3.1.1.1 Thi đua sản xuất trong nông nghiệp
Sau ngày hòa bình lập lại, một trong những yêu cầu cấp bách của miền Bắc và nhân dân Thái Nguyên nói riêng là phải tập chung hoàn thành cải cách ruộng đất. Thực hiện triệt để cuộc cải cách ruộng đất trong điều kiện, hoàn cảnh mới khi đất nước đã hòa bình không chỉ nhằm thực hiện “người cày có ruộng”, mà còn đáp ứng yêu cầu của cuộc khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp sau chiến tranh.
Trong khi cuộc kháng chiến chưa kết thúc, để chuẩn bị cho việc thực hiện triệt để cuộc cách mạng ruộng đất, trung ương Đảng đã chọn Thái Nguyên làm nơi thí điểm giảm tô (1952) và cải cách ruộng đất (1953). Trong điều kiện kháng chiến, mặc dù phạm vi tiến hành giảm tô và cải cách ruộng đất còn hẹp, song những thắng lợi của cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên là nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân dân và bộ đội cả nước trong sản xuất và chiến đấu.
Tiếp tục cuộc vận động thi đua yêu nước, trong nông nghiệp, phong trào áp dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp như cày sâu, bừa kỹ, xử lý giống, cấy nhỏ dảnh, cải tiến công cụ, làm bừa cỏ Nghệ An, làm phân xanh, bón thêm phân phốt phát…đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.
Nhờ tạo được sự đoàn kết, gây được phong trào toàn dân, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã giành được những thắng lợi quan trọng. Đời sống của đại đa số nhân dân trong tỉnh được ổn định, phần nào được cải thiện. Những gia đình nào hoàn cảnh quá khó khăn, mặt trận tổ quốc đã vận động nhân dân tương trợ, giúp nhau hàng chục tấn lương thực. [30; 128]
Phát huy những thắng lợi của cuộc cải cách đã đạt được trong kháng chiến, cuối năm 1954, Thái Nguyên đã tiến hành cải cách ruộng đất ở các xã vùng thấp và thực hiện giảm tô ở tất cả các xã trong toàn tỉnh. Qua 8 đợt giảm tô trên 200 xã, 5 đợt cải cách ruộng đất và sửa sai ở 75 xã, hàng ngàn hec ta ruộng đất và trâu bò đã được chia cho nông dân. Thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất thực sự đem lại quyền làm chủ ruộng đất cho người nông dân. [17; 27]
Cải cách ruộng đất thắng lợi đã đem lại niềm vui mừng, phấn khởi cho nhân dân Thái Nguyên, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số. Đã đáp ứng được ước mơ hàng ngàn đời nay của họ. Thắng lợi này đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên nông dân Thái Nguyên tích cực khôi phục và phát triển sản xuất.
Khi hoàn thành cải cách ruộng đất, những tổ đổi công, những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đầu tiên đã ra đời, chuẩn bị cho công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp. Sau kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế (1958 – 1960), ở Thái Nguyên đã có 47.000 hộ nông dân tham gia xây dựng, 1.425 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, chiếm 82,9% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh. Các hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng được ra đời và phát triển mạnh mẽ trong nông thôn.
Chỉ trong 6 năm kể từ ngày hòa bình lập lại (1955 – 1960), với việc hoàn thành liên tục hai kế hoạch nhà nước, bộ mặt nông thôn Thái Nguyên đã thay đổi hẳn. Những tàn dư của xã hội thực dân, phong kiến dần dần được xóa bỏ, quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa được xác lập. Sản xuất nông nghiệp được khôi phục và ngày càng phát triển. Đời sống của nhân dân ngày một ấm no hơn, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên, năm 1958 đạt 87.986 tấn, vượt mức 1957 là 23,6%. Nếu như năm 1955 và 1956 nạn đói thường xuyên xảy ra thì đến 1957, 1958 nạn đói không những không xảy ra mà bình quân mức ăn của mỗi người dân khá cao: 366 kg/1 năm, không kể hoa màu.
