2. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC
2.4. Những biện pháp nhằm tích cực hóa dạy học
2.4.1. Cá nhân hóa dạy học
Tổ chức hoạt động học tập cho HS theo cá nhân hóa người GV cần phân công nhiệm vụ học tập và giao cho HS bằng những bài tập nhỏ sao cho phù hợp với trình độ của cá nhân HS. Bởi vì trong môi trường học tập của trường lớp được tổ chức dạy học theo các chương trình chung nhằm đáp ứng cho việc đánh giá theo những
mục tiêu chung vì vậy mà người GV cũng cần lưu ý đến sở thích và năng lực của HS để giúp đỡ, giám sát quá trình tiếp thu kiến thức của HS
Cá nhân hóa dạy học là biện pháp chiến lược nhằm thỏa mãn tối đa hóa bản chất và quy luật của học tập: việc học luôn là việc riêng của cá nhân, không ai học thay được ai được, ai muốn được cái gì thì người ấy phải tự làm lấy, nhưng cũng không chỉ riêng ai đó phải học, ai cũng cần phải học và giáo viên có trách nhiệm dạy cho tất cả HS của mình học tập.
2.4.2. Phân hóa nội dung chương trình học
Trong quá trình dạy học nội dung dạy học là một thành tố quan trọng từ đó giúp cho sự đánh giá được kết quả người học, xét theo qui mô rộng thì nội dung chương trình học có thể chia thành những môn học bắt buộc, môn học tự chọn và những môn học ngoại khóa. Còn ở qui mô hẹp, khi giảng dạy một môn học, người giáo viên có thể phân chia nội dung thành nhiều phần nhỏ tùy vào hệ thống mục tiêu cần đạt được của môn học và sở trường của người học: phần nào GV giảng, phần nào HS tự nghiên cứu hoặc thực hành tham quan. Tổ chức cho HS tự làm việc, hoặc thảo luận theo nhóm, rồi trả lời câu hỏi, hoặc giải bài tập để chứng minh rằng đã lĩnh hội được môn học. Giải pháp này cho thấy, HS lần lượt giải quyết từng phần nội dung mà không cảm thấy nặng nề quá tải, trái lại còn thích thú và tự thỏa mãn vì nghĩ rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ học tập.
2.4.3. Tích hợp dạy học
Bao gồm việc kết hợp một số môn học, hoặc một số nội dung bộ phận lại với nhau, tạo thành hệ thống môn học mới, giúp giảm nhẹ tính giàn trải của chương trình truyền thống, sao cho phù hợp với khả năng học tập của học sinh. Trong quá trình thiết kế chương trình tích hợp cần chú ý đến sự phân hóa trình độ nhận thức của người học, chương trình chuẩn phù hợp với trình độ nhận thức của phần đông người học và phải nâng cao đáp ứng nhu cầu, năng lực cá nhân của đối tượng khá- giỏi. Tích hợp dạy học cần chú ý đến tính liên thông giữa các môn học và giữa các cấp học, đảm bảo nguyên tắc kế thừa và phát triển từ các chương trình giáo dục, phù hợp với trình độ phát triển tâm – sinh lý của người học, đảm bảo các mạch kiến thức
xuyên suốt. Tích hợp chương trình của mỗi môn học đều nêu cụ thể những định hướng đổi mới PPDH, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập, chú trọng hơn tới yêu cầu phát triển kỹ năng thực hành – thí nghiệm và liên hệ vận dụng vào thực tiễn.
2.4.4. Dạy học với sự hỗ trợ của phương tiện
Phương tịên dạy học được hiểu là những dụng cụ, máy móc, thiết bị, vật dụng cần thiết cho hoạt động dạy và học, giúp cho quá trình nhận biết, lĩnh hội kiến thức của người học được tốt hơn. Ví dụ: Sách giáo khoa, giáo trình, bảng viết, vật mẫu, vật thật các phương tiện, dụng cụ trang bị trong các phòng thí nghiệm thực hành... Trong quá trình dạy học, các phương tiện dạy học đã hỗ trợ rất nhiều cho công việc của giáo viên và giúp cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách thuận lợi. Có được các phương tiện thích hợp, người giáo viên sẽ phát huy hết năng lực sáng tạo của mình trong công tác giảng dạy, làm cho hoạt động nhận thức của học sinh trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn, tạo ra cho học sinh những tình cảm tốt đẹp với môn học. Ngoài ra với các phương tiện dạy học mới giáo viên có thể rút ngắn được thời gian giảng giải thuyết trình để tập trung hơn vào rèn luyện phương pháp, kĩ năng cho học sinh.