Bộ đội thi đua giết giặc lập công

Một phần của tài liệu Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp (1948 – 1954) (Trang 26)

Sau chiến thắng Việt Bắc, tương quan lực lượng giữa ta và địch có nhiều thay đổi, Pháp gặp nhiều khó khăn và suy yếu. Để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp chuyển từ chiến lược tốc chiến, tốc thắng sang đánh kéo dài. Chúng triệu hồi cao ủy Bôla về nước, cử Pi nhông và Blecdo sang thay với hi vọng sẽ làm xoay chuyển tình hình.

Để cổ vũ phong trào cách mạng khi bước sang một giai đoạn mới, khó khăn hơn, Tháng 6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195 thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương. Sau đó, ngày 11/6/1948, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc với mục đích: diệt giặc đói; diệt giặc dốt; diệt giặc ngoại xâm với cách làm là dựa vào lực lượng và tinh thần của dân để đạt kết quả: dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc. Bác khẳng định thêm rằng thi đua yêu nước trong kháng chiến là thi đua giết giặc, giải phóng đất nước.

Ngay sau khi phong trào thi đua yêu nước được dấy lên trong toàn quốc, toàn thể dân tộc ta đã hăng hái hưởng ứng tích cực phong trào và bước đầu thu được rất nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong quân đội mở phong trào “luyện quân, lập công”, trong công nhân có phong trào “gây cơ sở, phá kỷ lục”, trong nông dân có phong trào “tích cực sản xuất”, trong các cơ quan, đoàn thể có phong trào “kiểm thảo công tác, sửa đổi lề lối làm việc”…Ban đầu, thi đua còn thiếu trọng tâm, động cơ không chính xác như thi đua cốt để giật giải, làm quá sức trong một lúc để lấy thành tích, thi đua không có chương trình, kế hoạch…Nhưng Hồ chủ tịch đã theo dõi và uốn nắn phong trào dần dần trở nên có nề nếp hơn.

Những năm 1948 – 1949, kháng chiến tiến mạnh sang giai đoạn mới, những thắng lợi trong nước và thắng lợi của cách mạng Trung Quốc càng làm cho nhân dân ta tin tưởng và hăng say chiến đấu hơn. Phong trào thi đua ái quốc được đẩy mạnh bằng hai đợt vận động lớn (từ 19/12/1948 đến 19/5/1949 và từ 19/5/1949 đến 1/8/1949) với khẩu hiệu “cơm no, súng tốt, đánh thắng”.[49]

Trong quân đội và dân quân du kích, phong trào “luyện quân lập công” và “rèn cán, chỉnh quân” tiếp tục sôi nổi. Nhiều chiến sỹ đánh mìn và đánh địa lôi xuất hiện.

Bước sang năm 1950, Trung ương Đảng sau khi xem xét tình hình đã quyết định mở các chiến dịch lớn nhằm “quét sạch lực lượng địch ra khỏi biên giới Bắc Bộ”. Để đạt mục đích này, ta quyết định mở chiến dịch Biên Giới, với quyết tâm “thắng một trận lớn”, mở màn chiến dịch Biên Giới là cuộc tiến đánh cứ điểm Đông Khê, ngày 16/9/1950, hai ngày sau, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do Hồ chủ tịch phát động, ban thường vụ tỉnh ủy Thái Nguyên phát động một phong trào thi đua giết giặc lập công lớn mang tên “tuần lễ giết giặc lập công” với mục đích khuyến khích bộ đội, chiến sỹ, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua giết giặc, phải thi đua mới có thêm động lực chiến đấu.

Để cứu nguy cho mặt trận Biên Giới đang bị lung lay, nguy khốn, Pháp phải vội vàng vơ vét lực lượng dự bị ở đồng bằng Bắc Bộ, mở chiến dịch “Phốc” (Phoque – Hải Cẩu), nhằm uy hiếp, xâm phạm các căn cứ địa của ta, kéo chủ lực ta về Thái Nguyên để đỡ đòn cho các binh đoàn của chúng trên biên giới. Mở chiến dịch “Phốc”, thực dân Pháp còn muốn phá ta về kinh tế, chặn cửa ngõ tiếp tế, chi viện của ta cho biên giới.