Trong sản xuất, phong trào thâm canh tăng năng suất phát triển mạnh ở các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã vùng thấp. Hợp tác xã Thành Công (Đại Từ) và hợp tác xã Hồng Kỳ (Phú Bình) là những hợp tác xã có phong trào thủy lợi, phong trào thâm canh khá của tỉnh. Hợp tác xã Thành Công năm 1964 đạt năng suất lúa 50 tạ/ha cả năm. Các biện pháp kỹ thuật như tưới nước, bón phân, cấy thẳng hàng, làm cỏ bằng cào cải tiến…được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Một số hợp tác xã đã có sân phơi, nhà kho, lò xử lý giống, lò vôi…Diện tích khai hoang, diện tích trồng cây hai vụ cũng được mở rộng.
Từ 1961 – 1964, sản lượng lúa tăng nhanh, năm 1961, sản lượng lúa đạt 117.115 tấn. Năm 1964 đạt 132.507 tấn. Tổng giá trị sản lượng nông nghiệp không ngừng tăng lên, năm 1961 là 67,2 triệu đồng, năm 1964 là 84,8 triệu đồng. Hai năm 1963 và 1964 Thái Nguyên liên tục được mùa.
Đối với sản xuất nông nghiệp, từ sau ngày hợp nhất, Bắc Thái đã chú trọng công tác phân vùng sản xuất, tạo điều kiện cho từng vùng, từng huyện phát huy thế mạnh, tạo ra sự chuyên canh trong sản xuất. Mặt khác Bắc Thái cũng rất chú ý thế mạnh của nền nông nghiệp miền núi, vừa tăng cường phát triển cây lúa, cây màu, vừa đẩy mạnh trồng cây công nghiệp: chè, bông, đậu, lạc… và đẩy mạnh chăn nuôi.
Trong những năm chiến tranh, xuất phát từ thực tế của một nền nông nghiệp miền núi có nhiều lợi thế: Đất canh tác rộng, nhiều loại hình sản xuất, có điều kiện phát triển tương đối toàn diện các ngành sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi và nghề rừng, nhưng cũng lại khó khăn về thủy lợi, phân bón, kĩ thuật, cơ sở vật chất cho sản xuất. Nhưng với mục tiêu phấn đấu đảm bảo đời sống của nhân dân trong tỉn, “đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cung cấp cho địa phương kháng chiến lâu dài”, đảm bảo chi viện nhiều nhất cho tiền tuyến lớn, nên Bắc Thái quyết tâm dù trong hoàn cảnh nào cũng tập trung cho sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt chú ý đến diện tích canh tác, phát triển toàn diện các ngành sản xuất, đẩy mạnh áp dụng khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp.
Mặc dù bị bom Mỹ phá hoại, trong khói lửa của chiến tranh, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Bắc Thái vẫn tiếp tục củng cố và phát triển. Tính đến năm 1965 toàn tỉnh có 1333 hợp tác xã, chiếm 85,87% tổng số hộ nông dân, so với năm 1964 tăng 8,3%. Trong đó có hơn 50% là hợp tác xã bậc cao, 36 hợp tác xã của đồng bào vùng cao. Sau chiến tranh phá hoại lần một, đến năm 1969, Bắc Thái đã có trên 91% tổng số hộ nông dân tham gia hợp tác xã, quy mô bình quân của các hợp tác xã từ 77 đến 84 hộ, từ 54,5ha đến 57,2ha, có 40 hợp tác xã quy mô toàn xã.
Phong trào hợp tác xã nông nghiệp không chỉ phát triển về số lượng mà còn phát triển cả về chất lượng. Năm 1965 Bắc Thái tiếp tục thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã và cuộc vận động cải tiến kĩ thuật ở 5 huyện miền núi. Nếu tính cả thời gian trước đến năm 1965 toàn tỉnh đã có 389 hợp tác xã qua cải tiến quản lý chiếm 29% tổng số hợp tác xã. Qua thực hiện cải tiến quản lý, cải tiến kĩ thuật, trình độ tổ chức, quản lý cán bộ được nâng lên, công tác quản lý hoạch, quản lý sản xuất, quản lý lao động có nhiều tiến bộ. Từ chỗ nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất, chưa quản lý và bảo đảm được ngày công, đến năm 1969 đã có 55% hợp tác xã xây dựng được kế hoạch cả năm, mức công lao động bình quân của nhiều hợp tác xã lên tới trên 200 công một năm. Các hợp tác xã: Thành Công (Đại Từ), Tân Hương (Phổ Yên), Quang Vinh (thành phố), Tân Tiến (Định Hóa)… là những hợp tác xã vừa có kế hoạch, vừa có trình độ quản lý sản xuất tốt. Cơ sở vật chất của các hợp tác xã được mở rộng, tốc độ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề tăng nhanh. Nhiều hợp tác xã xây được lò thúc mầm, đầu tư thêm vốn, phân bón và đưa giống mới, có năng suất cao vào sản xuất. So với trước chiến tranh, cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tăng từ 3 đến 5 lần, vốn đầu tư về thủy lợi tăng 2,5 lần. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý cũng phát triển nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Nhờ làm tốt công tác trên, năm 1968, Bắc Thái có nhiều hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn/ha. Đến năm 1972 có một số
hợp tác xã đạt năng suất 7 tấn/ha. Điển hình về năng suất cao là các hợp tác xã Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên.
