Trong khi ở tiền tuyến thi đua giết giặc, ở hậu phương Hồ Chủ tịch đã kêu gọi nông dân tăng gia sản xuất, “hậu phương thi đua với tiền tuyến”, lấy “nương, rẫy là chiến trường, cuốc, cày là vũ khí”.
Trọng tâm thi đua của nông dân là sản xuất, lấy cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất. Đơn vị thi đua là tập đoàn hay chòm xóm, lấy tổ nông dân làm nòng cốt. Phong trào thi đua của nông dân có nhiều khó khăn vì dân cày sống riêng lẻ, đại bộ phận chưa quen với lối làm ăn tập thể, phương tiện sản xuất thiếu thốn, ruộng đất còn ở trong tay giai cấp địa chủ, trâu bò thường bị địch bắn giết. Vả lại, trình độ tổ chức của nông dân cũng kém hơn công nhân và quân đội, và nông dân cũng còn nhiều óc bảo thủ. Trong sinh hoạt gia đình và xã hội thì thiếu bình đẳng, không đề cao được tính tích cực của phụ nữ và thanh niên. Nhưng từ năm 1950 – 1951, học tập kinh nghiệm thi đua của công nhân, thi đua nông nghiệp đã đi dần vào nề nếp, nhất là việc tổ chức các đợt ngắn đã giúp rất nhiều cho việc đẩy mạnh phong trào. Thi đua
bắt đầu có chương trình, kế hoạch, kết hợp sản xuất với các mặt công tác khác như đi dân công, đóng thuế nông nghiệp…Không những ở khu, tỉnh có kế hoạch, mà ngay ở xã, ở tổ nông dân nhiều nơi đã có chương trình, đôi nơi lập cả chương trình gia đình.
Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch “khi thi đua thì đồng bào nhà nông phải giúp đỡ nhau bằng mọi cách để cùng nhau tiến bộ”, nhiều hình thức tập đoàn, đổi công đã được phát triển, giải quyết được nạn thiếu nhân công và giúp đỡ nhau giải quyết những khó khăn khác như: vốn, trâu bò, dụng cụ…
Thi đua đã làm cho nông dân dần dần sửa đổi lối làm việc cũ, đã chú ý cày sâu, bừa kỹ, làm cỏ, bỏ phân, không những ở miền xuôi mà cũng đã lan rộng lên miền ngược.
Các chiến sỹ thi đua nông nghiệp hầu hết là những người nghèo khổ trước kia, ngày nay nhờ biết chăm chỉ làm ăn, cải tiến lề lối canh tác, nhờ sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ mà thi đua tăng gia sản xuất trở nên khá giả. Phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp đã động viên nông dân đóng góp một phần rất lớn cho cuộc kháng chiến về sức người, sức của.
Với phương châm vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, “tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc”, khắp nơi trong cả nước, từ vùng tạm chiếm đến vùng tự do, từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu cũng dấy lên phong trào “thi đua yêu nước”. Ngoài mặt trận, chiến sỹ thi đua giết giặc, ở hậu phương, đồng bào thi đua sản xuất, coi đồng ruộng là chiến trường, nhịn ăn, nhịn mặc, góp thóc gạo, tiền nong, lập hũ gạo nuôi quân, dành từng “luống rau bụi chuối, đàn gà kháng chiến” để nuôi quân.
Từ năm 1951, mặt trận tích cực vận động nhân dân thi đua hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp cho nhà nước. Toàn tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp 12.510 tấn thóc, đạt 97% kế hoạch trên giao năm 1951. Năm 1952, mặt trận Liên Việt tại Thái Nguyên đã họp với các huyện và một số xã để
học tập chính sách thuế nông nghiệp, bàn bạc việc vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia nghĩa vụ đóng thuế.
