3.1.2.1 Thi đua trên lĩnh vực văn hóa
Trong thời kỳ 1954 – 1964, song song với thi đua sản xuất trong các lĩnh vực kinh tế, thi đua xây dựng nền văn hóa mới cũng rất được nhân dân Thái Nguyên chú trọng.
Thành tích nổi bật nhất về văn hóa thời kỳ này là mạng lưới thông tin văn hóa phát triển mạnh, rộng khắp từ tỉnh xuống đến các huyện, các xã. Hệ thống đài và loa truyền thanh được xây dựng ở tỉnh, huyện và mở rộng đến một số xã vùng thấp. Nhiều công trình văn hóa như rạp chiếu bóng, rạp hát, bãi chiếu bóng ngoài trời đã ra đời. Đến năm 1964, Thái Nguyên đã xây dựng dược hai rạp chiếu bóng ngoài trời, mỗi năm phục vụ hàng chục lượt người xem. Các thư viện của tỉnh được thành lập, sách báo của Đảng đã đến tận những bản làng xa xôi, hẻo lánh, phục vụ đồng bào các dân tộc ít người.
Đầu những năm 60, nhân dân Thái Nguyên đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng bảo tang Việt Bắc ở trung tâm thành phố Thái Nguyên.
Sự phát triển của sự nghiệp văn hóa đã đem ánh sáng văn hóa của Đảng, đem tinh hoa văn hóa của dân tộc đến với mọi người dân Thái Nguyên. Sự nghiệp văn hóa cũng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời
sống tinh thần, nâng cao hiểu biết xã hội và giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa, động viên nhân dân các dân tộc Thái Nguyên hăng hái tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất và bảo vệ tổ quốc.
Từ năm 1965, phòng văn hóa thông tin thành phố Thái Nguyên được thành lập đã xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của thành phố cũng như toàn tỉnh. Năm 1966, giặc Mỹ đánh phá Thái Nguyên rất ác liệt. Cùng với khí thế “tay búa, tay súng”, “tay cày tay súng”, phong trào “tiếng hát át tiếng bom” trở thành phong trào quần chúng rộng khắp mọi nơi từ thôn xóm, khu phố đến hợp tác xã, trường học… Đâu đâu cũng ngân vang lời ca, tiếng hát say sưa, lạc quan, tin tưởng và chiến thắng. Hàng nghìn bài thơ, bài ca dự thi, nhiều bài có nội dung tốt được chọn làm bài phát trên phát thanh, báo chí của tỉnh.
Các hoạt động thông tin, chiếu bóng, truyền thanh cũng rất phát triển. Hệ thống truyền thanh về tới tận các xã, các khu phố, các hợp tác xã…cuộc sống của nhân dân Thái Nguyên trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn vui tươi, lành mạnh, nếp sống văn minh được xây dựng và phát triển.
Thi đua yêu nước trên lĩnh vực văn hóa là thi đua xây dựng nếp sống mới, xây dựng các quan hệ làng xóm theo quan hệ sản xuất mới, hướng tới bình đẳng, hợp tác cùng có lợi trong hợp tác xã xen cư, xen dân tộc. Ở Thái Nguyên, các phong trào này rất được củng cố, nhân dân luôn hòa đồng trong các sinh hoạt, sản xuất, xã hội.
Trong các cuộc vận động thi đua xây dựng con người mới, xã hội mới, mặt trận tổ quốc đã dựa vào các đoàn thể, các cụ phụ lão để tạo bước chuyển biến về văn hóa, xã hội trong mỗi gia đình, làng bản, khu phố, góp phần xây dựng và gìn giữ những thuần phong mĩ tục, những quan hệ truyền thống tốt đẹp trong các dân tộc.
