ĐẬU PHỤ CẮN [1, 152-153]

Một phần của tài liệu Logic trong một số truyện cười dân gian Việt Nam (Trang 43)

- Sợ lúc tôi đòi nợ, mặt anh lại khác bây giờ chăng!

117.ĐẬU PHỤ CẮN [1, 152-153]

Sư cụ xơi thịt cầy vụng ở trong phòng. Chú tiểu biết, hỏi: - Bạch cụ, cụ xơi gì trong ấy ạ?

Sư cụ đáp:

- Tao ăn đậu phụ.

Lúc ấy, có tiếng chó sủa ầm ĩ ngoài cổng chùa. Sư cụ hỏi: - Cái gì ngoài cổng thế?

Chú tiểu đáp:

- Bạch cụ! Đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa đấy ạ!

*Cơ chế gây cười

Truyện gây cười do vi phạm qui tắc hội thoại, cụ thể trong lời nói của chú tiểu vi phạm phương châm về chất. “Đậu phụ là món ăn được chế biến từ đậu tương, được ép thành bánh” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê). Ta thường thấy có đậu phụ cân, đậu phụ thanh chứ không thấy có đậu phụ làng, đậu phụ chùa và càng không thể có “đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa”. Người đọc bật cười vì cách đáp của chú tiểu. Bởi chú tiểu biết chắc sư cụ xơi thịt cầy vụng mà sư cụ lại bảo ăn đậu phụ nên chú tiểu trả lời sư cụ như một sự chấp nhận câu nói của sư cụ. Cả hai nhân vật giao tiếp cùng vi phạm quy tắc hội thoại khi đã trả lời không đúng sự thật – vi phạm phương châm về chất.

*Logic của sự vi phạm

Sự vi phạm các quy tắc hội thoại nêu trên là phi logic so với thực tế khách quan nhưng nó có logic riêng của nó khi đặt trong văn cảnh cụ thể của truyện.

Nhà sư ăn thịt chó song lại nói dối là ăn đậu phụ, nguyên nhân “nhầm lẫn” không phải do nhà sư thiếu kiến thức về “đậu phụ”, “thịt chó”. Sự nhầm lẫn này là cố tình vì bị đặt vào tình huống khó xử của nhà sư. Nói cách khác, nhà sư buộc phải nói dối để cứu vớt danh dự (vì đã trót ăn thịt chó). Vì vậy, lời nói dối của sư cụ là lời chống chế, song là chống chế vụng. Trước sự chống chế bằng những lời lẽ phi logic của nhà sư, chú tiểu đã mặc nhiên thừa nhận sự phi lí ấy và không thắc mắc gì. Sự mặc nhiên thừa nhận này không phải do chú tiểu không hiểu hoặc ngây thơ mà nó mang mục đích khác, mục đích “trả đũa” nhà sư “rởm”. Chú tiểu đã mặc nhiên công nhận “thịt chó” chính là “đậu phụ” để rồi sử dụng sự mặc nhiên công nhận này như một điều đúng đắn, có thật. Chú tiểu đã cố tình gọi con chó đang cắn là “đậu phụ cắn”:

Bạch cụ! Đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa đấy ạ!

Câu nói này lặp lại sự phi logic ở trên, và chính sự mặc nhiên thừa nhận đã phân tích ở trên làm cho câu nói này trở nên có lí, có logic. Hơn nữa, chú tiểu vì muốn nhà sư hiểu đối tượng đang được nói đến là gì và câu chuyện vì thế vẫn tiếp diễn. Sư cụ hiểu điều chú tiểu nói, nhận ra sự mỉa mai của chú. Song sư cụ không thể phản bác lại câu nói phi logic của chú tiểu, vì chính sư cụ đã mặc nhiên công nhận thịt chó là đậu phụ ở câu nói trước. Như vậy, cả hai sự vi phạm của hai nhân vật đều có logic riêng, và chúng tôi tạm gọi là logic mặc nhiên thừa nhận.

Như vậy sự tồn tại của logic mặc nhiên thừa nhận góp phần quan trọng vào việc thể hiện nội dung truyện, giúp cho các sự kiện trong truyện phát triển tự nhiên và mang lại hiệu quả gây cười.

Một phần của tài liệu Logic trong một số truyện cười dân gian Việt Nam (Trang 43)