Các cấp của mặt trận Liên Việt đã cử cán bộ tham gia các ban thuế nông nghiệp, Mặt trận Liên Việt ở cấp xã đã tham gia công tác chỉnh lý, điều tra, bình sản, vận động nhân dân, kể cả phú nông, địa chủ, đóng thuế nông nghiệp. Trên cơ sở mức thuế được điều chỉnh, ở nhiều nơi, mặt trận Liên Việt cấp xã đã tổ chức tuần lễ giao lương mừng chiến thắng. Phong trào giao lương diễn ra sôi nổi, khẩn trương, chỉ trong vài ngày đã nộp thuế đạt 80% định mức của toàn tỉnh. [12; 5]
Để đảm bảo kế hoạch giao lương, mặt trận các cấp ở một số địa phương còn giao việc cụ thể cho hội cứu quốc từng giới. Ở Đại Từ, Phú Bình, lực lượng thanh niên lo sửa đường, bắc cầu qua suối, chị em phụ nữ đảm nhận việc phơi khô, quạt sạch thóc thuế nông nghiệp. Phụ nữ xã Hùng Sơn (Đại Từ) còn tham gia bình nghị sản lượng cho chính xác, tránh khai man, khai hụt, bảo đảm sự công bằng. Nông hội Đồng Hỷ, Phú Bình đấu tranh chống khai man sản lượng. Hội phụ lão Phú Bình phát hiện được 80 vụ trốn thuế.
Nhờ tinh thần nỗ lực thi đua của toàn dân, Thái Nguyên đã nộp 13.671 tấn lương thực, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 1952.
Phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp là một trong những trọng tâm của cuộc vận động thi đua yêu nước giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Nông dân đã thi đua thực hiện các khẩu hiệu thực tế như “vụ chiêm chiến thắng” “vụ mùa chủ lực” ở liên khu 4, chiến dịch “ngô, khoai, sắn” ở liên khu 3, “thi đua thâm canh” ở Quảng Ngãi, “tuần lễ giết chuột”…
Ở Thái Nguyên, thi đua sản xuất nông nghiệp đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Nông dân hăng hái tham gia xây dựng các công trình thủy lợi chống hạn vụ đông xuân, nhờ thế mà nông dân đã mở rộng được diện tích cây trồng trong vụ chiêm, các biện pháp kỹ thuật cũng được bà con chú ý nên giống lúa Nam Ninh trong vụ xuân phát triển mạnh đã góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm được chú trọng phát triển. Hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, mặt trận mở các cuộc vận động, phát triển chăn nuôi lợn, gà…nhất là đàn lợn nái để cung cấp giống, thúc đẩy chăn nuôi lên một bước. Phong trào nuôi lợn nái đã thu hút được gần 3000 hộ tham gia, nhờ thế mà đàn lợn tăng gần gấp đôi so với trước cách mạng. Thái Nguyên đã tự giải quyết căn bản nguồn lương thực, thực phẩm ở địa phương và góp phần đáp ứng nhu cầu cho kháng chiến.
Nhờ sản xuất phát triển, đời sống nhân dân Thái Nguyên đã tương đối ổn định, có mặt được cải thiện. Tuy nhiên, đồng bào các dân tộc ít người vùng cao vẫn gặp nhiều khó khăn, mặt trận các cấp đã phát động tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau để phát triển sản xuất, khắc phục dần tình trạng ăn đói, mặc rách.
Đi đôi với phong trào làm thủy lợi để phát triển sản xuất, phong trào đổi công đã được tổ chức, xây dựng, tạo ra những nhân tố mới, thúc đẩy sản xuất phát triển. Từ chỗ lúc đầu mới có vài tổ đổi công, tới năm 1952, toàn tỉnh có hàng ngàn tổ đổi công, đến đầu năm 1954, phong trào đổi công phát triển rộng khắp Thái Nguyên.
Trong điều kiện kháng chiến diễn ra khẩn trương, quyết liệt, đầu năm 1948, Thái Nguyên đã tổ chức được phong trào “sản xuất tiết kiệm”. Các hội viên cứu quốc là những người hăng hái trong phong trào này, vừa góp phần ổn định đời sống, vừa chuẩn bị những điều kiện vật chất cho kháng chiến.
Để chỉ đạo phong trào, đầu năm 1949, tỉnh Thái Nguyên quyết định thành lập ban vận động thi đua. Mặt trận là thành viên trong ban, tham gia tích cực vào công tác vận động, tổ chức quần chúng, đưa phong trào thi đua yêu nước trở thành phong trào của toàn dân.
