Khi đã xây dựng được chương trình đào tạo, thì việc tổ chức triển khai, thực hiện chương trình đó sao cho đạt được hiệu quả mong muốn là một vấn đề quan trọng. Các hoạt động này được cho là yếu tố then chốt để hình thành những định hướng cho người học tới nội dung chương trình, và giúp cho người học tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, nội dung của chương trình. Taba (1962) đã nhấn mạnh rằng có lẽ điều quan trọng trước tiên trong việc giúp người học đạt được các mục tiêu học tập của mình đó chính là các hoạt động học tập, nghiên cứu chứ không phải là nội dung của chương trình, các hoạt động học chính là phương tiện để giúp người học đạt được các mục đích học của họ.
Cũng như việc lựa chọn các nội dung chi tiết trong chương trình, thì việc lựa chọn các phương pháp triển khai thực hiện chương trình đào tạo cần dựa trên cơ sở một số tiêu chí như tính giá trị pháp lý, tính khả thi và các tiêu chí khác. Tuy nhiên, các tiêu chí lựa chọn hoạt động triển khai nội dung chương trình đều hướng tới một điều, đó là: “Các hoạt động có thể thực hiện được những gì chúng ta cần làm để đạt được mục đích của khóa học, của chương trình đào tạo hay không”.
Việc lựa chọn hình thức, phương pháp triển khai thực hiện chương trình đào tạo cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, thông qua các hoạt động phù hợp, sinh viên có khả năng áp dụng, phát triển những kiến thức, kỹ năng được học vào thực tiễn công việc và trong cuộc sống.
49
- Khả thi về thời lượng, thời gian cho phép, trình độ đội ngũ giảng viên, các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.
- Tối ưu đối với sinh viên trong quá trình tiếp thu, lĩnh hội và phát triển các nội dung của chương trình.
- Có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên phát triển kỹ năng tư duy và năng lực ý trí.
- Có thể kích thích, tạo động cơ cho sinh viên.
- Có thể tạo cơ hội cho sinh viên thể hiện được nhu cầu thực sự của bản thân và nâng cao sự hứng thú học tập của chính họ trong quá trình học tập.