tiếng kêu nài mềm yếu của người cha oan uổng. Cảm được sắt đá, duy chỉ có một vật. Vật ấy cố nhiên phải rắn hơn đá. Mà vật ấy, nhà ông Cứu không thiếu. Nó làm bằng loài bạc”.

(Thịt người chết)

Đoạn văn dài ở trên đã không tuân theo cách nói thông thường rằng:

Chỉ cần có bạc thì mới cảm động được ông quan huyện Tư Pháp sắt đá lạnh lùng. Đoạn văn dẫn dắt chặt chẽ, logic làm cho người đọc liên tưởng dần dần

và vỡ lẽ ra ở câu cuối cùng: Bạc có thể cảm động được cả pháp luật.

Trước cái chết đau khổ của con, ông bà Cứu chỉ mong được nhanh chóng chôn cất cho con khỏi chịu cảnh các sinh vật khác vây rỉa nhưng lại gặp một trở ngại: Quan cũng muốn kiếm chác chút lợi lộc từ cái xác chết chương này. Ông quan huyện không chỉ sắt đá, lạnh lùng mà còn là kẻ không còn chút lương tâm của con người trước cái chết thương tâm của đồng loại. Giọng văn có vẻ dửng dưng ấy thấm đẫm chất tố cáo, phê phán của tác giả. Có khi cách nói vòng mang lại sự dí dỏm, hài hước dựa trên sự so sánh tục như ví dụ dưới đây:

Tang vật đó bằng vành khăn đàn bà, cuộn khoanh lù lù trên mặt đất thành một bãi, đầu hình búp măng, màu vàng, mà đứt đuôi là có hơi ngạt, thôi thối…

(Cái lò gạch bí mật). Những nhân vật thích truyện trinh thám, thích làm nhà trinh thám đã vất vả theo dõi vụ án có manh mối từ cái lò gạch ngoài đồng. Mất khá nhiều công sức theo dõi và thuyết phục người khác tin rằng sắp có vụ án xảy ra thật để đề phòng và kết quả thu được thật bất ngờ, khôi hài – như tang vật nêu trên. Người đọc hồi hộp theo dõi truyện cho đến phút chót và bật ra tiếng cười hả hê, sảng khoái nhờ cách kể chuyện tài tình, li kì của tác giả. Nhưng bên cạnh tiếng cười ấy lại là một thông điệp nghiêm túc cho mọi người: Truyện trinh thám đã ảnh hưởng xấu tới biết bao nhiêu người, họ thích suy luận, xét đoán theo những nhà trinh thám và kết quả thật tai hại, nó không những không có ích mà nó chỉ là những trò cười gây thiệt hại cho người khác. Truyện đã phá vỡ giấc mộng làm nhà trinh thám của những người có óc suy nghĩ không thực tế.

2.2.2.8. Phương thức sử dụng hành vi ngôn ngữ gián tiếp

Những phát ngôn trực tiếp là cơ sở để sản sinh ra hiệu lực gián tiếp. Theo Phạm Văn Thấu (Hiệu lực ở lời gián tiếp: cơ chế và sự biểu hiện) thì “Một hành vi ngôn ngữ được gọi là “gián tiếp” khi sự phát ngôn một câu chứa

đựng một dấu hiệu gắn với không phải là hành vi tại lời của câu đã nói mà là một hành vi tại lời khác nằm trong ngữ nghĩa trên bề mặt của câu nói đó” (Báo ngôn ngữ số 1). Có hai mức dùng hành vi ngôn ngữ gián tiếp: Mức thấp là dùng câu hỏi để khẳng định, phủ định…và mức cao là mức độ mà phát ngôn không được đánh dấu bằng các hình thức ngôn ngữ.

Đỗ Hữu Châu định nghĩa cụ thể: Hiện tượng người giao tiếp sử dụng trên

được gọi là hiện tượng sử dụng hành vi ngôn ngữ theo lối gián tiếp. Một hành vi được sử dụng gián tiếp là một hành vi trong đó người nói thực hiện một hành vi ở lời này nhưng nhằm làm cho người nghe dựa vào những hiểu biết ngôn ngữ và ngoài ngôn ngữ chung cho cả hai người, suy ra hiệu lực ở lời của một hành vi khác.

Trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan, hành vi ngôn ngữ gián tiếp được sử dụng đa dạng, có khi là lời đe doạ, có khi gián tiếp chỉ đối tượng khác, có khi gián tiếp thể hiện một nội dung khác ngoài nội dung các nhân vật đang trao đổi. Ví dụ:

- Mợ có đi hay không thì mợ bảo (Xuất giá tòng phu).

Xét về nghĩa tường minh thì đó chỉ là một câu hỏi bình thường với sự lựa chọn thuộc về người nghe nhưng phát ngôn này còn mang một hàm ý khác: Hàm ý đe doạ. Như vậy, nó không còn là hỏi để người nghe trả lời theo sự lựa chọn của mình nữa mà đã có ý: không đi không được, bắt buộc phải đi, không đi thì sẽ bị ăn đòn. Một người Việt bình thường ai cũng hiểu như vậy. Xét trong toàn bộ câu chuyện thì phát ngôn này vừa có tính thuyết phục (mợ nên đi đi) vừa có tính cảnh cáo, ép buộc (Nếu không đi thì hậu quả như thế nào mợ đã biết rồi đấy). Nhờ những hàm ý như vậy mà hiệu lực ở lời gián tiếp rất cao.

