Xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở, các loại văn bản nghiên cứu tiền kế hoạch hầu như không có. Theo tinh thần của luật đất đai, tài liệu quy hoạch sử dụng đất đai chi tiết cho thời hạn 10 năm có tính pháp quy sẽ là văn bản duy nhất mang tính tiền kế hoạch. Vì vậy, trong quy hoạch sử dụng đất chi tiết vấn đề sử dụng đất đai được giải quyết rất cụ thể, gắn chặt với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã.
Quy hoạch sử dụng đất đai chi tiết là quy hoạch vi mô, là khâu cuối cùng của hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai, được xây dựng dựa trên khung chung các chỉ tiêu định hướng sử dụng đất đai của huyện. Từ đó quy hoạch sử dụng đất cấp xã giải quyết được những tồn tại về ranh giới hành chính, ranh giới sử dụng đất, trở thành cơ sở vững chắc để lập quy hoạch phân bổ cho các ngành quy hoạch phân bổ đất đai cho lãnh thổ. Mặt khác quy hoạch sử dụng đất đai cấp xã còn là cơ sở để chỉnh lý quy hoạch sử dụng đất của cấp vĩ mô. Kết quả của quy hoạch sử dụng đất đai cấp xã là căn cứ để giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, sử dụng ổn định lâu dài, để tiến hành khoanh vùng đổi ruộng nhằm thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh cũng như các dự án cụ thể.
Do có diện tích không lớn lắm nên những biến động thay đổi nói chung và những biến động trong quá trình sử dụng đất nói riêng ở xã được phản ánh một cách cụ thể nhất so với các đơn vị hành
chính cấp cao hơn. Do vậy việc lập phương án quy hoạch sử dụng đất chi tiết là vô cùng quan trọng nhằm tạo ra cơ sở không gian, điều kiện lãnh thổ ban đầu để sử dụng đất đúng mục đích được cấp, thực hiện những nhiệm vụ đề ra đối với từng ngành, thực hiện các biện pháp cải tạo và bảo vệ đất, tạo điều kiện bảo vệ thiên nhiên.
Kết quả của một quá trình quy hoạch phân bổ sử dụng đất cấp xã là việc xây dựng được một phương án quy hoạch có luận chứng khoa học, có tác dụng thực tiễn và đem lại hiệu quả cao trong việc sử dụng đất trong lãnh thổ của xã, trong đó tính đến cả yêu cầu bảo vệ môi trường.
Như đã biết, đất đai trong phạm vi lãnh thổ của một xã rất khác nhau về điều kiện tự nhiên. Mặt khác việc sử dụng đất xét theo mục đích kinh tế cũng không giống nhau, tùy thuộc vào yêu cầu phát triển kinh tếm xã hội của từng vùng nói chung và từng xã nói riêng.
Căn cứ theo mục đích kinh tế của việc sử dụng đất, đất đai của một xã được chia thành rất nhiều loại. Trong số này có những loại đất tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất như: đất canh tác hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đồng cỏ chăn nuôi, đất có mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp...Có những loại đất chỉ ảnh hưởng đến điều kiện xã hội, điều kiện tổ chức và quản lý sản xuất, độ phì và điều kiện bảo vệ đất như: đất khu dân cư, đất giao thông, thủy lợi, đai rừng, nguồn nước...Nhưng ở một mức độ nào đó, những loại đất nà cũng có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh như: khối sản phẩm và giá thành. Do đó, cần giải quyết đồng bộ và hợp lý việc phân bố tất cả các loại đất có trong ranh giới một xã...