Phải đảm bảo tính giáo dục đồng thời phải tôn trọng sự thật lịch

Một phần của tài liệu Giáo dục lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh trong dạy học Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến năm 1945 lớp 12 trung học phổ thông (Trang 48)

1919 – 1945

2.2.2.Phải đảm bảo tính giáo dục đồng thời phải tôn trọng sự thật lịch

Lịch sử là bản thân cuộc sống mà loài người, dân tộc đã trải qua. Hiện tượng lịch sử là khách quan, chỉ có một nhưng nhân thức lịch sử lại có nhiều, tuỳ theo lợi ích mà người đó đang đứng dựa trên lập trường của giai cấp nào mà cách nhìn về lịch sử có tính khác biệt. Trong các nhận thức lịch sử khác nhau, chỉ có một nhận thức được coi là khách quan nhất, dựa trên lập trường của giai cấp vô sản và đại đa số nhân dân lao khổ, hướng về một cách nhìn nhiều chiều, công bằng, đó chính là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng cộng sản.

Tính tư tưởng trong dạy học lịch sử cũng như trong nghiên cứu sử học mác xít - lêninnít thể hiện ở việc đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; ở việc góp phần đào tạo thế hệ trẻ theo mục tiêu đã xác định.

Tính tư tưởng thống nhất với tính khoa học trong nghiên cứu cũng như dạy học lịch sử đòi hỏi chúng ta phải bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện quan điểm tư tưởng, phẩm chất đạo đức của người giáo viên lịch sử. Hai mặt tính tư tưởng và tính khoa học không mâu thuẫn với nhau nhưng cần tránh bệnh "công thức", "giáo điều". Khi trình bày cần phải dựa trên hoàn cảnh thực tế, có cách so sánh để có được cách nhìn chuẩn xác nhất. Đồng thời phải có cách trình bày cụ thể, sinh động hấp dẫn để đưa những sự kiện, hiện tượng lịch sử trở nên gần gũi, quen thuộc với học sinh. Do đó, trong dạy học lịch sử nói chung và giáo dục lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, muốn khắc sâu những hình ảnh về Bác, đạo đức, tư tưởng của Bác trong thế hệ trẻ thì điều đầu tiên cần phải tuân thủ là tôn trọng sự thực khách quan, dù là chi tiết nhỏ nhất. Vì nếu không có sự kiện chính xác thì sẽ không có hình ảnh chân thật. Cần để học sinh thấy khâm phục Bác nhưng không thấy xa cách và khó học tập, tránh cường điệu hoá chi tiết ít có ý nghĩa quan trọng khiến học sinh có thái độ hiếu kỳ. Tạo dựng lòng nhiệt huyết của thanh niên về nguyện vọng tha thiết muốn được sống, chiến đấu và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ước vọng muốn được cống hiến công sức cho sự nghiệp dựng xây đất nước…

Đây là nguyên tắc cơ bản, quan trọng bậc nhất của nhận thức lịch sử.

2.2.3. Sự kiện, hiện tượng lịch sử phải được trình bày cụ thể, sinh động hấp dẫn

Như đã trình bày ở trên, trong những yêu cầu khi xác định các biện pháp giáo dục khi tiến hành giáo dục lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh THPT nói riêng và tiến hành giảng dạy kiến thức bộ môn nói chung thì một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng trong quá trình tiến hành là các sự kiện, hiện tượng lịch sử phải được trình bày cụ thể, sinh động hấp dẫn.