Theo chủ trương của tỉnh, sản xuất nông nghiệp ở Bắc Thái thời kỳ 1965 – 1972 phát triển tương đối toàn diện về cả trồng trọt và chăn nuôi.
Cũng trong thời kỳ này, Bắc Thái là một tỉnh miền núi bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhưng phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển mạnh, hướng vào việc thâm canh, tăng năng suất, giành năng suất cao, lấy việc thực hiện 5 tấn thóc một héc ta gieo trồng làm mục tiêu phấn đấu. Nêu cao khẩu hiệu “chắc tay cày, giỏi tay súng”, nông dân Bắc Thái vừa thi đua bắn rơi nhiều máy bay Mỹ vừa thi đua sản xuất ra nhiều thóc gạo. Trong những năm gian khó, ác liệt, nhân dân Bắc Thái đã đội bom đạn của giặc Mỹ để sản xuất. Phong trào thi đua sản xuất phát triển mạnh ở khắp các huyện: Đại Từ, Phổ Yên, Phú Lương, Phú Bình, thành phố Thái Nguyên. Nhiều hợp tác xã có phong trào tốt, trở thành những điển hình tiên tiến như Hợp tác xã Thành Công (Đại Từ), hợp tác xã Hồng Kỳ (Phú Bình).
Trong 4 năm: 1965 – 1968 sản lượng lúa bình quân mỗi năm đều đạt gần 129.000 tấn, năm đạt mức cao nhất là 132.000 tấn (1967). So với trước chiến tranh, sản lượng lúa tăng 5,4%, màu tăng 12,5%, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 0,2%. Đặc biệt năm 1968, mặc dù thời tiết không thuận lợi, làm ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo diện tích gieo trồng. Nhưng hưởng ứng cuộc động viên chính trị “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của trung ương Đảng, quyết tâm giành vụ thu và vụ mùa “quyết chiến, quyết thắng”, Bắc Thái đã khắc phục khó khăn, vẫn giành được năng suất cao, sản lượng lúa cả năm đạt 129.726 tấn. Huyện Phổ Yên, Đại Từ và thành phố Thái Nguyên là những đơn vị đứng đầu về năng suất lúa hai vụ. Cũng năm này, Bắc Thái có 1 đơn vị thuộc khu vực sản xuất nông nghiệp đạt tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở sự chỉ đạo của trung ương, từ năm 1969, sản xuất nông nghiệp Bắc Thái bước vào một thời kỳ mới. Giữa hai lần chiến tranh phá
hoại, Bắc Thái có một thời kỳ hòa bình kéo dài 4 năm. Trong điều kiện đó, năm 1969, toàn tỉnh dấy lên cao trào thi đua chống Mỹ cứu nước “mỗi người làm việc bằng hai” ở khắp các ngành, các đơn vị sản xuất, mục đích là đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, tổ chức tốt đời sống và chi viện cho tiền tuyến nhiều hơn nữa. Đối với nông nghiệp phấn đấu giành 3 mục tiêu: “5 tấn thóc, 2 con lợn, 1 lao động trên 1 héc ta gieo trồng”.
Đầu năm 1969, trong cuộc vận động thi đua yêu nước, Ban thường vụ tỉnh ủy và ủy ban hành chính đã phát động 3 phong trào: thi đua làm thủy lợi, thi đua làm giao thông, thi đua làm lâm nghiệp, tạo khí thế sôi nổi tiến quân vào sản xuất.