Một trong những khó khăn của phong trào thi đua này là cuộc vận động cải tạo những con người làm nghề mê tín dị đoan như bụt, tào, mo, then…Trong xã hội cũ, khi khoa học chưa phát triển, bụt, tào, mo, then
không chỉ là ông thầy mo chữa bệnh mà còn là người nắm thần quyền, mê hoặc, chế ngự tinh thần của nhân dân. Cải tạo những người làm nghề cúng bói thực chất là cuộc cải tạo tư tưởng, nâng cao nhận thức của đồng bào về thế giới quan, nhân sinh quan…Tuy nhiên, Mặt trận tổ quốc tỉnh Thái Nguyên đã làm rất tốt vai trò lãnh đạp cuộc thi đua này. Mặt trận đã phối hợp với ngành văn hóa, xã hội mở các cuộc trao đổi với những người hành nghề cúng bói, và các cụ phụ lão, động viên mọi người thực hiện các quy ước: bỏ cúng bói, tiết kiệm trong ma chay, cưới xin, xóa bỏ những kiêng kị có hại đến sức khỏe, sản xuất và đoàn kết…Đồng thời, mặt trận tổ chức tuyên truyền trong nhân dân, đưa lương y và các đoàn cán bộ y tế của tỉnh xuống các cơ sở tuyên truyền, chữa bệnh, phòng dịch.
Phong trào thi đua đã ngày một sâu rộng trong nhân dân, đã góp phần làm chuyển biến tư tưởng trong nhân dân, hạn chế nhiều hiện tượng mê tín dị đoan, giảm nhẹ nhiều hủ tục phiền hà.
3.1.2.2 Thi đua trên lĩnh vực giáo dục
Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, 90% dân số Việt Nam mù chữ. Là một tỉnh miền núi, tỷ lệ đó ở Thái Nguyên còn cao hơn. Nhiều dân tộc ít người trong tỉnh 100% mù chữ, khi cách mạng Tháng Tám thành công, nền giáo dục mới hình thành và phát triển. Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện lời kêu gọi “diệt giặc dốt” của Hồ Chí Minh, học văn hóa mới trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, và đạt nhiều thành tích lớn. Đến năm học 1953 – 1954 các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa, lần lượt mở các trường cấp II, trường cấp III Lương Ngọc Quyến đã mở đến lớp 9. Cả 7 huyện đều mở các lớp bình dân học vụ và bổ túc văn hóa, có 1255 lớp, thu hút 29.808 học viên, trong đó có 6.519 học viên là các cán bộ xã.
Thi đua trong lĩnh vực văn hóa ở Thái Nguyên thời kỳ này sôi nổi nhất vẫn là phong trào “bình dân học vụ”. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hưởng ứng mạnh mẽ các chiến dịch “tổng tiến công diệt đốt”, “Điện Biên
Phủ diệt dốt” do đồng chí Tôn Đức Thắng, chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động. [30; 129]
Từ ngày hòa bình lập lại đến năm 1964, phong trào học tập văn hóa của Thái Nguyên tiếp tục phát triển và có những bước tiến mới. Ngành học phổ thông được phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng. Năm 1955, Thái Nguyên có 141 trường phổ thông các cấp với 465 thầy cô giáo và 20. 109 học sinh. Năm 1964 tăng lên đến 331 trường với 2.490 giáo viên, và 68.134 học sinh. So với năm 1955, số trường tăng hơn 2 lần, số giáo viên tăng hơn 5 lần, số học sinh tăng hơn 3 lần. Cả tỉnh có 8 trường cấp III, nhiều hơn năm 1955 là 7 trường. Tỷ lệ học sinh đỗ trong các kỳ thi tốt nghiệp các cấp và thi lên lớp tăng dần, số học sinh đi học Đại học và trung cấp ngày một nhiều hơn.
Năm 1958, để nâng cao kiến thức văn hóa cho các dân tộc ít người, Thái Nguyên đã mở trường sơ cấp văn hóa miền núi cho 126 học sinh (95 nam và 31 nữ) trong đó có 63 học sinh dân tộc Mán, 14 học sinh dân tộc Trại, 1 học sinh dân tộc H’Mông, 14 học sinh Sán Chỉ, 4 học sinh Cao Lan, 10 học sinh Tày, 20 học sinh Nùng, có 117 học sinh dự thi và đủ điểm lên lớp. [17; 39]
Bên cạnh các trường phổ thông, Thái Nguyên còn mở các trường nội trú, trường vừa học vừa làm, trường thanh niên dân tộc, trường thiếu nhi vùng cao…đón nhận con em các dân tộc vào học để nâng cao trình độ văn hóa và đào tạo cán bộ cho miền núi.
