Thi đua diệt giặc dốt

Một phần của tài liệu Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp (1948 – 1954) (Trang 41 - 44)

Hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, thiếu thốn, nhưng tinh thần hăng hái thi đua học tập của nhân dân ta rất sôi nổi. Không có giấy thì dùng mặt đất, lá chuối, mo cau. Không có bút, mực thì dùng sắn, ngô, gạch non. Nơi học bất cứ ở đâu cũng được, là gốc đa, đình làng. Người đi học thì từ cụ già 70, 80 tuổi đến các em nhỏ từ 6 – 7 tuổi. Thầy dạy tham gia hăng hái nhất là các cháu thiếu nhi, các nam, nữ thanh niên. Phong trào tiến rất mạnh. Đến cuối năm 1949, đã thanh toán được nạn mù chữ ở một số tỉnh, huyện.

Nhìn chung, phong trào thi đua diệt dốt sôi nổi ngay từ ngày phát động và ngày càng thêm rộng rãi trong nhân dân. Đó là một thắng lợi lớn của chế độ chúng ta. Trên cơ sở thắng lợi của việc thanh toán nạn mù chữ mà chúng ta sẽ nâng cao trình độ văn hóa và chính trị của nhân dân, đem ánh sáng của khoa học dọi vào đời sống hàng ngày trong các tầng lớp nhân dân lao động.

Trong kháng chiến, học sinh tự túc rất nhiều, tự mình sắm lấy sách vở, tiết kiệm giấy bút. Ngoài việc học tập, còn tham gia sửa trường, xây dựng trường sở và làm các công tác kháng chiến khác. Ở các cơ quan, phong trào thi đua cũng đi vào tăng hiệu suất công tác, sửa đổi lề lối làm việc, chống quan liêu, lãng phí, tham ô.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thi đua làm cho công nông binh trí thức hóa và trí thức thì lao động hóa”, lao động trí óc đã tham gia hăng hái vào các công tác lao động, tăng gia sản xuất, gần gũi quần chúng công nông, đoàn kết thân mật giữa lao động chân tay và lao động trí óc.

Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công tác nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục cho nhân dân được chú trọng. Mặc dù điều kiện kháng chiến còn gặp nhiều khó khăn, song ở Thái Nguyên vẫn thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân tích cực tham gia học bổ túc văn hóa và theo học các chương trình phổ thông từ cấp 1 đến cấp 2.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đã được tăng cường. Mộ số địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh như Chùa, Đình, nhà kho…đã được tận dụng làm lớp học với hàng trăm học viên, trong đó có cả các cán bộ của xóm, xã. Một số thương binh vốn là thầy giáo xếp bút nghiên đi đánh giặc trở về lại quay lại bục giảng tiếp tục dạy chữ cho nhân dân.

Chưa bao giờ phong trào thi đua học tập văn hóa lại diễn ra sôi nổi và sâu rộng trong khắp toàn tỉnh như thế. Chỉ trong một thời gian ngắn, các lớp bình dân học vụ đã được tổ chức khắp nơi, tận dụng mọi địa điểm như đình, chùa, nhà, làm nơi học tập. Hội viên Thanh niên cứu quốc và phụ nữ cứu quốc là những người đi đầu trong phong trào diệt giặc dốt. Từ cụ già, phụ nữ, thanh niên, đến các em nhỏ đều hăng hái thi đua tập đọc, tập viết. Chỉ trong một thời gian ngắn, nạn mù chữ cơ bản đã được khắc phục, nhiều người đọc thông, viết thạo, học giỏi đã trở thành những hạt nhân tích cực giúp nhân dân xóa mù chữ.

Tiểu kết:

Bước sang năm 1948, khi tình thế cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới nhiều khó khăn hơn, khi việc phát huy lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng của nhân dân là vô cùng cần thiết thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua ái quốc với mục đích thi đua và phương pháp thi đua cụ thể. Cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, quân và dân Thái Nguyên đã hưởng ứng tích cực phong trào thi đua bằng lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm đánh giặc. Bộ đội thi đua giết giặc lập công với phong trào cụ thể là “tuần lễ giết giặc lập công”, với tinh thần “luôn luôn bám sát, tiêu diệt địch” và chủ trương “đuổi địch ra khỏi Thái Nguyên”. Kết thúc các phong trào, quân và dân Thái Nguyên đã tiêu diệt được rất nhiều quân địch, thu được nhiều vũ khí. Nhờ thi đua mà quân và dân Thái Nguyên đã giết được nhiều giặc Pháp hơn, tinh thần chiến đấu hăng hái hơn, nhiều chiến sỹ đã được tuyên dương, khen thưởng là chiến sỹ thi đua. Cùng với bộ đội thi đua giết giặc là sự thi đua của dân công, thi đua làm đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, phục vụ cho kháng chiến. Nông dân cũng thi đua tăng gia sản xuất, công nhân thì thi đua cải tiến kỹ thuật, phụ nữ thì thi đua vận động ủng hộ bộ đội. Trong hoàn cảnh kháng chiến, song song với diệt giặc ngoại xâm, nhân dân Thái Nguyên vẫn thi đua diệt giặc dốt, và chưa bao giờ phong trào học tập văn hóa lại diễn ra sôi nổi và rộng khắp như thế. Giai đoạn từ 1948 – 1954 là giai đoạn kháng chiến ác liệt, cũng là giai đoạn Thái Nguyên mang trên mình trọng trách của một An toàn khu. Thế nhưng, hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc do Hồ Chí Minh phát động, cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên giai đoạn này thực sự là cuộc vận động sôi nổi, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực và đạt nhiều thành tích đáng tự hào. Tuy giai đoạn đầu còn đôi chút những sai lầm nhỏ trong mục đích và phương pháp thi đua, nhưng những gương chiến sỹ thi đua điển hình trong kháng chiến chống Pháp thực sự là tấm gương sáng chói cho giai đoạn tiếp sau của cuộc vận động thi đua yêu nước ở Thái Nguyên.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp (1948 – 1954) (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w