Xác định các biện pháp chuyển loại, cải tạo và bảo vệ đất

Một phần của tài liệu Bài giảng Quy hoạch sử dụng đất (Trang 53)

* Biện pháp chuyển loại đất

Đây là biện pháp chuyển đất từ loại sử dụng này sang loại sử dụng khác nhằm mục đích tạo ra cơ cấu sử dụng đất hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Khi thực hiện công tác này phải tuân theo nguyên tắc cơ bản là chỉ được phép chuyển đất từ loại sử dụng có hiệu quả kinh tế thấp sang loại sử dụng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Như vậy, các hướng chính của chuyển loại đất là:

- Khai hoang đất mới đưa vào các mục đích sử dụng khác nhau.

- Mở rộng diện tích đất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao (đặc biệt là đất canh tác)

- Cải tạo hình dạng và vị trí phân bố đất đai (do các yếu tố địa hình, thủy văn, vị trí điểm dân cư gây nên, hoặc giải quyết hiện tượng nằm phân tán, xen kẽ…) để có thể chuyển sang mục đích sử dụng mới.

* Biện pháp cải tạo đất

Mỗi loại đất đều có những ưu điểm và cũng có những hạn chế nhất định. Mục đích của việc cải tạo đất là bằng những biện pháp tác động thích hợp làm thay đổi một số tính chất của đất theo hướng có lợi cho việc sử dụng. Các biện pháp cải tạo đất rất đa dạng áp dụng cho các loại đất khác nhau để cải tạo những tính chất đất khác nhau. Cải tạo đất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi chuyển những loại đất chưa sử dụng vào đất nông nghiệp, nhất là đất canh tác. Cải tạo đất còn là biện pháp phục vụ cho thâm canh tăng năng suất cây trồng và tăng vụ gieo trồng. Có thể phân loại thành các biện pháp sau:

- Biện pháp thuần hóa đất: là biện pháp ban đầu để đưa đất chưa sử dụng vào sản xuất nông nghiệp như chặt cây, dọn gốc, dọn đá, don vệ sinh bề mặt, san ủi gò đống, lấp hồ ao, thùng vũng, phay đất, phá bờ ruộng, đường đi, kênh mương không cần thiết…

- Biện pháp thủy nông cải tạo: là biện pháp áp dụng cho nhiều loại đất nhằm nâng cao rõ rệt hiệu quả sử dụng đất thông qua việc cải tạo chế độ nước của đất giải quyết vấn đề tưới tiêu hợp lý, thau chua, rửa mặn, rửa phèn.

- Biện pháp kỹ thuật canh tác: là biện pháp cải tạo một số tính chất lý hóa của đất thông qua quy trình làm đất khoa học như tăng từ từ chiều sâu đường cày đối với đất bạc màu, không làm ải đối với đất mặn và đất phèn, kết hợp bón phân hữu cơ và vô cơ, thực hiện chế độ luân phiên cây trồng, tăng tỷ lệ trồng cây họ đậu, trồng cây phân xanh để cải tạo đất…

- Biện pháp hóa học: bằng cách sử dụng một số chất hóa học bón vào đất để làm thay đổi tính chất đất như bón vôi để khử chua, bón thạch cao, cao lanh làm tăng kết cấu đất.

* Các biện pháp bảo vệ đất và bảo vệ môi trường

Các yếu tố của môi trường tự nhiên luôn nằm trong một khối thống nhất, có liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhiệm vụ đặt ra là phải đảm bảo sự cân bằng sinh thái của các yếu tố tự nhiên và chú ý đến khả năng thay đổi, cải tạo điều kiện môi trường trong quá trình phân bổ đất đai, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng có thể làm hủy hoại đất. Như vậy, khi phân bổ đất đai, vần đề đặc biệt quan trọng là:

- Tuân thủ chế độ sử dụng đất cần thiết trên khu vực bị xói mòn.

- Ngăn ngừa và đề phòng các quá trình gây tổn hại đến lớp đất mặt, nguồn nước, thảm thực vật, giới động vật, khí quyển.