Trước hết, một bài học lịch sử có ấn tượng hay không, các sự kiện, hiện tượng lịch sử có được trình bày sinh động, có cảm xúc và gây ấn tượng mạnh cho học sinh hay không đều phụ thuộc vào lời nói của giáo viên. Lời nói của giáo viên với ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm, giàu hình ảnh, sẽ dẫn dắt học sinh trở về với quá khứ của lịch sử, tạo được biểu tượng rõ ràng, cụ thể về một nhân vật, một biến cố, hiện tượng lịch sử…. Nó còn giúp học sinh biết suy nghĩ, tìm tòi, rút ra kết luận, hình thành khái niệm, nhằm tìm hiểu bản chất sự vật, hiện tượng, quy luật phát triển lịch sử. Thông qua việc tiến hành tường thuật, miêu tả, nêu đặc điểm và giải thích, việc sử dụng lời nói trong dạy học là một trong những cách tiết kiệm thời gian nhất để truyền thụ kiến thức, những bài học kinh nghiệm của quá khứ. Bên cạnh đó, với lời nói nhiệt tâm, chân thành, xuất phát từ chính những cung bậc cảm xúc của người dạy còn có tác dụng sâu sắc đến tình cảm hình thành tư tưởng cho học sinh, khơi gợi lòng yêu nước, chí căm thù, tinh thần lao động sáng tạo của học sinh.

Ví dụ: Khi trình bày về tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, giáo viên có thể sử dụng đoạn trích sau để miêu tả: "Công lí được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cái cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ti, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội và nhất là người vô tội" [14, tr.37]

Với cách miêu tả trên đã lột tả được bản chất tàn độc của kẻ đi xâm lược - Pháp đối với nhân dân An Nam. Và đã khắc hoạ sinh động hình ảnh trên trong tâm trí học sinh.

Bên cạnh việc sử dụng lời nói, để có thể trình bày các sự kiện, hiện tượng lịch sử sinh động, cụ thể thì đóng góp quan trọng không kém trong quá trình giảng dạy là việc sử dụng tài liệu sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo khác như tài liệu lịch sử, văn kiện Đảng và nhà nước, tài liệu văn học. Thông qua những tài liệu trên, các sự kiện, hiện tượng được trình bày cụ thể, có biểu tượng rõ ràng, có hình ảnh nhằm tăng thêm tính chất sinh động, gợi cảm của bài giảng và gây hứng thú cho việc học tập của các em. Những đoạn trích ngắn, có nội dung súc tích, đơn giản, giàu hình tượng giúp học sinh có thể tiếp thu kiến thức dễ dàng, nội dung kiến thức được chứng minh rõ ràng, cụ thể, không cần giải thích gì thêm.

Ví dụ : Khi giảng về cuộc sống gian khổ của Bác Hồ trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, người giáo viên đưa vào câu chuyện của mình bài tường thuật nhỏ về một ngày lao động của Nguyễn Ái Quốc trên tàu Latusơ Tơrêvin: "Hằng ngày, Thành phải cọ rửa gian bếp lớn trên tàu sau đó nhóm lò rồi khuân than, kéo những sọt rau quả, thịt cá, nước đá… từ dưới hầm tàu lên. Có lần trong lúc giông bão, Thành đang kéo một sọt nặng trên boong thì một đợt sóng lớn chồm tới, cuốn lấy thân thể mảnh dẻ của anh, và suýt lôi anh xuống biển. Thật may mắn, vào khoảnh khác cuối cùng thì anh bám được vào dây cáp và nhờ đó thoát chết.." [21, tr. 13-16]

Ví dụ: Cũng là để làm rõ hơn tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, giáo viên có thể sử dụng ngay đoạn trích tác phẩm "Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh mà học sinh học trong chương trình Ngữ văn lớp 12 để dẫn chứng: "Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước của ta, chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu…chúng dùng thuốc phiện và rượu cồn để làm nòi giống ta suy nhược"

Như vậy, việc sử dụng tài liệu trong dạy học lịch sử là phương tiện cần thiết và quan trọng đối với việc dạy học lịch sử của giáo viên và học sinh. Mỗi loại tài liệu có một vị tró và tác dụng nhất định, nếu sử dụng đúng lúc, đúng chỗ thì hiệu quả sư phạm của nó rất lớn. Trước hết là giúp cho những sự kiện, hiện tượng lịch sử trở nên ấn tượng hơn, khơi gợi được những cảm xúc của học sinh và từ đó, các em có những nhận xét và ấn tượng về bài học lịch sử đang đề cập. Đó là những vấn đề quan trọng trong quá trình dạy học đồng thời cũng là cách thức, là biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn.

