Đặc điểm lâm sàng của đối tượng nghiên cứu

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CHỈ SỐ LDH, B2M VÀ ALB Ở BỆNH NHÂN U LYMPHO ÁC TÍNH KHÔNG HODGKIN TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG QUÂN ĐỘI 108 (Trang 57)

4.1.2.1. Triệu chứng lâm sàng lúc chẩn đoán

Trong số 90 bệnh nhân nghiên cứu 56,7% có biểu hiện tổn thương tại hạch bao gồm hạch ngoại vi, hạch nội tạng hoặc có cả hạch ngoại vi và nội tạng. Hạch ngoại vi thường to, không đau, mật độ chắc, dính, kém di động. Có 30% bệnh biểu hiện ngoài hạch như ở đường tiêu hóa, gan, mắt, tủy xương... nên bệnh cảnh lâm sàng khi nhập viện là các triệu chứng do dấu hiệu chèn ép như : đau bụng (8,9%), khó thở (3,3%) hoặc các triệu chứng khác như lồi mắt, đau xương... Các bệnh nhân này chỉ được chẩn đoán xác định sau khi có sinh thiết tổn thương. Hội chứng B bao gồm sốt, gầy sút cân, ra mồ hôi trộm chỉ có ở 32,6%. Còn lại đa số BN không có hội chứng B (67,8%) Trong khi đó nghiên cứu của Võ Thị Hồng Hà (2006) [9] thấy tỉ lệ có hạch ngoại vi to khá cao chiếm tới 79,1%, có hội chứng B (47,8%), đau bụng chiếm 16,4% cao hơn nghiên cứu của chúng tôi. Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài như Gordon L.I (2002) [42], Hoffbrand A.V. (1993) [50] cũng có kết quả cao hơn. 4.1.2.2. Vị trí tổn thương

Một số tác giả thường nghiên cứu hạch tổn thương theo vị trí giải phẫu (cổ, nách, bẹn, ổ bụng...) [9], [15], [16]. Ở nghiên cứu của Võ Thị Hồng Hà (2006) [9]: hạch cổ có ở 79% và hạch ổ bụng có ở 41,9%.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tổn thương tại hạch chiếm 56,7% và hay gặp là tổn thương hạch ngoại vi (35,6%), tổn thương ngoài hạch chiếm 30% và hay gặp là tổn thương ở tủy xương (15,5%). Vừa tổn thương hạch và ngoài hạch chiếm 13,3%, trong nhóm này, bệnh nhân có khi gặp cả tổn thương hạch ngoại vi, hạch sâu và ngoài hạch.

Trong nghiên cứu của La Văn Trường (2009) [20], tổn thương ở vùng hạch cổ là 57,5%, vùng bẹn là 38,3%, vùng nách là 21,5%, hạch vùng bụng

(28,5%), quanh động mạch chủ bụng (17,5%). Như vậy nghiên cứu của chúng tôi cũng cho kết quả tương tự với các nghiên cứu khác. Tổn thương hạch sâu chỉ phát hiện được qua các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh trong đó vai trò của siêu âm và chụp cắt lớp vi tính rất quan trọng. Kỹ thuật này không chỉ giúp phát hiện hết các tổn thương mà còn định hướng cho sinh thiết chẩn đoán và xác định chính xác vùng cần chiếu xạ. Tuy nhiên tổn thương hạch sâu cũng trở ngại cho điều trị, vì các vùng hạch này khó xạ trị hơn các vùng hạch nông.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tổn thương ngoài hạch hay gặp là ở tủy xương (15,5%), ống tiêu hóa (5,6%), gan (3,3%) và các vị trí khác(5,6%) tương tự như nghiên cứu của La Văn Trường (2009) [20]: tủy xương (21,5%), gan (10%), ống tiêu hóa (7,5%) nhưng thấp hơn nghiên cứu của Krol A.D.G. (2003)[57]: tủy xương (35%), dạ dày (11%), ống tiêu hóa (7%), gan (6%). Nghiên cứu của Armitage J.O. (2003) [24] thấy tỉ lệ tổn thương ngoài hạch còn khác nhau theo thể mô bệnh học: ở thể nang là 64% (trong đó 42% ở tủy xương, 4% ở ống tiêu hóa), ở loại tế bào mantle là 81% ( trong đó 64% ở tủy xương, 9% ở ống tiêu hóa). Tỷ lệ tổn thương ngoài hạch của chúng tôi thấp hơn các nghiên cứu nước ngoài có thể do cỡ mẫu nghiên cứu nhỏ, phương tiện chẩn đoán của chúng tôi còn thiếu (đa số chưa được sinh thiết tủy, chỉ chọc tủy đồ, chưa sinh thiết gan, chỉ chọc hút bằng kim nhỏ và đặc biệt không có điều kiện để chụp cắt lớp vi tính hàng loạt được). Các kết quả trên cho thấy tổn thương ngoài hạch hay gặp trong bệnh ULAKH do vậy các cơ sở y tế chuyên sâu nên triển khai các kỹ thuật trên một cách rộng rãi để góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh ULAKH.