Cuối năm 1969, khi Hồ chủ tịch qua đời, phong trào học tập và làm theo di chúc của Người đã có sức mạnh cổ vũ và động viên nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Thái khắc phục khó khăn, tạo nên bước chuyển biến mới trong sản xuất. Trong ba năm 1969, 1970, 1971 sản lượng lúa đều tăng và đạt cao hơn so với thời kỳ 1965 – 1968. Đặc biệt là năm 1968, năm xảy ra chiến tranh phá hoại lần thứ hai, bị Mỹ đánh phá ác liệt song sản lượng lúa, sản lượng lương thực đều đạt mức cao nhất trong 8 năm chiến tranh.
Trong hai năm 1969 – 1971, tranh thủ thời gian có hòa bình, mặt trận các cấp hướng nhân nhân vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý, củng cố hợp tác xã cũng được tăng cường. Nhân dân có điều kiện tập chung vào sản xuất nên sản xuất nông nghiệp các mặt đều có tiến bộ. Trong năm 1970, tổng sản lượng lương thực cao hơn hẳn hai năm 1968 – 1969.
Giữa tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ bắn phá trở lại miền Bắc nước ta với mức độ hết sức khốc liệt. Máy bay B52 của Mỹ ném bom rải thảm nhiều làng mạc, ruộng đồng, đê điều, nhà máy, trường học…ở thành phố Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ. Từ đầu năm 1973, nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã vận chuyển hàng ngàn mét khối đất đá để san lấp hố bom, sửa chữa đê
điều. Nhờ đó, năm 1973, diện tích trồng lúa toàn tỉnh đạt 21.004 ha, tăng 5,2% so với năm 1972. Giống lúa mới có năng suất cao được cấy trên 82,2% diện tích. Năm ấy Bắc Thái giành được thắng lợi lớn trong sản xuất vụ xuân. Năng suất lúa cả năm bình quân toàn tỉnh đạt 37,08 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 187.049 tấn.
Phát huy thành tích đã đạt được, sản xuất nông nghiệp từ 1974 – 1975 đều có những bước tăng trưởng. Riêng năm 1974, toàn tỉnh có 87 hợp tác xã đạt 5 tấn/1ha.
Trong hoàn cảnh bị chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, sản xuất nông nghiệp Bắc Thái vẫn được đẩy mạnh và phát triển. Tất cả là nhờ phong trào thi đua sản xuất. Sản lượng lương thực tăng khá, ngoài cây lúa còn có hoa màu, nhất là cây sắn. Sản xuất lúa xuân không ngừng được mở rộng, đạt khá là các huyện Đại Từ, Định Hóa, tạp nên truyền thống sản xuất lúa xuân đạt năng suất và sản lượng cao, vững chắc những năm sau.
Ngoài trồng trọt, nhiều hợp tác xã chăn nuôi giỏi xuất hiện. Thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống nhân dân, cung cấp lương thực, thực phẩm cho công nhân khu gang thép Thái Nguyên, giáo viên, học sinh các trường Đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp…chi viện cho đồng bào miền Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Thắng lợi về sản xuất nông nghiệp trong những năm kháng chiến chống Mỹ còn là kết quả của phong trào “ba đảm đang” của phụ nữ và “ba giỏi” của hội phụ lão.
Chị em phụ nữ vừa giỏi việc nhà, đảm việc nước lại vừa là người lao động giỏi, là lực lượng cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, có năng lực tổ chức, mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Trong phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp, có hàng chục nữ kiện tướng làm phân, 9000 thợ cấy giỏi, và hơn 10.000 người chăn nuôi giỏi. [30; 159]
Thi đua với phong trào “ba đảm đang” của phụ nữ là phong trào “ba giỏi” của phụ lão. Nghị quyết 53 của bộ chính trị đã nêu: “trong xã hội ta, phụ lão đóng vai trò quan trọng. Nơi nào biết vận động phụ lão tham gia tuyên truyền giải thích chính sách của Đảng và chính phủ đều thực hiện tốt phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm có kết quả nhiều”. Nhận thức sâu sắc điều này, mặt trận tổ quốc tỉnh đã một mặt quán triệt chỉ thị 162 của ban Bí thư (30/5/1968): “làm tốt công tác phụ lão, chăm sóc tốt đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với phụ lão, biểu dương và khen thưởng những phụ lão có công với dân, với nước”, mặt khác, tranh thủ mọi khả năng và ảnh hưởng của phụ lão trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã