Phân định trình độ ngôn ngữ chủ yếu nhằm phục vụ hoạt động dạy, học tiếng. Do đó, chúng ta phải xác định được phương pháp tiếp cận thích hợp. Cùng với sự phát triển của việc dạy ngoại ngữ trên thế giới, các phương pháp dạy tiếng cũng được nghiên cứu nhiều hơn và ngày càng được cải tiến, có nhiều ưu điểm hơn. Từ chỗ chỉ có phương pháp ngữ pháp – dịch, cho đến nay có khá nhiều phương pháp dạy tiếng khác nhau. Mỗi phương pháp tuy vẫn còn những hạn chế riêng nhưng đã góp phần đáng kể trong việc phát triển hoạt động dạy, học ngoại ngữ và giao lưu quốc tế về mọi mặt. Luận văn này không thể trình bày chi tiết về các phương pháp đó mà chỉ giới thiệu về các phương pháp dạy tiếng hiện nay và lựa chọn phương pháp tiếp cận riêng phục vụ sự phân định trình độ tiếng Việt. Một số phương pháp dạy ngoại ngữ hiện nay, ví dụ:
- Phương pháp ngữ pháp - dịch. Đây là phương pháp ra đời sớm nhất, chú trọng đến các quy tắc ngữ pháp, từ vựng và ngôn ngữ văn bản hơn là ngôn ngữ nói.
- Phương pháp trực tiếp, ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu học sinh ngữ với quan điểm học một ngôn ngữ là để giao tiếp trực tiếp bằng ngôn ngữ đó.
- Phương pháp thực hành có ý thức được đề xuất và sử dụng nhiều ở Nga. Trong dạy và học ngoại ngữ, phương pháp này tập trung vào việc luyện tập thực hành các hoạt động giao tiếp bằng ngoại ngữ với cả 4 kĩ năng là nghe, nói, đọc, viết.
- Phương pháp nghe – nói. Đây là phương pháp tập trung vào khả năng nghe hiểu của thính giác, bằng cách nghe nhiều lần các cấu trúc được dạy sau đó phát triển phản xạ nói. Phương pháp này ra đời khi đã có sự phát triển của các phương tiện kĩ thuật nghe – nhìn hiện đại.
- Phương pháp nghe – nhìn là sự phát triển của phương pháp nghe – nói, với sự kết hợp cả thính giác và thị giác trong việc dạy và học ngoại ngữ. Khi vận dụng phương pháp này trong dạy, học ngoại ngữ, người ta sử dụng triệt để các phương tiện nghe – nhìn như: băng ghi âm, phim, ảnh…nhằm phát triển kĩ năng giao tiếp trự tiếp.
- Phương pháp dạy, học ám thị giúp chúng ta tiếp nhận một ngoại ngữ theo cách thức tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ em. Nó dựa trên nguyên tắc là sự tiếp nhận vô thức và sự phát huy tiềm năng của trí nhớ. Phương pháp này giúp nâng cao được tính chủ động, tích cực và phát huy được khả năng tiềm ẩn của các học viên.
- Phương pháp giao tiếp; việc dạy và học ngoại ngữ ngày càng phát triển với mục đích chính là để giao tiếp. Do đó, phương pháp giao tiếp ra đời nhằm mục đích đó và chú trọng đến việc phát triển năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ. Theo phương pháp này, học viên là đối tượng trung tâm trong lớp học, họ phải phát triển được các kĩ năng ngôn ngữ và tri thức về ngôn ngữ cũng như tri thức về văn hoá xã hội để phát triển khả năng giao tiếp xã hội. Hiện nay, phương pháp này được sử dụng rất rộng rãi.