4.1.2.3. Mô bệnh học

Dựa vào phân loại theo công thức thực hành lâm sàng Working Fomulation (WF) chúng tôi thấy, 3 thể mô bệnh học hay gặp nhất trong nghiên cứu là lan tỏa, tế bào nhỏ nhân khía (WF5 – 26,7%), dạng lan tỏa tế

bào lớn (WF7-24,4%), dạng lan tỏa tế bào lớn và nhỏ (WF6 – 21,1%). Nghiên cứu của Nguyễn Bá Đức (1995) [6], Nguyễn Phi Hùng (2006) [13], La Văn Trường (2009) [20] cũng cho thấy 3 thể mô bệnh học hay gặp nhất là WF5, WF6 và WF7. Tỉ lệ WF5 trong nghiên cứu của chúng tôi (26,7%) cao hơn của Nguyễn Bá Đức (13,4%) nhưng tỉ lệ WF7 lại thấp hơn (24,4% so với 39%). Điều này có thể được giải thích do trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân trên 60 tuổi có tỉ lệ cao hơn của Nguyễn Bá Đức (32,2% so với 15%). Theo các nghiên cứu của các tác giả trong nước như Nguyễn Phi Hùng hay ngoài nước như Carborne (1997) [30] sự phân bố các thể mô bệnh học WF theo nhóm tuổi thấy WF5 gặp nhiều ở lứa tuổi trên 60, trong khi đó WF7 gặp nhiều hơn ở lứa tuổi dưới 60.

4.1.2.4. Giai đoạn bệnh

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 23,3% bệnh nhân bệnh ở giai đoạn I, 30% ở giai đoạn II, 30% ở giai đoạn III và 16,7% ở giai đoạn IV. Các tỷ lệ này cũng rất khác nhau giữa các nghiên cứu. Salven P. (2000) [76] nghiên cứu trên 200 bệnh nhân có kết quả 36% ở giai đoạn I, 25% ở giai đoạn II, 17,5% ở giai đoạn III và 21,5% ở giai đoạn IV. Theo Press O. (2006) [71] nghiên cứu trên 102 bệnh nhân thì giai đoạn II là 4%, giai đoạn III là 34%, giai đoạn IV là 62%. Theo William (2013) [83], 17% bệnh nhân ở giai đoạn I, 23% ở giai đoạn II, 14% ở giai đoạn III, 46% ở giai đoạn IV. Sự khác biệt này có thể giải thích do tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân giữa các nghiên cứu là khác nhau hoặc sự hạn chế của các phương tiện chẩn đoán có thể đã bỏ sót tổn thương và làm giảm sự chính xác trong đánh giá giai đoạn bệnh. Khoảng 5 năm trở lại đây bệnh viện TƯQĐ 108 đã triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại giúp chẩn đoán chính xác hơn giai đoạn bệnh. Nghiên cứu của chúng tôi thấy tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khá cao, tuy nhiên có tới 46,7% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn lan tràn (III + IV) do đa số

người dân chưa có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ mà thường tới bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CHỈ SỐ LDH, B2M VÀ ALB Ở BỆNH NHÂN U LYMPHO ÁC TÍNH KHÔNG HODGKIN TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG QUÂN ĐỘI 108 (Trang 57)