Tuy công tác bình dân học vụ và bổ túc văn hóa phát triển mạnh trong thời kỳ kháng chiến nhưng đến năm 1955, Thái Nguyên vẫn còn có 65.754 người chưa biết đọc, biết viết (chiếm 36% dân số). Do vậy, sau hòa bình, cùng với ngành khoa học phổ thông, ngành bổ túc văn hóa không ngừng được củng cố và phát triển khắp trong toàn tỉnh, nhất là các xã ở các huyện vùng thấp.
Năm 1958, ở Thái Nguyên có phong trào bổ túc văn hóa phát triển ở 135 xã, nhiều xã có phong trào tốt như Linh Thông, Đèo De,…thu hút 10.000 người tham gia học tập. Nhờ tổ chức tốt việc học tập văn hóa, đến cuối những năm 50 đầu những năm 60 Thái Nguyên đã thanh toán xong nạn mù chữ. Năm 1962, Thái Nguyên được chính phủ công nhận hoàn thành thanh toán nạn mù chữ với tỷ lệ 92,21%. Năm 1961, Thái Nguyên được nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba về công tác bổ túc văn hóa.
Trong những năm 1954 – 1964 các nhà trường ở Thái Nguyên đã gắn liền việc giảng dạy với thực tế đấu tranh và sản xuất ngoài xã hội. Tỉnh đã thực hiện phương châm giáo dục của Đảng, học đi đôi với hành, nhà trường đã gắn liền với xã hội. Nhà trường của Thái Nguyên đã thực sự trở thành nơi dạy dỗ và đào tạo con em nhân dân lao động các dân tộc thành những nhân tài cho đất nước.
Năm 1964, khi về thăm Thái Nguyên, trước những thành tích to lớn mà nhân dân Thái Nguyên đã giành được trong sự nghiệp giáo dục, Hồ chủ tịch đã nói: “tỉnh ta đã có nhiều trường cấp 2, cấp 3, lại có những trường vừa học vừa làm như Tân Cương, Dương Thành…và những trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa ở Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa,…những trường đó học kết hợp với hành, như thế là rất tốt. Nên củng cố và phát triển tốt những trường như thế để đào tạo cán bộ cho nông thôn”. [17; 40]
Giặc Mỹ đánh phá Thái Nguyên, ngành giáo dục Thái Nguyên đã kịp thời chuyển từ thời bình sang thời chiến, phân tán, xơ tán, di chuyển trường lớp xa những nơi trọng điểm, tổ chức phòng không đánh địch, thực hiện tốt khẩu hiệu “giặc đến thì phòng tranh địch tốt, giặc đi lại dạy và học bình thường”. Chiến tranh càng ác liệt thì phong trào thi đua “Nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước” hơn lúc nào hết trở thành phong trào thi đua của hàng ngàn thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thái Nguyên. Các em đã chuyển hàng nghìn tấn lá xanh và giẻ để ngụy trang trận địa và lau sáng nòng pháo. Hình ảnh hàng ngàn mũ rơm nhấp nhô trên khắp các nẻo đường xóm, thôn, khu phố
buổi sớm mai hoặc lúc hoàng hôn đến lớp, đến trường vừa thể hiện lòng ham học, vừa thể hiện ý chí thắng Mỹ của lớp người tiếp bước cha anh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Lòng quyết tâm, ý chí thắng Mỹ của các em học sinh còn được biểu hiện cụ thể ở phong trào thi đua sôi nổi, khẩn trương đào hào, hạ nền, đắp lũy xung quanh lớp…Bằng sức lực của thầy và trò và sự giúp đỡ của nhân dân, các cơ quan, hàng chục ngàn mét đường hào, hàng ngàn hầm có ngách, có nắp và hầm kèo chữ A, hàng trăm phòng học được hạ nền đắp lũy.
Vì vậy, mặc dù bi địch đánh phá ác liệt nhưng mọi hoạt động dạy và học vẫn được duy trì. Phong trào thi đua “hai tốt” vẫn được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Ba ngành học phổ thông, bổ túc văn hóa, mẫu giáo vẫn được giữ vững và phát triển trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Đội ngũ giáo viên giỏi, học sinh giỏi tăng hơn.
Giặc Mỹ đánh phá ác liệt có tính chất hủy diệt trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, một lần nữa, các trường lại phải xơ tán sang các huyện bạn để dạy và học. Mặc dù vậy, con em nhân dân vẫn học tập bình thường, chất lượng dạy và học vẫn vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Năm 1973, ngành giáo dục Thái Nguyên đã khắc phục khó khăn và hậu quả của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của giặc Mỹ, nhanh chóng khôi phục, ổn định trường lớp, đảm bảo cho các học sinh xơ tán trở về trường cũ học tập…
3.1.2.3 Thi đua trên lĩnh vực y tế
Mặc dù có những bước trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng cho đến năm 1955, ngành y tế Thái Nguyên vẫn còn hết sức nhỏ bé, cả tỉnh chỉ có 6 y, bác sỹ, 36 y tá, và 2 bệnh viện với 100 trường bệnh. Việc khám chữa bệnh mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu của nhân dân. Các loại dịch bệnh còn lan tràn. Trước tình hình đó, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm chỉ đạo phát triển sự nghiệp y tế. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, các cơ sở y tế được tăng cường và mở rộng thêm, phương tiện khám
chữa bệnh ngày càng đầy đủ. Đến năm 1964, Thái Nguyên đã có 11 cơ sở điều trị với 315 giường bệnh, có 11 y, bác sỹ cao cấp, 3 dược sỹ cao cấp, 194 trạm y tế xã với 864 y tế xã…Các cơ sở y tế đã khám cho 131.587 lượt người, điều trị cho 14.020 người, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống.
Song song với công tác chữa bệnh, công tác phòng bệnh cũng được chú ý. Năm 1958, cuộc vận động vệ sinh phòng bệnh được tiến hành rộng rãi trong toàn tỉnh. Cuộc vận động đã đem lại kết quả to lớn là: Hàng vạn chuồng trâu được làm xa nhà, hầu hết các gia đình đều đào giếng nước ăn, và xây hố xí hai ngăn, nhân dân thực hiện 3 sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch, tham gia xây dựng túi thuốc của xóm, xã. Các xã đã có túi thuốc, y tà hoặc vệ sinh viên…Tình trạng ốm đau chữa chạy bằng cúng bái đã giảm nhiều, phong trào bài trừ mê tín dị đoan phát triển mạnh ở các xã miền núi…
Công tác thăm bệnh phát thuốc, tiêm phòng được tiến hành thường xuyên, do đó trong nhiều năm ở Thái Nguyên không xảy ra các dịch bệnh lớn. Đến giữa những năm 60, Thái Nguyên đã hoàn thành công tác diệt bệnh sốt rét lớn nhất miền Bắc. Nhìn chung, nhờ sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh, nhờ sự phát triển của sự nghiệp y tế mà sức khỏe của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã được đảm bảo ngày một tốt hơn.
Những năm 60 của thế kỷ XX, ở Thái Nguyên, hộ đông y ngày càng phát triển mạnh. Năm 1964, hội kết nạp được 100 hội viên mới. Y học dân tộc ngày càng có uy tín, nhân dân Thái Nguyên đã dùng thuốc nam chữa bệnh. Hàng trăm người trước đây làm nghề mê tín dị đoan nay đã tham gia khai thác cây thuốc nam, phát hiện thêm hàng trăm cây thuốc mới để chữa bệnh cho nhân dân và góp phần vào việc biên soạn sách y lý dược liệu.
Mạng lưới y tế tỉnh Thái Nguyên từ năm 1965 phát triển lên một tầm cao mới. Phong trào vệ sinh phòng dịch rất được chú ý trong điều kiện chiến tranh, do đó nhiều năm liền không có dịch bệnh lớn xảy ra. Trong hai đợt chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, ngành y tế đã có rất nhiều đóng góp trong tổ chức huấn luyện các đội cứu thương, cấp cứu. Năm 1966 nguyên
thành phố Thái Nguyên có 45 đội với 405 người, thì năm 1967 có 60 đội với 948 người. Cán bộ y tế luôn sẵn sàng có mặt kịp thời ở những nơi giặc Mỹ bắn phá.
Ngày 30/7/1967, bệnh viện thành phố Thái Nguyên được thành lập, khám chữa bệnh thường xuyên cho nhân dân và cán bộ.