2.2.4. Phải phát huy tính tích cực của học sinh

Trên cơ sở quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, về lịch sử, xuất phát từ tình hình nhiệm vụ cách mạng nước ta, Đảng đã đề ra phương châm, nguyên lý giáo dục được tập trung ở ba điểm: "học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lí luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với gia đình và giáo dục xã hội". Trên cơ sở đó, Luật giải phóng dân tộc nước ta cũng xác định yêu cầu đối với phương pháp giáo dục được xem là nguyên tắc chỉ đạo việc dạy học đó là phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh. Đây là vấn đề cơ bản, cốt lõi, là nguyên tắc được quán triệt trong mọi hoạt động, mọi khâu của quá trình giáo dục. Điều này phù hợp với phương pháp dạy học mới của chúng ta hiện nay - lấy học sinh làm trung tâm, học sinh là chủ thể của nhận thức (quá trình học tập), dưới sự hướng dẫn, giáo dục của giáo viên, trong khuôn khổ nhà trường, theo chương trình mục tiêu đã quy định.

Việc phát huy tính tích cực của học sinh trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng xuất phát từ mục tiêu đào tạo, trong đó nổi bật là đào tạo thế hệ trẻ thành người lao động làm chủ nước nhà.

Tuy nhiên, phát huy tính tích cực của học sinh trong quá trình học tập không phải là để các em tự phát, tuỳ tiện mà phải có sự hướng dẫn, giúp đỡ, giáo dục tích cực, hiệu quả của giáo viêm. Vai trò của giáo viên không hề hạn chế phát huy tính tích cực của học sinh mà làm cho hoạt động nhận thức của các em đúng hướng, có kết quả cao. Nói cách khác, học sinh làm chủ thể của quá trình nhận thức, và phải đạt lấy thông qua sự cố gắng của mình, đồng thời giáo viên sẽ làm vai trò là người hướng dẫn, chỉ đạo để học sinh có thể đạt lấy đúng kết quả mong muốn.

Muốn làm được như vây, trong quá trình giảng dạy, người giáo viên cần áp dụng những phương pháp dạy học sinh động, nhuần nhuyễn và phong phú, phù hợp với khả năng nhận thức của đối tượng mình giảng dạy. Tránh việc dạy học kiểu nhồi sọ, giáo điều, biến giáo viên là người truyền thụ kiến thức còn học sinh là người tiếp thu kiến thức một cách thụ động, máy móc. Cần căn cứ vào chức năng, đặc trưng của bộ môn, khai thác nội dung khoá trình để xác định việc phát huy tính tích cực của học sinh trong học tập. Tránh những biện pháp áp đặt, không phù hợp

với bộ môn như giáo viên không trình bày những kiến thức mới cần thiết mà để học sinh đi tìm sự kiện, không tôn trọng ý kiến của học sinh khi lí giải một vấn đề…. Cuối cùng, cần khắc phục, loại trừ những mặt hạn chế, yếu kém trong phương pháp dạy học lịch sử theo lối cũ, mang tính áp đặt. Phương pháp dạy học theo lối cũ hay còn gọi là phương pháp dạy học truyền thống kiểu thầy đọc, trò chép đã tồn tại từ lâu đời do đó quá trình loại bỏ này diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên cần phải hiểu đúng là phải phát huy tính tích cực trong phương pháp dạy học kiểu truyền thống, hạn chế những mặt yếu kém, tiêu cực. Công việc này đòi hỏi một cuộc đấu tranh với bản thân về mặt quan niệm, nhận thức và hành động.

Nhà giáo dục Đức Disterverg đã khẳng định rằng: "Người giáo dục tồi truyền đạt chân lý, người giáo viên giỏi dạy cách tìm ra chân lý" đã khẳng định một lần nữa vai trò quan trọng của việc phát huy tính tích cực cho học sinh trong quá trình dạy học.

Một phần của tài liệu Giáo dục lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh trong dạy học Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến năm 1945 lớp 12 trung học phổ thông (Trang 48)