1919 – 1945
2.1.2. Nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 –
Lịch sử lớp 12 (Chương trình chuẩn) đã quy định việc tìm hiểu lịch sử dân tộc từ năm 19191 - 2000 qua các giai đoạn lịch sử kế tiếp nhau, song có nội dung riêng, đánh dấu bằng mốc mở đầu và các sự kiện quan trọng nổi bật.
Trong giới hạn đề tài chỉ nghiên cứu những nội dung chính của lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 - 1945. Cả khoá trình được chia làm 2 giai đoạn nhỏ
Giai đoạn 1919 - 1930: Phong trào yêu nước cách mạng ở nước ta từ sau chiến tranh thế giới I - Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời
Cuộc khai thác thuộc địa lần 2 (1919-1929) của thực dân Pháp đã làm nền kinh tế và xã hội Việt Nam biến chuyển sâu sắc, tạo cơ sở xã hội, điều kiện chính trị để tiếp thu luồng tư tưởng cách mạng vô sản từ bên ngoài truyền bá vào Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc và một số nhà yêu nước khác đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền bá về Việt Nam, làm chuyển biến phong trào yêu nước chống Pháp từ lập trường tư sản sang lập trường vô sản. Đặc biệt trong phong trào công nhân Việt Nam thời kỳ này do sự tiếp thu tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin đã có sự chuyển biến về chất, từ lập trường yêu nước sang lập trường cộng sản, từ một nhóm người tổ chức lỏng lẻo và từ phát chuyển sang một tổ chức có đường lối, lãnh đạo rõ ràng, đúng đắn. Sự phát triển của phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam dẫn tới sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản đầu tiên ở nước ta Đông Dương cộng sản Đảng (6/1929), An Nam cộng sản Đảng (8/1929), Đông Dương cộng sản liên đoàn (9/1929). Sự xuất hiện của 3 tổ chức cộng sản chứng tỏ phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển vượt bậc, tuy nhiên gây những hạn chế nhất định cho cách mạng bởi sự tranh chấp thành viên, nội bộ cách mạng vuy yếu. Trước tình hình trên, Với cương vị là phái viên Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Cửu Long (Hương Cảng -
Trung Quốc) ngày 6/1/1930. Hội nghị đã hợp nhất các tổ chức thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng. Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX, là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ra đời là điều kiện tiên quyết, là vấn đề cốt tử, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Giai đoạn 1930 - 1945: phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng
Ngay khi mới ra đời, trong cao trào cách mạng 1930-1931 với 2 khẩu hiệu chiến lược "Độc lập dân tộc", "Người cày có ruộng", Đảng đã tập hợp được giai cấp nông dân và công nhân hình thành khối liên minh công - nông, đội quân chủ lực của cách mạng. Kẻ thù đã dìm phong trào trong biển máu nhưng nhờ quần chúng mà Đảng đã vượt qua "khủng bố trắng", phục hồi lực lượng cách mạng từ năm 1932-1935, để tiếp tục xây dựng về chính trị, phát triển về tổ chức, trở thành lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam. Đây là cuộc tập dượt đầu tiên của Đảng và quần chúng nhân dân chuẩn bị cho cách mạng tháng 8/1945.
Cuộc vận động dân chủ 1936-1939 là thời kỳ đấu tranh rộng lớn của quần chúng chống lại bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi quyền tự do, dân chủ, dân sinh, cơm áo, hoà bình. Phong trào diễn ra với hình thức công khai kết hợp với bí mật, hợp pháp kết hợp với bất hợp pháp và đạt được những thắng lợi nhất định. Cao trào đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng ta về vấn đề tập hợp lực lượng dân tộc, vấn đề hình thức đấu tranh.. Đây là cuộc tập dượt lần thứ hai của Đảng và quần chúng nhân dân chuẩn bị cho cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi.
Bước sang giai đoạn 1939-1945, chiến tranh thế giới lần 2 bùng nổ, lôi kéo vào đó là một loạt các nước đế quốc trực tiếp tham chiến và những nước thuộc địa và phụ thuộc cũng bị ảnh hưởng của chiến tranh. Ngày 22/9/1940, Nhật nhảy vào Việt Nam, Pháp - Nhật câu kết với nhau cùng đô hộ nhân dân ta, đẩy nhân dân ta rơi vào tình trạng "một cổ hai tròng". Trước bối cảnh mới, Đảng ta đã có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng được đề ra đầu tiên ở hội nghị trung ương
BCH TW Đảng lần VI (11/1939) dưới sự chủ trì trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; hội nghị BCH TW Đảng lần VII (11/1940) và hoàn chỉnh ở hội nghị BCH TW Đảng lần VIII (5/1941) dưới sự chủ trì trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Qua các hội nghị đã xác định và nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đề ra những biện pháp, chủ trương đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt để thực hiện được nhiệm vụ trên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính phủ và Mặt trận Việt minh, ta đã tiến hành chuẩn bị xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng cho cách mạng tháng 8/1945. Khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), thời cơ cho cách mạng Việt Nam đã tới nhưng chưa chín muồi, Đảng đã ra bản chỉ thị "Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúngta", đồng thời vận động quần chúng nhân dân tiến hành cao trào kháng Nhật cứu nước. Đây là cuộc tập dượt cuối cùng cho Đảng và quần chúng trước cách mạng tháng 8/1945, có tác dụng khiến cho địch rệu rã ở từng bộ phận, là tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám diễn ra thuận lợi.
Chiến tranh thế giới II đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Phát xít Đức, Italia đã bị quân đồng minh đánh bại hoàn toàn, phát xít Nhật đang trong cơn hấp hối. Với sự tham chiến của Liên Xô tại Trung Quốc vào ngày 8/8/1945 và 2 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản tại Hirôshima và Nagaxaki vào ngày 6/8 và 9/8 đã quyết định số phận của tên phát xít cuối cùng. Ngày 15/8/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới II kết thúc. Lúc này bọn Nhật ở Đông Dương như rắn mất đầu, chính phủ bù nhìn thân Nhật Trần Trọng Kim hoang mang, rệu rã. Về phía ta, Đảng và quần chúng nhân dân đã trải qua 3 cuộc tập dượt, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, lực lượng của ta đã được chuẩn bị chu đáo; thời cơ ngàn năm có một cho cách mạng nước ta đã đến, như Hồ Chủ Tịch đã nói: "Lúc này dù có phải hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành độc lập". Trung ương Đảng, chính phủ và chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động quần chúng tiến hành tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8. Từ nông thôn đến thành thị, các đội tự vệ vũ trang kết hợp với lực lượng chính trị, quần chúng nhân dân tiến hành giành chính quyền mau lẹ, khẩn trương. Cách mạng tháng 8 thành công là một quá trình chuẩn bị trong suốt 15 năm nhưng giành được thắng lợi chỉ trong 15 ngày nhanh chóng, ít đổ máu. Cách mạng thắng lợi đã chấm dứt gần
trăm năm đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, hàng nghìn năm tồn tại của chế độ phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, trước hàng nghìn đồng bào, Hồ Chủ Tịch đã đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chính thức mở ra trang sử mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.