Thời cơ giết giặc lập công, hưởng ứng “tuần lễ giết giặc lập công” của quân và dân Thái Nguyên đã tới. Ngày 29/9/1950, gần 3000 quân Pháp thuộc 5 tiểu đoàn dự bị có máy bay, tàu chiến yểm trợ, đã bắt đầu mở màn chiến dịch “Phốc”, tấn công thị xã Thái Nguyên theo ba hướng:

- Hướng thứ nhất: lực lượng chính theo quốc lộ 3 đánh lên Thuận Thành, Trung Thành (Phổ Yên – Nam thị xã Thái Nguyên)

- Cánh quân phụ thứ nhất: do 2 tàu chiến, 10 ca nô, ngược sông Cầu đổ bộ lên Hà Châu.

- Cánh quân phụ thứ hai: từ Phúc Yên theo sườn Tam Đảo vượt qua đèo Nhe đánh sang Phúc Thuận (Phổ Yên) rồi kéo ra Thịnh Đức, Thịnh Đán. Đồng thời, chúng dùng lực lượng quân dù đổ bộ xuống Đồng Bẩm (ngày 1/10/1950), phối hợp với quân bộ chiếm thị xã Thái Nguyên.

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 1950, Pháp đã 4 lần tấn công thăm dò vào địa phận Thái Nguyên, hiểu rõ ý đồ địch, quân và dân Thái Nguyên cùng với toàn tỉnh đã có kế hoạch đề phòng, dự kiến trước các tình huống địch đánh lên. Do đó ta hoàn toàn chủ động, bình tĩnh khi các cánh quân của địch kéo vào thị xã.

Dọc đường hành quân, địch đã vấp phải những trận đánh phục kích dữ dội của các lực lượng bộ đôi và dân quân địa phương. Tại Hà Châu (Phú Bình), bộ đội địa phương (C224) phục kích bắn chết 12 tên lính Pháp, 8 tên bị thương, ca nô thì bị hư hại nặng, bọn địch phải dồn lên bờ, co cụm lại rồi lần theo bờ sông Máng vào thị xã.

Các mũi khác của địch cũng phải đương đầu với bộ đội trung đoàn 246, 121, C89 (Đồng Hỷ) chặn đánh. C89 – bộ đội địa phương đã phối hợp với chủ lực tỉnh lập công trong các trận: Cầu Loàng, Thác Huống, diệt gần 200 tên địch và thu nhiều vũ khí, thiết bị. Có thể nói, ngay từ lần hành quân đầu tiên, chiến dịch “Phốc” đã nếm mùi thất bại. [41; 27]

Ngày 1/10/1950, phối hợp với quân dù, địch vào được thị xã, nhưng đã “vườn không nhà trống”. Lũ giặc giùm beng lên rằng đã chiếm được “thủ đô quân sự và chính trị của Việt Minh”. Nhưng chiến tranh nhân dân đã làm cho bọn địch mất ăn, mất ngủ, chúng chẳng những không kéo được chủ lực của ta từ biên giới về mà còn bị lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích của ta tiến công, phá chúng ở các vùng phụ cận thị xã như: Gia Sàng,

Đồng Quang, Lưu Xá. Sỹ quan chỉ huy các cuộc hành quân của địch Êrulin phải thừa nhận: “chúng ta đã rơi vào một khoảng trống rồi”.

Tiếp tục phát triển chiến tranh du kích, thực hiện chỉ thị “luôn luôn bám sát, tiêu diệt địch” và chủ trương “đuổi địch ra khỏi Thái Nguyên”, lực lượng ở các địa phương liên tục tập kích, quấy rối khu vực thị xã, sân bay Đồng Bẩm và các làng phụ cận. Ngày 10/10/1950, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ buộc phải ra lệnh rút quân khỏi thị xã Thái Nguyên. Hai ngày sau, (12/10), địch vội vã rút chạy. Chiến dịch “Phốc” thất bại thảm hại. Thắng lợi của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương đã đập tan chiến dịch “Phốc” của thực dân Pháp, góp phần to lớn vào chiến thắng có ý nghĩa chiến lược của ta trong chiến dịch biên giới 1950.

