Là giai đoạn thể hiện kết quả nghiên cứu của các giai đoạn trước bằng việc phân bổ, khoanh định cụ thể vị trí đất đai trên địa bàn quy hoạch cho các mục đích sử dụng, các ngành, các đơn vị và các dự án trên cơ sở điều chỉnh và cân đối chung quỹ đất cùng với việc đề xuất các chính sách, biện pháp thực hiện và phân kỳ quy hoạch theo từng giai đoạn cụ thể. Bước này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, khâu nối tất cả các bước của quy trình thông qua việc xây dựng báo cáo tổng hợp quy hoạch sử dụng đất, hoàn thiện hệ thống bảng biểu, tài liệu bản đồ. Dựa vào các hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế xã hội và định hướng sử dụng đất, tiến hành xây dựng các phương án sử dụng đất. Để đảm bảo tính khách quan cho các giải pháp quy hoạch, cần xây dựng nhiều phương án khác nhau, từ đó sẽ lựa chọn ra phương án tối ưu để kiến nghị trình duyệt. Các công việc cần thực hiện trong bước này bao gồm:
- Xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và sử dụng đất đai của thời kỳ quy hoạch. Trước khi đi vào tính toán lập các phương án quy hoạch sử dụng cần trình bày về phương hướng, mục tiêu bao trùm về phát triển kinh tế xã hội và phương hướng phát triển của các ngành có vị trí quan trọng trong việc sử dụng quỹ đất. Phương hướng, mục tiêu này được thể hiện thông qua một số chỉ tiêu như sau:
+ Các chỉ tiêu kinh tế như tổng giá trị sản phẩm, tốc độ tăng trưởng hàng năm, thu nhập bình quân đầu người, tỷ trọng các ngành trên tổng gía trị sản phẩm.
+ Các chỉ tiêu xã hội như tốc độ gia tăng dân số, lao động, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục, đào tạo và y tế… cho người dân.
- Điều chỉnh và cân đối chỉ tiêu sử dụng đất đai theo các mục đích, các ngành và dự án trọng điểm. Trong quá trình xây dựng các phương án quy hoạch sử dụng đất, cần tính toán nhu cầu sử dụng đất bằng cách dựa trên tập hợp định mức sử dụng đất để tính nhu cầu sử dụng đất cho các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, đất khu dân cư, đất xây dựng, giao thông thủy lợi và các nhu cầu khác. Sau đó, tiến hành cân đối quỹ đất và xây dựng các phương án quy hoạch sử dụng đất.
- Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất đai:
+ Khoanh định các khu vực sử dụng đất đai cho từng mục đích sử dụng như sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng đô thị, khu dân cư nông thôn, các khu đặc biệt,bảo tồn thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, bảo tồn văn hóa, du lịch, quốc phòng an ninh…Phương án quy hoạch sử dụng đất sẽ được xây dựng theo các chuyên đề (nông nghiệp, lâm nghiệp…) trên cơ sở đề cương chung đã hoạch định. Để thuận tiện cho việc tổng hợp số liệu sau này, các nhóm chuyên đề cần thống nhất với nhau về phương pháp, quy trình, các mẫu biểu bảng… Trong quá trình xây dựng, cần tiến hành hội thảo trao đổi giữa các nhóm chuyên đề nhằm đạt hiệu quả cao.
+ Quy hoạch mặt bằng khu vực sử dụng đất đai cho các dự án trọng điểm
+ Quy hoạch các vùng khai hoang, phục hóa, cải tạo, bảo vệ tài nguyên đất đai và môi trường… + Đề xuất các chính sách và biện pháp thực hiên quy hoạch.
- Biên soạn báo cáo tổng hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, hoàn thiện hệ thống số liệu, bảng biểu, tài liệu bản đồ.