Nhờ có thi đua mà sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng rõ rệt. Những huyện có phong trào thi đua lao động sôi nổi nhất là Phú Bình, Phú Lương…
Trong những năm 1950 – 1951, phong trào thi đua yêu nước tiếp tục lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia. Năm 1952, có phong trào “chiến dịch vụ mùa thắng lợi”, các khẩu hiệu “cày sâu, bừa kỹ”, “làm cỏ, bỏ phân”, “gặt nhanh, gặt kỹ”…được triển khai rộng, thành hành động, việc làm cụ thể, thúc đẩy công việc mùa màng kịp thời vụ, nâng cao năng suất và sản lượng lương thực.
Đầu năm 1952, thực hiện chủ trương của Đảng, Thái Nguyên huy động 724 cán bộ xuống cơ sở tổ chức học tập trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, quán triệt lời dạy của Hồ Chí Minh: “thi đua để canh tác”, để “thực túc binh cường”. Cán bộ đã giúp nông dân nắm vững mục đích yêu cầu, nội dung thi đua, và giúp họ xây dựng chương trình, kế hoạch để giao ước thi đua. Cuối năm 1952, Thái Nguyên đã có rất nhiều hộ xây dựng chương trình, kế hoạch gia đình và có giao ước thi đua.
Ở Thái Nguyên, việc thực hiện giảm tô, giảm tức được tiến hành từ năm 1950, năm 1952, trung ương chọn Thái Nguyên làm nơi thí điểm cuộc vận động “phóng tay phát động quần chúng nông dân đấu tranh, bắt giai cấp địa chủ triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và thoái tô” ở hai xã thuộc Đồng Hỷ, sau đó triển khai tới 146 xã trong toàn tỉnh.
Tháng 7 năm 1952, ủy ban mặt trận Liên Việt các cấp ở Thái Nguyên đã xúc tiến cuộc vận động học tập chính sách ruộng đất và sắc lệnh giảm tô trong toàn dân. Ủy ban cũng vận động quần chúng đấu tranh yêu cầu các chủ có ruộng phát canh phải thực hiện đúng Sắc lệnh giảm tô của nhà nước. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nông dân, 13 địa chủ lớn, nhỏ trong tỉnh đã phải giảm tô theo quy định. Một số địa chủ ở Đồng Hỷ, Phú Bình, phải xóa các khoản nợ lâu năm của tá điền canh tác trên 472 mẫu ruộng của họ.
Thắng lợi thu được trong cuộc đấu tranh giảm tô năm 1952 đã góp phần cải thiện một bước đời sống nông dân, động viên họ tham gia kháng chiến, củng cố thêm khối đoàn kết thống nhất.
Tháng 11/1953, Đảng ta công bố cương lĩnh ruộng đất và quyết định cải cách ruộng đất. Có 6 xã: Hùng Sơn, Bình Thuận, An Mỹ (Mỹ Yên), Tân
Thái, Trần Phú (Khôi Kỳ) và Độc Lập (Tiên Hội) thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên được chọn làm nơi thí điểm cải cách ruộng đất. Ruộng đất ở 6 xã này phần lớn nằm trong tay địa chủ. Trong 6 xã thì Hùng Sơn là xã đông giáo dân nhất. Số đông giáo dân ở đây không có hoặc thiếu ruộng cày, phải lĩnh canh và chịu mức tô cao.
Quần chúng nhân dân sau khi được phát động phong trào đã vùng lên đấu tranh xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, xóa bỏ chế độ bóc lột phong kiến và quyền lực của giai cấp địa chủ ở nông thôn. Cải cách ruộng đất đã tịch thi hơn 100 mẫu ruộng, chia cho 94 hộ nông dân nghèo không có hoặc thiếu ruộng.
Như vậy: trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã không chỉ thi đua giết giặc mà còn hăng hái thi đua sản xuất. Tại Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, Hồ chủ tịch đã nhận xét: “phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to hơn nữa, vẻ vang hơn nữa về chính trị, quân sự, kinh tế…”. Người cũng nói: “nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất và cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công…”. [49; 15]
Gương điển hình thi đua tăng gia sản xuất ở Thái Nguyên có thể kể tới như chiến sỹ nông nghiệp Nguyễn Văn Tiến, được bầu là chiến sỹ thi đua của huyện Định Hóa năm 1952 với rất nhiều thành tích nổi bật trong nông nghiệp. Hay chiến sỹ Trần Thị Tý, chiến sỹ thi đua vụ chiêm 1953 của huyện Phú Lương. Chiến sỹ là gương điển hình cho phụ nữ đảm đang, tháo vát…