Có khi hành vi ngôn ngữ gián tiếp lại nhằm vào một đối tượng khác với đối tượng đang tham gia hội thoại. Ví dụ:

- Mợ khẽ để ông ngủ, đêm qua lủng củng mãi mới chợp mắt đấy. (Mất cái ví)

Ông tham đang điều tra kẻ lấy trộm tiền của mình ngay bên cạnh giường của ông cậu. Cả hai ông bà đang “tra tấn” bọn người ở, nhưng thi thoảng ông tham lại cắt lời và nhắc nhở mọi người để yên cho cậu ngủ. Thực ra ông nhắc nhở vợ nhưng cũng là ngầm ý nhắc cho ông cậu nghe thấy: Chính

cậu là người ăn cắp vì cả đêm cậu cứ lủng củng, thức dậy mãi. Phát ngôn này

không nhằm hướng đến câu chuyện đang diễn ra mà là lời ông tham cố ý để cho người không tham gia hội thoại nghe thấy. Với cách nói như vậy cậu ông tham không thể không chạm lòng và ông tham cũng đạt được mục đích muốn hướng đến.

Như vậy người nói thường sử dụng lời gián tiếp là do tính súc tích, sức bao chứa và tính tiết kiệm: Người ta muốn nói được nhiều hơn cái người ta nói ra. Nhiều khi nó giữ cho không khí giao tiếp hoà bình, lịch sự, hoặc tạo khả năng sáng tạo ngôn ngữ mang lại hiệu quả khôi hài, châm biếm, là phương thức giữ kín, che đậy ý đồ cá nhân: người ta mong muốn nói điều khác với cái người ta đã nói ra.

Nhưng cũng cần chú ý rằng, để nhận diện được hiệu lực ở lời gián tiếp thì trước hết phải nhận biết được hiệu lực ở hành vi trực tiếp.

2.2.2.9. Phương thức vi phạm lẽ thường

Lẽ thường là những chân lý thông thường có tính chất kinh nghiệm được mọi người trong cộng đồng ngôn ngữ thừa nhận, được hình thành trong quá trình sống, quá trình giao tiếp và được tích luỹ, truyền đạt từ lớp này sang lớp khác. Nó là cơ sở để người nói cố ý vi phạm vào các quy tắc giao tiếp và cũng là cơ sở để người nghe ý thức được chỗ vi phạm của người nói… “Các lẽ thường thường thấy ở phong tục tập quán, lối sống, cách ứng xử của cộng đồng” (Lê Bá Miên).

Theo khái niệm trên thì những chân lí, những hiểu biết chung mà mọi người cùng biết đến trong cộng đồng dân tộc nói chung là lẽ thường. Và để tạo hàm ngôn thì những hành vi ngôn ngữ vi phạm lẽ thường vi phạm những chân lí hiển nhiên đó sẽ mang lại ý nghĩa hàm ẩn khác với ý nghĩa được nói ra. Ví dụ:

- Vì mới chết lần này là lần đầu, nên anh Xích chưa có lịch duyệt về

khoản ấy (Thịt người chết).

Vừa đọc lên ta đã thấy sự nghịch lý, mâu thuẫn trong lời văn. “Chết lần đầu?” - theo hiểu biết thông thường thì làm gì có chết lần đầu với lần sau, lần tiếp theo mà chỉ có một lần chết. Vậy tác giả viết như thế là có ý gì? Thì ra đó là một câu trần thuật đầy mỉa mai, giễu cợt dành cho bộ máy quan lại lúc bấy giờ. Từ “sự giả định phi lý để nói tới sự hợp lý về mặt thời gian. Bịa sự

phi lý trong lời văn để nói tới sự phi lý trong quan hệ xã hội” (Trần Đình Sử).

Anh Xích chết chương nổi lềnh bềnh dưới ao vào đúng ngày thứ 7, cho nên anh không được vớt lên mà phải ngâm dưới nước để giữ nguyên “hiện trường” chờ quan Tư Pháp về khám. Khổ nỗi vào ngày thứ 7 quan không làm việc nên xác anh cứ phải chịu cảnh vây rỉa của cá, của quạ, của ruồi nhặng… Chờ được đến lúc chiếc còi toe toe của chiếc xe sang trọng được cất lên ở đầu làng thì xác người chết đã chẳng còn nguyên vẹn và bốc lên một mùi khó chịu. Tác giả như trách cứ nhẹ nhàng đối với người chết: Sao không biết chọn

ngày mà chết cho đỡ khổ, lần sau có chết thì cũng nên học quy tắc chết trước đã! Nhưng thâm ý lại là lời chửi, lời phê phán kịch liệt đối với cái xã hội “chó

đểu” (Vũ Trọng Phụng) – nơi mà mọi giá trị đạo lý bị đè bẹp dưới thế lực của đồng tiền và những ông quan to. Họ không còn chút lương tâm, không đau xót trước cái chết của đồng loại mà ngược lại còn cố tình kéo dài khoảnh khắc đau thương ấy và cố tình gây khó đễ để kiếm chút lợi lộc.

Một ví dụ khác với hành vi ngôn ngữ gián tiếp được thể hiện trong nội dung phát ngôn:

Hôm nay phiên chợ Đồng Xuân mời ông lên chơi chợ… (Mất cái ví).

Một phần của tài liệu Một số phương thức tạo hàm ngôn trong sáng tác của nguyễn công hoan (Trang 56)

w