2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên
* Vị trí địa lý:
Huyện Từ Liêm có tổng diện tích đất tự nhiên là 7.562,79ha, với dân số 395.618 người phân chia theo 16 đơn vị hành chính, gồm một thị trấn Cầu Diễn và 15 xã: Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Thụy Phương, Liên Mạc, Thượng Cát, Tây Tựu, Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Trung Văn, Mễ Trì, Mỹ Đình, Phú Diễn, Minh Khai, có tiềm năng phát triển thành khu đô thị hiện đại của Hà Nội.
Huyện Từ Liêm nằm ở phía Tây - Tây Bắc của Hà Nội, có vị trí địa lý cụ thể như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Đông Anh (bên tả ngạn sông Hồng); - Phía Nam giáp quận Hà Đông;
- Phía Tây giáp huyện Hoài Đức và huyện Đan Phượng;
- Phía Đông giáp quận Cầu Giấy, quận Tây Hồ và quận Thanh Xuân.
Huyện Từ Liêm tập trung nhiều đầu mối giao thông đường bộ quan trọng có vai trò lớn trong phát triển kinh tế của thủ đô. Hệ thống giao thông huyết mạch do trung ương và thành phố quản lý bao gồm: Đường Nam Thăng Long – Sân bay quốc tế nội bài ( nối trung tâm thủ đô Hà Nội với sân bay quốc tế nội bài); Đường 32 nối Hà Nội – Sơn Tây; Đại lộ Thăng Long chạy qua các xã Mễ Trì, Đại Mỗ, Tây Mỗ đi Hào Lạc; Đoạn đường quốc lộ 6 nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc; Đường 70; Đường 23... Theo quy hoạch phát triển không gian đô thị thủ đô Hà Nội đến năm 2020 thì phần lớn diện tích đất nông nghiệp của Huyện sẽ được thu hồi để xây dựng các khu đô thị, điểm công nghiệp hiện đại và kết cấu hạ tầng cơ sở.
* Địa hình, địa mạo, thổ nhưỡng:
hướng nghiêng theo chiều Tây Bắc – Đông Nam. Cao độ trung bình từ 6 – 6,5m; khu vực có địa hình cao nhất là 8m – 11m nằm ở phía Bắc ven sông Hồng, khu vực có địa hình thấp nhất là những ô trũng, hồ, đầm và vùng phía nam của huyện.
Đây là khu vực có nền địa chất khá ổn định. Tuy nhiên, đất đai phần lớn là đất phù xa mới nên cường độ chịu tải của đất kém, khi đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồi hỏi phải đầu tư xử lý nền móng.
2.1.1.2. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội
Kinh tế của huyện có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm qua, phát triển theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển các lĩnh vực có sử dụng công nghệ cao và ngành nghề sử dụng nhiều lao động, hiệu quả kinh tế lớn, ít làm ảnh hưởng đến môi trường.
Năm 2011, được sự quan tâm của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố Hà Nội cùng với sự nỗ lực, phối kết hợp của các ban ngành đoàn thể, huyện đã thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Kết quả đạt được như sau:
Bảng 2.1: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Từ Liêm năm 2011
ĐVT: tỷ đồng
TT Ngành kinh tế 2011
1 Ngành Công nghiệp – xây dựng 5.594
2 Ngành Thương mại – dịch vụ 4.589
3 Ngành Nông nghiệp 201
Nguồn: UBND huyện Từ Liêm [22]
Năm 2011 cơ cấu kinh tế của Huyện tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tổng giá trị sản xuất năm 2011 của các ngành đạt được là 10.384 tỷ đồng vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện đề ra trong năm là 5,2%. Đồng thời tăng 20% so với năm 2010.
Giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp là 201 tỷ đồng. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp - xây dựng là 5.594tỷ đồng, tăng 743 tỷ đồng so với năm 2010. Giá trị sản xuất của ngành thương mại - dịch vụ là 4.589 tỷ đồng, tăng 227 tỷ đồng so với năm 2010.
Bảng 2.2: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Từ Liêm qua các năm TT Ngành kinh tế
Tỷ lệ %
Cơ cấu qua các năm
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011
1 Công nghiệp – xây dựng 57 67,8 69 58,3 57,2 55 54,5
2 Thương mại – Dịch vụ 25,8 22,5 22,6 33,1 39,9 43,2 44
3 Nông nghiệp 17,2 9,7 8,4 7,5 2,9 1,8 1,5
Nguồn: UBND huyện Từ Liêm [22]
Ngành nông nghiệp
Tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong năm 2011 chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu các ngành kinh tế với 1,5%. Tốc độ tăng giảm dần qua các năm là do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần bởi Nhà nước thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị phục vụ quá trình đô thị hóa. Năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp là 294 tỷ đồng đến năm 2011 chỉ còn 201 tỷ đồng. Công tác khuyến nông tiếp tục được quan tâm, Huyện đã chỉ đạo chuyển đổi 68,6ha đất trồng lúa sang trồng các cây trồng khác ít phụ thuộc vào nguồn nước tại các xã: Trung Văn, Đông Ngạc, Tây Mỗ, Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Xuân Phương. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp không cho hiệu quả cao bằng các ngành khác, nên nhiều hộ gia đình, nhiều lao động đã lựa chọn việc chuyển sang ngành nghề khác thay vì làm nông nghiệp.
Ngành công nghiệp - xây dựng:
Ngành công nghiệp - xây dựng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu các ngành kinh tế, đem lại nguồn thu lớn nhất cho địa phương. Năm 2011, tỷ trọng của ngành công nghiệp chiếm 54,5% tổng giá trị sản xuất. Sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng ngày càng nâng cao. Huyện đang đẩy mạnh xây dựng cụm Công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm giai đoạn 2, đã hoàn thành 70% việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong Cụm công nghiệp, tiến hành đầu tư xây dựng khu phụ trợ và giới thiệu sản phẩm. Trên địa bàn huyện có hai làng nghề được Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống là: làng bún Phú Đô -Mễ Trì và làng may Cổ Nhuế.
Ngành thương mại - dịch vụ:
Huyện đã chỉ đạo tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định các mạng lưới chợ hợp lý, hiệu quả. Triển khai thí điểm việc đầu tư xây dựng chợ theo
phương thức xã hội hóa gắn với giải quyết việc làm cho nông dân như: chợ Cầu Diễn, chợ Canh, chợ Đầu mối Minh Khai, chợ Nhổn, đầu tư xây dựng chợ nông sản Thượng Cát (xã Thượng Cát) trên khuôn viên mới, xây dựng các siêu thị, các trung tâm thương mại…. Các xã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mua bán, thu hút được nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh đa dạng góp phần đẩy nhanh lưu chuyển hàng hóa, không những tạo được nhiều việc làm cho người lao động mà còn làm cho giá trị sản xuất ngành dịch vụ, thương mại tăng không ngừng qua các năm. Chỉ tính riêng năm 2011, tỷ trọng của ngành Thương mại - dịch vụ chiếm 44% tổng giá trị sản xuất. Hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 13 triệu USD, tăng hơn hai lần so với năm 2010, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ mỹ nghệ…Các chương trình xúc tiến thương mại, việc thực hiện chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” được thực hiện tích cực, đạt kết quả tốt. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và công tác chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại được tăng cường, thị trường đảm bảo ổn định. Nhìn chung, tỷ trọng này vẫn còn khá khiêm tốn so với đà phát triển của Huyện.