- Sợ lúc tôi đòi nợ, mặt anh lại khác bây giờ chăng!
29. QUAN SẮP ĐÁNH BỐ [1, 78-79]
Một anh lính lệ tính cương trực, thấy quan huyện làm nhiều điều trái mắt, thường hay chế nhạo. Quan vẫn định bụng trị. Một hôm, có người đến vu cho anh ta ăn tiền ở chợ, quan mừng thầm có dịp báo thù, liền cho đi bắt về.
Anh lính lệ về, dắt cả thằng con đi theo. Quan vừa trông thấy, đập bàn thét:
- Đánh! Đánh! Đánh cho nó chừa cái tật ăn hối lộ đi! Anh lính lệ ngoảnh lại thủng thỉnh bảo con:
- Con đứng lui ra. Quan sắp đánh bố đấy!
Truyện gây cười do vi phạm qui tắc hội thoại, cụ thể anh lính lệ vi phạm phương châm cách thức và chiếu vật trong lời nói trêu tức tên quan huyện. Anh lính vốn có tính cương trực, hay chế nhạo quan, quan định bụng trị và có dịp tốt báo thù. Thế nhưng khi quan hô lính đánh, anh ta lại thủng thỉnh bảo con:
Con đứng lui ra! Quan sắp đánh bố đấy!
Tiếng “bố” trong phát ngôn của anh lính có tính lập lờ, không rõ ràng. Trước hết nó có thể hiểu là thuộc ngôi nhân xưng thứ nhất, xét trong quan hệ với con tức là lời anh ta tự xưng với con anh ta. Những người nghe câu này là tất cả mọi người có mặt ở đó, kể cả quan huyện nên tiếng “bố” xét trong quan hệ với quan huyện có thể hiểu là “bố” quan huyện do câu nói có tiếng “quan” đứng đầu. Câu nói này hết sức lập lờ, tối nghĩa khiến người đọc hiểu theo nhiều cách và bật cười.
*Logic của sự vi phạm
Câu nói tuy vi phạm qui tắc hội thoại và xuất hiện hiện tượng phi logic nhưng đặt trong văn cảnh của câu chuyện những cái sai ấy vẫn có logic riêng tồn tại. Anh lính vốn nói câu đó với con mình để bảo con đứng lui ra khi quan sắp đánh mình. Hiểu theo cách thông thường câu nói này hoàn toàn không có gì ngoài câu nói của một người cha đối với một đứa con và sự thật đúng là anh ta sắp bị quan đánh. Thế nhưng, người lính tính cương trực hay chế nhạo quan này lại dựa vào cách nói lập lờ bởi từ “bố” với ý “bố quan” mà không hề phải chịu trách nhiệm về lời mình nói. Người đọc, người nghe có thể hiểu theo hai cách và thường người ta hiểu “bố” là bố của quan. Câu nói vi phạm qui tắc hội thoại ở đây vì thế có logic riêng – logic lập lờ. Sự có lí và phi lí tồn tại ngay trong một phát ngôn là hiệu quả tất yếu của loại logic này. Tiếng cười được bật ra. Qua đó, ta thấy được sự thông minh, nhanh nhạy của người lính lệ. Quan chưa trả thù được anh ta còn bị anh giáng một đòn mạnh.