Đối với TL3:
Giáo trình có ưu điểm là có hệ thống các chủ đề khá đa dạng, gần gũi và phù hợp với nhu cầu các học viên. Số lượng các bài luyện và bài tập vừa phải, đa dạng về kiểu loại, không quá đơn giản, mà cũng không quá khó, tránh được sự nhàm chán cho người học. Các hiện tượng ngữ pháp được chọn lọc kĩ và được sắp xếp thành hệ thống, theo các nhóm.
Giáo trình thuộc trình độ B nhưng khá đơn giản, dung lượng ít. Học viên khi học sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng nhưng khi kết thúc khoá học thì lượng kiến thức thu được chưa đạt đến trình độ B thực sự.
Số lượng từ mới và các chủ đề chưa nhiều, cần được bổ sung thêm các chủ đề để mở rộng vốn từ cho học viên. Cần có thêm bảng từ giúp học viên có thể hệ thống lại các từ đã học. Nếu giáo trình có thêm phần ôn luyện phát âm thì sẽ tốt hơn.
Đối với TL4:
Ưu điểm của giáo trình là có phần ôn luyện phát âm, tuy nhiên phần này quá đơn điệu, dạng bài tập hoàn toàn giống nhau ở mỗi bài học, gây ra sự nhàm chán cho người học.
Trong một số bài có quá nhiều hiện tượng ngữ pháp, khiến cho bài học nặng nề, dễ làm học viên mệt mỏi. Hơn nữa giáo trình nhắc lại một số hiện tượng ngữ pháp ở bậc cơ sở là điều không nên.
Mỗi bài có ít nhất hai bài đọc nhưng lại cùng chủ đề khiến cho số lượng chủ đề của giáo trình ít, không đa dạng. Có ít dạng bài tập và bài luyện. Bài tập phát âm rất đơn điệu, phần tục ngữ không giải thích nghĩa tiếng Việt mà chỉ dịch sang tiếng Anh. Dạng bài tập: sắp xếp lại ý nghĩa của các từ cho đúng (bài học nào cũng có dạng này) thì chỉ những học viên biết tiếng Anh mới làm được. Phần ngữ pháp cũng dạy bằng các ví dụ Việt- Anh. Điều này rất khó so với các học viên không biết hoặc biết ít về tiếng Anh. Hơn nữa, đây là giáo trình thuộc bậc nâng cao, cần chú ý sử dụng chủ yếu tiếng Việt, dùng tiếng Anh nhiều khiến cho những người không biết hoặc biết ít tiếng Anh cảm thấy khó chịu còn những người biết tiếng Anh thì hiểu ngay nhưng cũng sẽ quên rất nhanh vì họ hiểu bằng tiếng Anh chứ không chú ý nhiều đến câu chữ tiếng Việt.
Chúng tôi nghĩ giáo trình này nên chia nhỏ dung lượng một bài. Có thể từ 15 đến 20 bài học để làm phong phú các chủ đề và giảm bớt số lượng các hiện tượng ngữ pháp và từ mới trong một bài. Như thế từ mới cũng sẽ đa dạng hơn, học viên không cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán. Hệ thống các bài luyện và bài tập cần đa dạng và kiểu loại và các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ. Giáo trình không có bài tập nghe và viết luận, cũng ít bài tập nói theo kiểu lập hội thoại hoặc thuyết trình cá nhân.
2.3 Trình độ C