Với tinh thần thi đua “giết giặc lập công”, giải phóng quê hương, thiết thực chi viện cho chiến dịch Biên Giới, quân và dân Thái Nguyên đã đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần quyết tâm đánh giặc, thi đua giết giặc.

Trong quá trình thi đua mặt trận đã đóng góp vai trò rất to lớn trong việc tuyên truyền đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, thi đua giết giặc, giữ làng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Thái Nguyên đã đánh trên 60 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt gần 600 tên địch, làm bị thương trên 350 tên, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy 3 ca nô, thu 160 súng các loại, phá tan ý đồ đổi Cao Bằng lấy Thái Nguyên của địch.

Nhờ có thi đua mà quân và dân Thái Nguyên đã giết được nhiều giặc Pháp, tinh thần chiến đấu quyết tâm hơn bởi mỗi người dân Thái Nguyên luôn thấu hiểu ý nghĩa lớn lao của cuộc vận động thi đua ái quốc mà Hồ chủ tịch phát động. Thi đua chính là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, không vì mục đích nào khác. Năm 1950 là năm mà Thái Nguyên khẳng định được sức mạnh và khả năng của mình trên các mặt trận, trong nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu ATK, tất cả nhờ việc hưởng ứng tốt phong trào thi đua ái quốc.

Năm 1951, phong trào thi đua có đà mới, tiến lên mạnh mẽ, rầm rộ và sâu rộng. Cùng với thắng lợi quân sự ở biên giới, trong nước có những thắng

lợi chính trị to lớn, làm nức lòng mọi người, đó là Đảng Lao động Việt Nam ra đời, Việt Minh – Liên Việt thống nhất, khối liên minh Việt – Miên – Lào thành lập. Cho nên, đợt thi đua năm 1951 là đợt “sản xuất lập công, đề cao chiến sỹ”. Quân đội thi đua tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta và phát triển du kích chiến tranh. Trên cơ sở cuộc vận động thi đua yêu nước, quân đội ta đã đạt được những thành tích oanh liệt trên mặt trận Sông Đà, đường số 6, ở địch hậu và giải phóng thị xã Hòa Bình. Trong các chiến thắng đó có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân Thái Nguyên.

Ngày 1/5/1952, Đảng và chính phủ mở Đại hội liên hoan chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc. Lần đầu tiên lịch sử nước ta có một cuộc đại hội trọng thể của những người con ưu tú của dân tộc, những người yêu nước, đã cống hiến lớn lao cho tổ quốc. Trong đại hội thi đua yêu nước này, Thái Nguyên cũng có rất nhiều những chiến sỹ thi đua giết giặc lập công được tặng thưởng huân chương chiến sỹ hạng ba như chiến sỹ bộ đội Đào Văn Vọng, chiến sỹ du kích Dương Thị Thì.

Thi đua yêu nước trong quân đội đã nêu cao tinh thần chiến đấu diệt giặc đến giọt máu cuối cùng, tinh thần nghiêm túc và triệt để chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, chấp hành chính sách của chính phủ, hi sinh tất cả cho tổ quốc, cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Bộ đội thi đua khá đều khắp, nhất là sau những cuộc chỉnh huấn. Kết quả rõ trong những trận thắng lợi liên tiếp trước và sau lưng địch”. Phong trào thi đua giết giặc trong quân đội đã trở thành phong trào quần chúng, và như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “tinh thần ấy là do truyền thống mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc ta, do tinh thần đoàn kết kháng chiến của nhân dân ta chung đúc nên. Tinh thần đó do Hồ chủ tịch, do Đảng Tiền phong đã giáo dục cho quân đội”.[49; 10]

Một phần của tài liệu Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp (1948 – 1954) (Trang 26)