Khả năng mở rộng diện tích đất nông lâm nghiệp phụ thuộc vào diện tích hoang hóa hiện nay chưa sử dụng nhưng có khả năng áp dụng các biện pháp cải tạo, thuần hóa thích hợp để đưa vào sử dụng cho mục đích nông lâm nghiệp. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng vùng, để mở rộng diện tích đất nông lâm nghiệp có thể sử dụng các nguồn đất sau:
- Đất chưa sử dụng (chưa được sử dụng do một số nguyên nhân nào đó như chưa có nhu cầu, khả năng có hạn về vốn, vật tư, lao động…)
- Đất nông nghiệp cũ bị bỏ hoang hóa do quá thiếu hoặc quá thừa nước.
- Đất nông nghiệp xấu, sản xuất không ổn định và không có hiệu quả (do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên).
- Đất rừng không còn ý nghĩa kinh doanh và bảo vệ thiên nhiên. - Đất khu dân cư, giao thông, xây dựng cơ bản đã hết ý nghĩa sử dụng.
Để xác định khả năng mở rộng diện tích, cần đánh giá đất hoang hóa dựa theo các chỉ tiêu như: đặc tính tự nhiên của đất, đặc điểm khí hậu, chế độ nước, mối quan hệ sinh thái giữa đất với các yếu tố môi trường khác và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng đất vào mục đích nông lâm nghiệp và các biện pháp áp dụng.
Từng khoanh đất sẽ được đánh giá và xếp hạng theo 4 mức thích nghi là thích hợp cao, thích hợp trung bình, thích hợp thấp và không thích nghi với từng mục đích và loại hình sử dụng, cụ thể gồm: đất trồng lúa, đất trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày, đất trồng cây lâu năm, đồng cỏ, đất mặt nước nuôi trồng thủy sản và đất rừng.
Dựa vào kết quả đánh giá đất, vào mức độ phức tạp của các biện pháp cần áp dụng, vào nhu cầu vốn đầu tư mà phân loại các diện tích đất trên theo khả năng sử dụng vào mục đích nông nghiệp hay lâm nghiệp, tùy theo mức độ thích hợp:
- Đất chỉ thích hợp cho nông nghiệp (đất ngập nước thường xuyên, hoặc ngập thời gian dài trong năm) để nuôi trồng thủy sản.
- Đất chỉ thích hợp cho lâm nghiệp (có tính đến yêu cầu bảo vệ môi trường).
Hướng dẫn sử dụng từng khu vực cụ thể được xác định dựa vào sự kết hợp các yếu tố: chất lượng đất, địa hình, chế độ nước, các tính chất không gian: diện tích, hình dạng, vị trí phân bố…
Trong thực tế, có những khoảnh đất tuy chất lượng khá nhưng diện tích nhỏ, vị trí không thuận lợi, hình dạng phức tạp, đôi khi sử dụng vào nông nghiệp lại kém hiệu quả hơn là sử dụng vào lâm nghiệp, do phải đầu tư chi phí quá nhiều cho khâu tổ chức, quản lý và bảo vệ. Như vậy, những khoảnh đất có khả năng lưỡng dụng, việc xác định mục đích sử dụng của chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng hơn là hiệu quả kinh tế của việc sử dụng và lượng vốn đầu tư để cải tạo và thuần hóa đất. Cần lưu ý những trường hợp sau:
+ Đất nông nghiệp bỏ hoang hóa do hạn, úng quá mức, nếu đưa vào sử dụng phải kèm theo biện pháp thủy lợi thích hợp.
+ Đất nông nghiệp có chất lượng xấu, sử dụng kém hiệu quả, nếu có thể được nên đưa sang trồng rừng.
+ Đất hiện đang có rừng, về nguyên tắc không được chuyển sang mục đích khác, song trong một số trường hợp (để giải quyết những bất hợp lý trong quá trình sử dụng đất), có thể xem xét chuyển thành đất nông nghiệp với yêu cầu phải đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái.
+ Những diện tích hoang hóa khác (đất khai thác khoáng sản, đất chuyên dùng đã hết ý nghĩa sử dụng, rừng thưa, cây bụi, đất lầy thụt…) tùy thuộc vào biện pháp khai hoang, phục hóa, thuần hóa có thể áp dụng mà xem xét đưa vào sử dụng theo mục đích nào cho phù hợp và đem lại hiệu quả cao.