Ở nước ta, xói mòn là một vấn đề gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng mưa lớn lại thường tập trung vào mùa mưa lũ. Trong khi đó, đất đai có địa hình mấp mô, dốc (85% là đồi núi), có kết cấu không chặt, dễ bị rửa trôi. Ngoài ra, việc sử dụng đất thiếu cân nhắc, bừa bãi mà cụ thể là thực hiện chế độ khai thác sử dụng đất dốc không hợp lý, chế độ canh tác không phù hợp, không áp dụng các biện pháp chống xói mòn… đã và đang làm cho đất đai ngày càng bị xói mòn và nghèo dinh dưỡng. Do vậy, chống xói mòn là một yêu cầu cấp thiết và quan trọng hiện nay. Căn cứ vào các điều kiện cụ thể về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu và mức độ xói mòn có thể áp dụng các biện pháp chống xói mòn sau:

- Biện pháp tổ chức quản lý: biện pháp này đề ra các chế độ cụ thể khi khai hoang và bố trí sử dụng đất:

+ Xác định phương hướng sản xuất phù hợp với yêu cầu bảo vệ đất và chống xói mòn. + Không cày vỡ và phá lớp thực bì tự nhiên trên vùng đất có độ dốc cao, đặc biệt là trong mùa mưa.

+ Chọn giống cây trồng và công thức luân canh có tác dụng bảo vệ đất chống xói mòn. + Đề ra chế độ sử dụng đặc biệt cho từng loại đất bị xói mòn.

- Biện pháp kỹ thuật canh tác: biện pháp này có thể làm tăng năng suất cây trồng lên 30 – 40%, thông qua các tác động sau:

+ Thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác đặc biệt: làm đất theo hướng vuông góc với sườn dốc, làm đất đúng thời điểm, bố trí thừa có cạnh dài song song với đường đồng mức.

+ Điều chỉnh dòng chảy trên sườn dốc và các đường phân thủy.

+ Tăng tỷ lệ cây trồng giữ đất trong cơ cấu diện tích gieo trồng. Trồng xen canh, gối vụ, trồng theo băng vuông góc với dòng chảy, trồng cây phân xanh, trồng cỏ lâu năm trên đất bị xói mòn nặng.

+ Áp dụng chế độ bón phân hợp lý như bón theo hốc, bón nhiều phân hữu cơ để làm xốp đất và tăng tính thấm, bón vôi…

- Biện pháp trồng rừng cải tạo:

+ Trồng đai rừng phòng hộ đồng ruộng, đai rừng ngăn nước, giữ nước, điều tiết nước… + Trồng rừng trên đỉnh đồi cao, trên đường phân thủy, trồng cây phân tán để tiêu nước. + Trồng rừng trên đất cát, đất không có khả năng sản xuất nông nghiệp.

+ Trồng cây hai bên đường, kênh mương, quanh hồ ao lớn, điểm dân cư, công trình xây dựng…

- Biện pháp thủy lợi công trình: đây là biện pháp bảo vệ đất tốt nhất (đạt hiệu quả 50-90%) nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nên chỉ áp dụng khi các biện pháp khác không hiệu quả. Có thể kể đến các biện pháp sau:

+ Làm ruộng bậc thang

+ Xây dựng đê kè ngăn phát sinh xói lở

+ Xây dựng thác nước chuyển cấp bằng đá, bê tông tạo mương dẫn nước tránh xói lở thành mương xói sâu.

+ Xây dựng các công trình gia cố đáy và ta luy.

+ Đắp đập chắn nước hoặc đào hào ngăn nước bề mặt trên sườn dốc.

- Biện pháp hóa học:

+ Sử dụng các chất hóa học làm tăng liên kết của đất: thạch cao, sợi thủy tinh (tạo thành mạng lưới trên mặt đất)

+ Dùng một loại giấy đặc biệt phủ lên mặt đất (cho phép ánh sáng và không khí đi qua) Tuy nhiên, trong thực tế các phương pháp hóa học ít được áp dụng vì chi phí rất cao.

Một phần của tài liệu Bài giảng Quy hoạch sử dụng đất (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w